Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gửi điều gì lên Thủ tướng?

(15:26:45 PM 21/03/2017)
(Tin Môi Trường) - "Chúng tôi rất quan ngại việc quy hoạch Sơn Trà thành một Khu du lịch Quốc gia, trong đó biến Sơn Trà thành các điểm lưu trú, khu vui chơi giải trí với mật độ lớn sẽ thu hẹp diện tích rừng, làm gia tăng tốc độ suy giảm môi trường sống tự nhiên, gia tăng áp lực, khả năng tìm kiếm thức ăn và nơi ẩn nấp của những sinh vật dễ bị nguy hại, dễ bị tuyệt chủng..."

Trưa 21/3, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, sáng cùng ngày đã ký văn bản kính gửi Thủ tướng về việc “Xem xét lại Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà – TP Đà Nẵng”.

 

Để cứu Sơn Trà khỏi “bê-tông hóa”, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gửi điều gì lên Thủ tướng?

Văn bản của Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng kính gửi Thủ tướng.
 
Theo nội dung văn bản, ngày 15/2, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng được mời dự họp nghe công bố Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2163/QĐ-TTP của Thủ tướng do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 09/11/2016.
 
Theo đó, đáng chú ý là sẽ phát triển Khu du lịch Sơn Trà “trở thành Trung tâm Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước…”. Chỉ tiêu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt du khách (khách lưu trú 180.000 lượt); đến năm 2030 đón 4,6 triệu lượt du khách (khách lưu trú 300.000 lượt); hình thành các Trung tâm, cụm Dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp quy mô đến năm 2030 có khoảng 1.600 phòng khách sạn.
 
 "Bán đảo Sơn Trà từ lâu được xem như là báu vật của TP Đà Nẵng. Có sự đa dạng sinh học gồm: 985 loại thực vật bậc cao (có 22 loại thực vật quý hiếm), trong đó có cây đa di sản 800 tuổi; 111 loại động vật hết sức phong phú và đặc hữu.
 
Trong đó có loài Voọc Chà vá chân nâu được xếp vào Sách Đỏ Việt Nam (2007) và vào Danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, được đánh giá là một trong những quần thể Voọc có số lượng lớn nhất trong thế giới tự nhiên, là biểu tượng bảo tồn của Sơn Trà...
 
Với tổng quy mô diện tích của Sơn Trà là 4.298ha, rừng tự nhiên là 2.810ha (có 1.077ha đã giao khoán cho các hộ dân để trồng rừng sản xuất). Rừng Sơn Trà ngày càng bị thu hẹp và đang bị tổn thương do các hoạt động của con người. Bao quanh Sơn Trà là các thềm san hô phong phú và da dạng của biển nhiệt đới rất thu hút du khách lặn biển quốc tế", nội dung văn bản thể hiện.
 
Bên cạnh đó với vị trí chiến lược quốc phòng hết sức quan trọng, bán đảo Sơn Trà án ngữ cửa ngõ vào TP Đà Nẵng cả đường không, đường bộ và đường thủy. Đặc biệt là có hệ thống phòng thủ và radar được ví là mắt thần của Đông Dương, khống chế cả một vùng Biển Đông rộng lớn.
 

Để cứu Sơn Trà khỏi “bê-tông hóa”, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gửi điều gì lên Thủ tướng?

Loài Voọc chà vá chân nâu sinh sống trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Khánh Linh
 
Trước đây Sơn Trà cũng đã được Thủ tướng phê duyệt thành Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà theo “Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014”.
 
Từ những lý do trên, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng rất quan ngại việc quy hoạch Sơn Trà thành một Khu du lịch Quốc gia, trong đó biến Sơn Trà thành các điểm lưu trú, khu vui chơi giải trí với mật độ lớn sẽ thu hẹp diện tích rừng, làm gia tăng tốc độ suy giảm môi trường sống tự nhiên, gia tăng áp lực, khả năng tìm kiếm thức ăn và nơi ẩn nấp của những sinh vật dễ bị nguy hại, dễ bị tuyệt chủng.
 
Mặt khác, hoạt động xây dựng nhiều công trình khách sạn của các doanh nghiệp nếu không quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến bố trí an ninh quốc phòng và uy hiếp đến chiến lược phòng thủ quốc gia một khi các doanh nghiệp này có thể chuyển giao cho các đối tác nước ngoài theo Luật Doanh nghiệp.
 
“Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng hoan nghênh việc đầu tư các cơ sở hạ tầng, các dịch vụ vui chơi giải trí để làm tăng sức hấp dẫn của du khách đến với Đà Nẵng. Tuy nhiên, nếu không xem xét thận trọng sẽ ảnh hưởng việc phát triển TP Đà Nẵng trong tương lai. Để xây một công trình khách sạn mất vài năm, nhưng để có một khu rừng như Sơn Trà phải mất hàng nhiều trăm năm", văn bản đề cập.
 

Để cứu Sơn Trà khỏi “bê-tông hóa”, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gửi điều gì lên Thủ tướng? 

Từ bán đảo Sơn Trà nhìn về thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Khánh Linh
 
Để du lịch TP Đà Nẵng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng xin kiến nghị các vấn đề cụ thể sau:
 
a. Giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà. Đà Nẵng hiện nay đã có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, hoàn toàn có khả năng đón đến 15 triệu lượt du khách mỗi năm (2016 chỉ mới đón 5,5 triệu lượt du khách)
 
b. Chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm.
 
c. Hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rặng san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội của dân cư.
 
d. Hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà (được thành lập theo quyết định số 45/QĐ-TTg) và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.
 
Văn bản cũng cho biết, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường ngày 24/8/2016 do Thủ tướng đích thân chủ trì, Thủ tướng đã phát biểu: "Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân”.
 
"Vì vậy, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng kính đề nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh lại Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và có thể lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia trong và ngoài nước trước khi triển khai quy hoạch này để tránh các hệ lụy về sau”, văn bản nêu rõ và được gửi đi cùng ngày.
(Theo Tổ Quốc)