Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bệnh nhân Hồng Vân đã hồi phục sức khỏe.
Bệnh nhân là Nguyễn Thị Hồng Vân (15 tuổi, ở Thạch Thất - Hà Nội) bị teo van động mạch phổi bẩm sinh. 5 ngày sau khi được các bác sĩ (BS) cứu mạng, Hồng Vân đã tỉnh táo, có thể trò chuyện và cười nói được với mẹ, với các y - BS tại khoa C1, Viện Tim mạch Việt Nam. Nhìn sự sống đã trở lại với con gái, chị Nguyễn Thị Hiền, mẹ Hồng Vân nghẹn ngào: “Các BS đã sinh ra cháu lần thứ hai. Ơn này gia đình chúng tôi sống để dạ, chết mang theo”.
Quyết định đúng đắn
Trước khi được thực hiện ca can thiệp này, 3 năm trước, cô bé Vân cũng đã được chính các BS của Viện Tim mạch thực hiện can thiệp mở van động mạch phổi bởi bé bị tim bẩm sinh với dị tật teo van động mạch phổi (không có van động mạch phổi). Tuy nhiên, trước Tết Nguyên đán vừa qua, sức khỏe của Vân lại giảm sút nghiêm trọng, do đó gia đình đã đưa Vân đến Viện Tim mạch Việt Nam để khám lại.
TS. Nguyễn Lân Hiếu, Viện Tim mạch Việt Nam, cho biết sau khi khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán, các thầy thuốc của Viện đã quyết định ứng dụng kỹ thuật can thiệp thay van động mạch phổi qua da cho bệnh nhân Vân. Đây là một kỹ thuật can thiệp chưa từng được ứng dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc sức khỏe của bệnh nhân Vân (trước khi can thiệp bão hòa ôxy trong máu của bệnh nhân chỉ đạt 80%) và các ưu điểm của phương pháp mới này ( không cần mổ hở, có thể sử dụng van tim sinh học gắn trên stent, an toàn, thời gian tiến hành thủ thuật nhanh và bệnh nhân có thể ra viện sớm trong thời gian từ 1-2 ngày sau mổ), thì đây là sự lựa chọn tốt nhất.
Cơ hội mới cho bệnh nhân tim mạch
Theo TS Hiếu, nếu không ứng dụng phương pháp can thiệp này thì các bác sĩ sẽ lại phải tiến hành mổ tim mở bằng phương pháp tắt tĩnh mạch chủ và động mạch phổi (glennt shunt). Sau 2 giờ tiến hành can thiệp, Vân đã được chuyển sang hồi sức tại Khoa C1. “Thành công của kỹ thuật này giúp nhiều bệnh nhân bị hở van tim, hở phổi sau mổ tim tứ chứng Fallot sẽ không phải mổ lại”- TS. Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Kỹ thuật can thiệp thay van động mạch phổi qua da là một công trình nghiên cứu thuộc đề tài nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giao cho Viện Tim mạch Việt Nam. Trong gần một năm qua, một ê-kíp chuyên gia của Viện đã không ngừng tìm hiểu tài liệu, thông tin của y khoa thế giới về kỹ thuật này nhằm học hỏi thêm kinh nghiệm để ứng dụng tại Việt Nam.
Cùng với sự trợ giúp của các chuyên gia đến từ Mỹ, các BS của Viện Tim mạch Việt Nam đã thử nghiệm thiết kế loại van động mạch phổi qua da này nhằm sớm triển khai vào thực tiễn. TS. Hiếu cho biết thêm ở Mỹ chi phí một van nhân tạo qua da khoảng 45.000 USD, trong khi ở Việt Nam chi phí cho van này chỉ bằng khoảng 1/3-1/4 giá thành.