Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Phục hồi được các sợi trục thần kinh sau chấn thương não, tủy sống và đột quỵ
(21:53:43 PM 12/03/2017)
(Tin Môi Trường) - Theo Medical News Today, một việc làm cực kỳ khó khăn là khắc phục những chấn thương của hệ thần kinh trung ương. Sợi trục thần kinh là các khâu truyền tín hiệu điện giữa các tế bào thần kinh trong não và trong tủy sống. Nếu bị chấn thương não, tủy sống, đột quỵ, bệnh đa xơ cứng phát triển thì các sợi trục thần kinh bị tổn thương.
Ảnh minh họa
Các nhà khoa học ở Đại học McGill (Canada) trong bài viết công bố trên tạp chí chuyên ngành Neuron đã thông báo phát hiện ra có một loại nấm sản sinh ra được loại phân tử nhỏ có tác dụng tái sinh các sợi trục thần kinh. Chúng ta đều biết rằng rất khó phục hồi các sợi trục thần kinh. Hơn nữa, một khi các sợi trục thần kinh bị tổn thương do chấn thương não thì chúng sẽ tiếp tục thoái hóa. Điều này xảy ra thậm chí nhiều năm sau khi bị chấn thương. Hậu quả có thể xảy ra là xuất hiện những thay đổi trong não đặc trưng cho bệnh Alzheimer.
Các nhà khoa học đã phát hiện một nhóm protein có tên 14-3-3 có thể bảo vệ tế bào thần kinh trong khi họ đã có trong tay loại nấm đặc biệt sản sinh ra phân tử fusicoccin-A. Phân tử này ổn định các kết nối giữa các protein 14-3-3 và protein khác. Họ có lý do để tin rằng fusicoccin-A có thể kích thích các protein, buộc chúng phục hồi các sợi trục thần kinh. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng tỏ rằng phân tử fusicoccin-A có tác dụng tái sinh các tế bào thần kinh bị tổn thương về mặt cơ học.
Theo thông kê, hàng năm tại Mỹ, xảy ra hơn 1,5 triệu trường hợp tổn thương não do chấn thương, với chi phí chăm sóc sức khoẻ hàng năm trên 60 tỉ đô la Mỹ. Số liệu do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh công bố cho thấy mỗi năm, có hơn 795.000 người Mỹ bị lên cơn đột quỵ. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 5 và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật nghiêm trọng lâu dài ở người lớn ở Mỹ. Hơn một nửa số người sống sót sau đột quỵ từ 65 tuổi trở lên đã giảm khả năng đi lại. Tổng chi phí điều trị đột quỵ ước tính khoảng 33 tỉ đô la Mỹ - bao gồm chi phí chăm sóc, thuốc men và những ngày nghỉ làm việc.
Còn theo Trung tâm thống kê thương tật tủy sống quốc gia, ước tính số người ở Mỹ bị thương tật tủy sống là từ 243.000 đến 347.000. Số vụ mới bị thương tật tủy sống mỗi năm là khoảng 17.000. Những con số thống kê về số bệnh nhân và chi phí điều trị chỉ riêng ở Mỹ đã cho thấy phát hiện trên của các nhà khoa học quý giá đến chừng nào.