Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đại ngàn Hương Sơn kêu cứu (kỳ 2)

(19:50:35 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Trầm ngâm bên súc gỗ to đùng ven bờ núi dựng đứng dẫn đến thủy điện Hương Sơn, ông Trần Quốc Việt thở dài mùa mưa là đứng ngồi không yên. Rừng thượng nguồn phá tan cả. Mà không hiểu mần răng bữa ni mưa có vẻ khác thường.

Trầm ngâm bên súc gỗ to đùng ven bờ núi dựng đứng dẫn đến thủy điện Hương Sơn, ông Trần Quốc Việt thở dài: “Mùa mưa là đứng ngồi không yên. Rừng thượng nguồn phá tan cả. Mà không hiểu mần răng bữa ni mưa có vẻ khác thường. Có lúc mưa không ra mưa, đợi mãi không thấy mưa. Có khi mưa như thác”. Ông Chủ tịch UBND Xã Sơn Kim (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), trỏ xuống dòng nước xiết qua đống đá, hòn bé như con cóc, cái to như con voi: “Lo nhất cái tê tề”.

>> Đại ngàn Hương Sơn kêu cứu (kỳ 1)  

Đơn với bốn chữ ký và dấu của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, và Mặt trận Tổ quốc Xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn, tỉnh miền trung Hà Tĩnh, phản đối thủy điện trên thượng nguồn sông Ngàn Phố, giáp biên giới Việt-Lào.

 

Điện chưa ra, nước đã cạn... 

 

Mực nước suối Nậm Sốt so với thời kỳ chưa khởi công xây dựng thủy điện Hương Sơn, từ năm 2004 đổ về trước, giảm trông thấy. “Hồi trước, muốn qua suối, tôi phải cởi quần dài vì nước ngập đến thắt lưng”, ông Việt nói. “Bây chừ, nước chỉ re re”. Nhà môi trường trẻ của Pan Nature cũng quê Hà Tĩnh xắn quần đến gối lội ào ra giữa dòng.

 

“Khi mưa, rừng có thể giữ lại khoảng 80 phần trăm lượng nước, còn 20 phần trăm lượng nước bề mặt chảy về đồng bằng”, Ông Phan Đình Nhã, chuyên gia Viện Tư vấn Phát triển (CODE), nói. “Mất rừng, hiện tượng trên sẽ đảo ngược”.

 

Được hỏi về cơn bão số 5 năm ngoái gây lũ lịch sử ở huyện Hương Khê thì huyện Hương Sơn sát nách thế nào, ông Việt nhớ lại, “mần răng mà cứ như thể không thấy bão, lượng mưa chỉ 80 mm”. Chị Nguyễn Thi Hiền ở cạnh suối Nước Sốt, xã Sơn Kim I, nói: “Từ khi có mưa lớn trên thượng nguồn, ít nhất 24 giờ sau, lũ mới về đến đoạn sông ngang thị trấn. Nay chỉ sau 6 – 10 giờ, lũ đã ào về”.

 

Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi (ĐH Thuỷ lợi) làm nên dự án mà “điện đâu nỏ thấy, chỉ thấy phá rừng, kiệt nước”, chị Trần Thị Đào, nhà cạnh suối Rào Mắc, xã Sơn Kim I, than vãn, giếng khoan phải tăng độ sâu, giếng đào phải thêm cống. Ông Trần Văn Phượng, thôn Quyết Thắng, xã Sơn Kim II, trần tình: “Giếng nhà tui sâu năm mét mà nỏ khi mô cạn. Bi chừ, bảy mét vẫn phải đào thêm một cống 80 cm nữa”.

 

Suối Nước Sốt hợp với suối Rào Àn tạo thành sông Ngàn Phố. “30 – 40 năm trước, về mùa kiệt, phải có đò mới qua được sông”, lão nông tên Phượng hồi tưởng. Thượng nguồn Rào Àn, người ta đang ráo riết làm thủy điện Rào Àn I và Rào Àn II. Lại một báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lạc quan “dự án thủy điện điều tiết dòng chảy của các dòng suối trong khu vực, từ đó hạn chế ảnh hưởng của lũ lụt mùa mưa, tăng lưu lượng dòng chảy mùa khô”, (Trung tâm Quan trắc&Kỹ thuật Môi trường Hà Tĩnh).

 

Chúng tôi đứng bên suối Rào Àn, sát khu nhà của Trung tâm Du lịch Sinh thái Nhân văn Vùng cao, mà ngỡ đang đứng bên bờ sông. Mênh mông, xanh ngằt ngặt. Ông Việt kể, suối Nước Sốt hồi chưa khởi công thủy điện Hương Sơn còn nhiều nước hơn so với Rào Àn bây giờ. Nếu xây dựng hai cái Rào Àn, ông tin, suối Rào Àn sẽ lại chung số phận cạn nước như Nước Sốt bây giờ. Họp với giám đốc dự án thủy điện Hương Sơn ở trụ sở UBND Huyện Hương Sơn, ông Việt băn khoăn rừng bị phá rồi sẽ không đủ nước mà chạy máy. Ông giám đốc bảo: “Thiếu nước thì ngày tích nước, đêm chạy máy”. Ông Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Huyện Hương Sơn không kìm được: “Thiếu điện vẫn có thể sống được nhưng thiếu nước sẽ chết hết”.

 

Tại các khu vực xây dựng thuỷ điện Hương Sơn và dự kiến làm thủy điện Rào Àn I&II, lớp đất nền có độ kết dính kém và bở rời.

 

... núi đã lở

 

Ông Việt chỉ những tảng núi đất lở loét, những rừng cây dưới vực chết khô bởi đất lấp. “Sáu năm nay, lở vẫn cứ lở, chứ nỏ phải mới làm đường mô”. Nắng lắm, mưa nhiều, địa hình dốc và chia cắt mạnh bởi nhiều sông suối, dải đất thắt lưng buộc bụng này liên tiếp hứng chịu mưa bão, lũ lụt.

 

Ở ngã ba sông Ngàn Phố, nơi hội lưu giữa Nước Sốt và Rào Àn, tôi gặp Lê Tử Hùng, sinh năm 1977. Anh và con gái năm tuổi đều sinh ra và lớn lên bên Rào Àn. Hùng chỉ lên cột điện cao sáu mét trước nhà nói nước lũ năm 2002 dâng đến hai phần ba cột đèn và ngập mái nhà. Đụn cát to tướng ven đường kia, lối vào Khu Du lịch Sinh thái Vùng cao, tạo nên sau trận lũ quét. Còn bãi đá cuội ven suối, rộng ngang sân bóng đá, từng là bãi đất và là nơi cư ngụ của ba gia đình, nơi đặt trạm kiểm lâm và bộ đội. Dòng chảy hiện thời cũng là sản phẩm bởi trận lũ quét đó. “Dòng cũ của Rào Àn ợ tê tề”.

 

Nhớ lại trận lũ quét, Hùng kể: “Tiếng ầm ì rồi hàng loạt tiếng nổ ầm ầm. Nước từ thượng nguồn đổ về lúc ba giờ chiều làm trời vàng khè. Tui đứng trên gò cao mà loáng cái mênh mông”. Phố Châu, Sơn Bằng la liệt cây cổ thụ bị lũ cuốn cả cành lẫn gốc rễ từ rừng về. Quốc lộ 8A từ ngã ba Bãi Vọt (thị xã Hồng Lĩnh) lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo sang Lào, năm 1999 được tặng danh hiệu "Con đường đẹp nhất Việt Nam", bị băm nát nhiều đoạn, bùn dày cả thước. Phía trên cầu Nước Sốt, một núi đổ sập vùi lấp vĩnh viễn năm người, đến nay vẫn không thấy xác. Nhiều cầu bị lũ vặt trụi lan can.

 

Tổng cộng, 77 người chết, hàng trăm người bị thương, thiệt hại 700 tỷ đồng, bằng thiệt hại của cả tỉnh Hà Tĩnh năm 2007 bởi cơn bão số 2 gây ra trận lũ lụt lịch sử cho cả huyện Hương Khê, bằng tổng thiệt hại của tỉnh miền núi phía bắc Lào Cai, địa phương bị thiệt hại nặng nhất sau đợt mưa lũ lịch sử đầu tháng 8 vừa qua bởi cơn bão số 4, bằng tổng thiệt hai do bão số 6 gây ra cho các tỉnh Bắc Bộ. Thiệt hại sau trận mưa lũ lịch sử ở Hà Nội khiến 20 người chết đầu tháng 11 cũng chỉ tưng nấy.

 

Thủy điện Hương Sơn, Rào Àn I, và Rào Àn II đều nằm trong rừng phòng hộ đầu nguồn đặc biệt xung yếu, thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang, được mệnh danh là rốn lũ quét. Theo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, độ dốc Hương Sơn ở cấp nguy hiểm cao nhất, 5/5. Vùng này thuộc địa hình miền núi đông bắc dãy Trường Sơn, bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, độ cao trung bình từ 700 – 1000m với nhiều đỉnh núi như Phouchomvoi ở biên giới Việt Lào cao 1821m, Phoupang 1613 m, Bà Mụ 1376m.

 

Độ dốc nhiều nơi lớn hơn 30 độ, dốc hơn cả ở tỉnh miền núi phía bắc Lào Cai, nơi được mệnh danh trùng điệp núi cao và vực thẳm. Các vách núi ở khu vực thượng nguồn Hương Sơn còn dốc hơn nữa, gần như dựng đứng (40 – 50 độ), tạo thành khe hẹp, dễ hình thành đập ngăn nước tạm thời khi có sạt lở núi. Đấy là chưa kể thượng nguồn Hương Sơn có địa hình phân cắt sâu. Phân cắt sâu lớn thường dẫn đến sự phát triển các hệ thống khe rãnh xâm thực và các sườn trượt đất. Trong lưu vực sông suối Hương Sơn, mức độ chênh lệnh địa hình có thể lên tới 100m/km2…

 

Thế mà thủy điện Hương Sơn được khởi công ngay sau lũ quét lịch sử. Khi Hương Sơn còn ngổn ngang, người ta đã giục rối khởi công hai công trình Rào Àn trên diện tích 100 ha, nơi lẽ ra phải được bảo vệ theo Quyết định 186/2006/QĐ-TTg (ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế quản lý rừng) và Quyết định 1404/QĐ-TTg (ngày 30/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch ba loại rừng tỉnh Hà Tĩnh). Rào Àn với trên 10.000 ha rừng nguyên sinh sót lại còn nằm trong kế hoạch xây dựng khu dự trữ sinh quyển để quốc tế công nhận.

 

Vị chi, chỉ trong diện tích 44.000 ha của hai xã Sơn Kim I và Sơn Kim II (bằng nửa diện tích thủ đô Hà Nội cũ), có ba nhà máy thuỷ điện chễm trệ giữa rừng phòng hộ đầu nguồn. Chỉ riêng quản lý gỗ tận thu khi giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng và lòng hồ của các dự án này, ai được lợi? Không có trả lời từ các quan chức mà chúng tôi gặp.

 

(còn nữa)

 

Kỳ 3 – Ý chí hành chính

 

(Theo Tiền Phong)