Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trong báo cáo mới nhất, người ta còn bóp méo ý kiến của cộng đồng và lãnh đạo xã Sơn Kim.
Những súc gỗ như thế này được chuyển ra khỏi công trường suốt bốn năm qua và người ta bảo đấy là gỗ của rừng sản xuất.
>> Đại ngàn Hương Sơn kêu cứu (kỳ 2)
>> Đại ngàn Hương Sơn kêu cứu (kỳ 1)
Kỳ 3 - Ý chí hành chính
Bất chấp hàng loạt bất lợi, lãnh đạo Hà Tĩnh vẫn cho xúc tiến xây dựng thủy điện gần như bằng mọi giá. Thủy điện Hương Sơn tiếp tục được bật đèn xanh. Trong báo cáo mới nhất, người ta còn bóp méo ý kiến của cộng đồng và lãnh đạo xã Sơn Kim.
Không những thế, người ta còn thúc giục làm nhanh hai công trình thủy điện Rào Àn I và II để kịp phá nốt khu rừng nguyên sinh còn lại ngay sát vùng phên dậu của tổ quốc, vốn có chức năng cản gió Lào và giữ nước cho vùng hạ lưu thường xuyên khô cằn.
Tại các khu vực dự kiến xây dựng thuỷ điện, lớp đất nền chịu nhiều ảnh hưởng của hoạt động kiến tạo địa chất thuộc đới võng Trường Sơn. Các lớp phong hoá ở đây rất dày, độ kết dính kém và bở rời. Đúng như những gì chúng tôi chứng kiến, các hiện tượng địa chất động lực công trình xuất hiện tại khu vực này phổ biến là sạt lở, lũ bùn đá, và xói rửa phá lở sườn dốc. Đây là những yếu tố rất nhạy cảm với quá trình địa mạo động lực, ông Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn Phát triển (CODE), nhận xét.
Không chỉ bất lợi về địa hình, địa mạo, Hương Sơn khômg may còn nằm ở vùng mưa lớn. Theo ông Nhã, các dãy núi cao thuộc dãy Trường Sơn phía tây Hà Tĩnh có tác dụng chắn hướng gió gây mưa lớn từ đông - đông nam và đông bắc. Vì thế Hương Sơn là một trong những trung tâm mưa lớn của miền Trung.
Lượng mưa trung bình năm thường từ 2.500 – 3.000 mm, có năm lên đến 3500mm, gấp năm lần lượng mưa trung bình năm của các tỉnh cực nam Trung Bộ.
Kể từ khi các nhà khoa học thế giới nói đến biến đổi khí hậu, các trận mưa lớn kia có xu hướng tập trung hơn, thất thường hơn. Trận lũ quét năm 2002 lượng mưa đo được ở Sơn Diệm là 753 mm. Mưa ngày lớn nhất là 350 mm, hơn gấp đôi lượng mưa cần để hình thành lũ quét nói chung. Tháng 8/2006 do ảnh hưởng của cơn bão số 2, tại Hương Sơn, lượng mưa đo được lên đến 1300 mm.
Có thể kể đến một hiện tượng khác, gió lào. Bình thường gió tây nam khô nóng thường xuất hiện vào tháng 6 – 7. Nhưng từ năm 1997 đến nay, gió lào thường xuất hiện sớm hơn. Có năm, nó về cả mùa đông, nhiệt độ lên đến 39 độ C, từ mùng 7 – 9/2/2003.
Với những điều kiện địa hình địa mạo như thế, theo Điều 10, Luật Xây dựng năm 2003, vùng thượng nguồn Hương Sơn lẽ ra phải bị cấm xây dựng công trình…
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Minh Đăng, Phó Chủ tịch UBND Huyện Hương Sơn, phụ trách tài nguyên-môi trường, tại trụ sở huyện. Con đường đẹp nhất Việt Nam hồi năm 1999 trở nên bé tẹo, nát bét nhiều đoạn. Đi xe máy từ công trường Hương Sơn, toàn thân tôi phủ một lớp bụi vàng khè.
“Lúc đầu, lãnh đạo huyện rất phấn khích với thủy điện Hương Sơn khi khởi công vào năm 2004 và dự kiến hoạt động năm 2007”, ông Đăng nói. “Nhưng giám sát mới đây của đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho thấy chưa đến 50 phần trăm việc được hoàn thành. Khoảng 15-20/9 hàng năm, mới xảy ra trận lũ đầu tiên. Nhưng 2-3 năm lại đây, nó đến sớm hơn. Trận lụt đầu tiên năm 2007 xảy ra từ ngày 20/8. Lũ quét, lũ ngập xảy ra nhiều hơn. Tôi nghe nói đấy là do biến đổi khí hậu”.
“Từ khi thủy điện Hương Sơn khởi công, năm 2002, đến nay, tôi chưa thấy bất cứ đoàn khoa học nào đến khảo sát thực địa, nơi tiến hành xây dựng thủy điện Hương Sơn”, ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch UBND Xã Sơn Kim, nói.
Họ ngồi ở mô đó viết chứ nỏ đi thực địa
Chúng tôi hỏi quá trình khảo sát, xây dựng, chủ công trình có làm đúng quy trình không, có khảo sát đánh giá tác động môi trường (ĐTM) không, có lấy ý kiến nhân dân không. Ông Đăng bảo họ làm hết. Ông cho chúng tôi biết, ĐTM bổ sung của thủy điện Hương Sơn tháng 4/2007 ghi rõ ý kiến của UBND Xã Sơn Kim I “hoàn toàn đồng tình cao về việc quy hoạch xây dựng nhà máy thủy điện tại địa bàn xã” (!?). Về Sơn Kim, chúng tôi nhận được câu trả lời ngược lại. “Bịa đặt”, một quan chức UBND Xã Sơn Kim I chém tay vào không khí.
“Ngày 17/10/2007, tôi tham dự cuộc họp ở UBND Huyện Hương Sơn với sự có mặt của đại biểu Sở Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên&Môi trường, v.v...”, ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch UBND Xã Sơn Kim I, kể. “Lãnh đạo huyện nói đây là cuộc họp lấy ý kiến nhân dân. Tôi nghĩ đây là cuộc họp lấy ý kiến lãnh đạo mới đúng. Nếu lấy ý kiến nhân dân, lẽ ra phải tổ chức ở cơ sở, ở xã, và mời dân đến họp mới đúng”.
“Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở ngành hỏi tôi tác động của thủy điện Hương Sơn đang xây dựng cũng như của hai dự án Rào Àn I và Rào Àn II sẽ xây dựng đối với địa phương thế nào. Tôi bảo tôi đến cuộc họp này để hỏi các vị điều đó thì các vị ấy lại hỏi tôi. Tôi chỉ có thể trả lời các vị ấy những tác động đã và đang xảy ra. Còn tương lai ra sao, chỉ có nhà khoa học mới trả lời được chứ sao lại dân xã chúng tôi. Từ khi Hương Sơn khởi công đến nay, tôi chưa thấy bất cứ đoàn khoa học nào đến khảo sát thực địa”.
Báo cáo ĐTM tháng 3/2004 của dự án thủy điện Hương Sơn không có phần “Tham vấn ý kiến cộng đồng”. Báo cáo ĐTM bổ sung tháng 4/2007 thì có thêm mục đó với dòng chữ “Cam kết rằng các số liệu cung cấp trong báo cáo ĐTM bổ sung của dự án thủy điện Hương Sơn có tính chính xác cao”.
Thế mà phần ghi ý kiến đồng tình của nhân dân và lãnh đạo xã Sơn Kim I bị chính bà con phản đối. Và không chỉ vậy: Báo cáo ĐTM ghi dự án thủy điện Giao An I và Giao An II sẽ thực hiện trên suối Giao An, phía bên trái cầu Nước Sốt. “Có lẽ họ ngồi ở mô đó viết chứ nỏ đi thực địa. Đọc hồ sơ của Công ty Cổ phần Thủy điện Giao An, tui tìm không ra cái tên Giao An ở Sơn Kim. Tui nói với họ tui sống ở đây từ nhỏ, chỉ có Rào Àn. Còn nếu các anh nói Giao An thì là các anh nói ở mô đó”, ông Việt nói tiếp.
Dự án thủy điện Hương Sơn hoạt động từ năm 2002 mà hai năm sau mới cho làm báo cáo đánh giá tác động môi trường ở một khu vực nhạy cảm, nơi được qui định là vùng biên giới chiến lược quốc gia.
Chúng tôi đem chuyện địa danh ra trao đổi với ông Nguyễn Minh Đăng. Nghe xong, ông Đăng lại đổi ý: “Thủy điện Hương Sơn khảo sát đánh giá chưa đầy đủ. Hình như chưa có tổ chức hay nhà khoa học nào xem xét, đánh giá ĐTM và lợi hại thì phải”.
Tại sao cứ nhất quyết đòi xây bằng được ba nhà máy thủy điện kia với tổng công suất chỉ bằng 1/21 so với nhiệt điện Vũng Áng trên địa bàn Hà Tĩnh dữ kiến hoạt động vào năm 2010, mà lại cho xây đúng nơi phên dậu phòng ngừa lũ, giữ nước cho cả Hà Tĩnh khô cằn? Ông Trần Quang Trung, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh, trả lời trong im lặng và cái cười khô khan.
Sau khi nhận được kiến nghị của tập thể lãnh đạo xã Sơn Kim I, ngày 17/09/2007, lãnh đạo huyện Hương Sơn tổ chức một cuộc họp hầu hết đại biểu tham gia hội nghị có ý kiến không tán thành với việc triển khai dự án thủy điện. Tuy nhiên, sau cuộc họp cấp tỉnh do Sở Tài nguyên&Môi trường Tỉnh Hà Tĩnh chủ trì ngày 17/10/2007, thái độ của lãnh đạo chủ chốt huyện Hương Sơn thay đổi hẳn.
Các cơ quan có trách nhiệm quay lưng như thế, dân biết nhờ cậy vào ai? Cấp cao hơn dường như chỉ nghe những người đang ngồi ở nghế nóng trên tỉnh và huyện “chứ không thấy về cơ sở”, ông Việt xác nhận.
… Các công trình thuỷ điện ở huyện Hương Sơn có thể mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt nhưng không thể bù đắp được những thiệt hại về môi trường, kinh tế, xã hội, không những ở Hương Sơn mà ở cả vùng dân cư rộng lớn của các huyện hạ lưu sông Ngàn Phố.
Các dự án thủy điên ở tỉnh Hà Tĩnh là ví dụ về thái độ ứng xử trước thiên tai trở nên phức tạp hơn, là ví dụ về việc khó có thể có chiến lược giảm hại và thích ứng với biến đổi khí hậu nếu dân chủ ở cơ sở không được đảm bảo, nếu mục tiêu, ý đồ, của dự án không minh bạch, lợi nhuận trước mắt khiến địa phương quên đi lợi ích cộng đồng và lợi ích lâu dài.
KS Nguyễn Xuân Vỹ, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh, cho biết, toàn tỉnh Hà Tĩnh rộng 604.000 ha có 365.000 ha đất rừng, trong đó có 299.000 ha rừng. Trong số 299.000 ha rừng, có 74.640 ha rừng đặc dụng, 84.000 ha rừng phòng hộ và 174.000 ha rừng sản xuất. Rừng phòng hộ sau này tăng 120.390 ha. Có thời, năm 1988-1989, Hà Tĩnh chỉ còn 200.000 ha rừng. “Diện tích rừng tăng như vậy, không hiểu mần răng lũ lụt cứ ngày càng khốc hại”. Nhẩm tính một lúc, KS Vỹ thừa nhận, diện tích đất rừng ấy của Hà Tĩnh thực ra chỉ bằng một nửa so với tỉnh láng giềng Quảng Bình ở phía nam và bằng một phần ba so với tỉnh láng giềng Nghệ An ở phía bắc.
(Theo Tiền Phong)