(Tin Môi Trường) - Tổ chức Động vật Châu Á cứu hộ thành công sáu cá thể gấu ngựa thuộc một trang trại được chủ nuôi tự nguyện chuyển giao tại Tỉnh Đắk Lắk.
Các bác sĩ khám cho gấu
Ngày 05/12/2016, Tổ chức Động vật Châu Á đã cứu hộ thành công sáu cá thể gấu ngựa nuôi nhốt trong một trang trại tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trong hơn 10 năm. Sáu cá thể gấu này được hai chủ nuôi đồng tự nguyện chuyển giao gấu lại cho nhà nước. Quá trình cứu hộ được Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk hỗ trợ và giám sát.
Quá trình cứu hộ diễn ra liên tục từ 8 h sáng, kéo dài trong suốt hơn 6 giờ đồng hồ, đến hơn 2h chiều, công tác cứu hộ đã hoàn toàn thành công. Năm cá thể gấu được cứu hộ bằng hai phương pháp dụ sang lồng vận chuyển chuyên biệt được chuẩn bị sẵn, riêng cá thể gấu tên Snow, do sức khỏe có nhiều biểu hiện nghiêm trọng, đã được các bác sỹ gây mê, và khám lâm sàng trước cứu hộ.
Tình trạng sức khỏe của cả sáu cá thể gấu đều được đánh giá ở mức độ trung bình, do chúng đều bị nuôi nhốt trong nhiều năm, có biểu hiện tổn thương răng, có cá thể bị cụt chi giống như hầu hết gấu bị nuôi nhốt lâu năm. Đặc biệt, các chuyên gia và bác sỹ rất lo ngại về tình trạng của Snow- cá thể gấu đực thứ hai được cứu hộ. Bác sỹ Mandala Hunter của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cho biết: chú gấu này chỉ còn 1/3 lưỡi (rất có thể trong quá trình tranh thức ăn trong trang trại, gấu đã bị một cá thể gấu khác cắn), răng sâu nghiêm trọng, và chi sau bị móng quặp, mưng mủ rất đau đớn. Có lẽ phải chịu đau trong một thời gian dài, nên chú gấu này có nhiều biểu hiện bất thường hơn cả.
Các cá thể gấu khác có quá trình cứu hộ thuận lợi hơn, do công tác dụ gấu sang lồng đã được các chuyên gia và nhân viên của Tổ chức áp dụng hiệu quả. Dụ gấu sang lồng là cách thức các chuyên gia khéo léo nhử gấu sang lồng vận chuyển chuyên biệt bằng hoa quả, mật ong, đồ ăn yêu thích. Sau khi gấu đã di chuyển sang lồng, cánh cửa sẽ nhẹ nhàng được đóng bởi một chuyên viên từ phía trên, không gây hoảng sợ cho gấu. Dụ gấu sang lồng thường được tiến hành với gấu đủ sức khỏe và vị trí chuồng gấu thuận lợi, đủ không gian.
Gấu được vận chuyển bằng lồng vận chuyển riêng biệt
Các cá thể gấu được cứu hộ vào tháng cuối cùng của năm 2016, với chủ đề Giáng Sinh và những ngày lễ cuối năm đang đến gần nên đều được Tổ chức Động vật Châu Á ưu ái đặt những cái tên rất dễ thương: Bí Xanh, Snow (tuyết), Poe (Peace on Earth- Bình yên trên Trái đất), Ivy (Thường xuân), Cranberry (Việt quất), và Winter (Đông).
Dự kiến, đoàn cứu hộ gấu sẽ di chuyển hành trình dài hơn 1,300 km đường bộ từ Đắk Lắk, về đến Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày Thứ Năm, 8/12/2016.
Tính đến nay, Tổ chức Động vật Châu Á đã cứu hộ thành công 175 cá thể gấu, trong đó hiện có 161 cá thể gấu đang được chăm sóc y tế, dinh dưỡng, và sống ngoài các khu bán tự nhiên của Trung tâm. Trong riêng năm 2016, Tổ chức Động vật Châu Á đã cứu hộ 14 cá thể gấu ( trong đó có 12 cá thể gấu ngựa, và 2 cá thể gấu chó) từ các tỉnh Đà Nẵng, Lâm Đồng, Nam Định, Gia Lai và Đắk Lắk.
Theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm lâm Việt Nam vào đầu năm 2015, chỉ còn khoảng 1.245 cá thể gấu ngựa đang bị giam cầm trong 430 trại nuôi nhốt gấu trên cả nước. Tại các trại gấu, chúng bị nhốt suốt đời trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật. Chúng bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý. Có rất nhiều cá thể gấu đã bị tàn tật sau khi được cứu hộ, những cá thể này sẽ không sống được nếu thả về tự nhiên. Ngoài tự nhiên, loài gấu có thể sống được 30-35 năm, những chú gấu may mắn này có thể được sống phần đời còn lại trong an toàn và tự do. Tổ chức Động vật Châu Á cam kết chăm sóc trọn đời cho gấu.