Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Để voọc Sơn Trà còn đất sống Tin mới nhất

(12:37:32 PM 05/12/2016)
(Tin Môi Trường) - Lấy voọc chà vá chân nâu làm hình ảnh đại điện cho thành phố với bạn bè quốc tế, một quần thể lớn nhất thế giới, mà lại đề xuất ý tưởng phát triển du lịch bằng những công trình chẳng khác nào phá đi “ngôi nhà” của chúng...

Để voọc Sơn Trà còn đất sống

Voọc chà vá chân nâu là loài nguy cấp (EN) trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và IUCN (2015). Ảnh Green Viet
 
Trung tuần tháng 8.2016, một thông tin làm xúc động những người làm bảo tồn được chính quyền thành phố Đà Nẵng công bố, đó là chọn voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà làm hình ảnh nhận diện thành phố Đà Nẵng, nhân sự kiện năm APEC 2017. Lý do chọn voọc chà vá chân nâu làm hình ảnh nhận diện, là Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng thành phố môi trường, thân thiện. Theo đó, thông qua hình ảnh voọc chà vá chân nâu kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường...
 
Thông tin này mở ra sự kỳ vọng về những chương trình cụ thể sẽ được ban hành nhằm bảo tồn loài động vật thuộc nhóm cực kỳ quý hiếm này. Theo nghĩa đó, sự xâm phạm đến sinh cảnh cư trú, khu vực kiếm ăn của loài voọc này, ở hầu hết các địa điểm thuộc bán đảo Sơn Trà, sẽ bị bác bỏ. Ngoài ra, việc gìn giữ nguyên vẹn Sơn Trà cũng là giữ bức bình phong chặn gió bão, là bảo vệ lá phổi xanh cho Đà Nẵng. Bởi, không nhiều thành phố trên thế giới được thiên nhiên ưu đãi như Đà Nẵng, có biển đẹp, lại có chút rừng vàng hiếm hoi còn sót lại nơi đây.
 
Chính vì vậy, chủ trương trên chắc hẳn đã gieo một niềm tin mạnh mẽ cho không chỉ những người trong giới bảo tồn mà rộng rãi người dân, những ai coi trọng thiên nhiên và bảo vệ để môi trường thiên nhiên ấy được nguyên vẹn. Rằng những thông tin kém vui về việc những đối tượng săn bắn voọc chà vá chân nâu diễn ra năm ngoái, sẽ bị nghiêm trị và không còn lặp lại. Rằng trước việc một số người sau khi nhận giao khoán rừng đã cất lán trại, tiến hành chặt cây, trồng cây, đào đường tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống của loài voọc chà vá chân nâu đang sinh sống tại đây, sẽ bị ngăn chặn và xử lý kịp thời…
 
Thế nhưng tin vui chưa được lâu thì mới đây, dư luận lại rúng động trước thông tin sẽ quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà để phát triển du lịch với nhiều hạng mục công trình giải trí, lưu trú. Thậm chí, ý tưởng xây dựng một dự án cáp treo lên đỉnh Bàn Cờ của Sơn Trà cũng đã được một doanh nghiệp đề xuất. 
 
Cho dù ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, khẳng định: “Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chưa bao giờ họp bàn về chủ trương xây tuyến cáp này” thì rõ ràng, Sơn Trà cũng đã trở thành mục tiêu dòm ngó của những nhà đầu tư bất chấp đến lợi ích lâu dài của cộng đồng.
 
Mong rằng phát biểu của người đứng đầu chính quyền Đà Nẵng là một thái độ chính trị thay vì là liều thuốc giảm đau trong bối cảnh những con người trân trọng thiên nhiên nín thở dõi về Sơn Trà. Bức tử Sơn Trà không đơn thuần là tiền hậu bất nhất mà còn tự tay thủ tiêu biểu tượng của đô thị ven bờ sông Hàn.
 
Là một nhà nghiên cứu động vật, tôi quan tâm đến những tác động của việc xây cất các dự án (nếu có), đến hệ sinh thái tự nhiên và ảnh hưởng trực tiếp đến quần thể loài động vật quý hiếm đang cư ngụ tại Sơn Trà.
 

Để voọc Sơn Trà còn đất sống

Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Nguyễn Trường Sinh
 
Loài voọc chà vá chân nâu, tên khoa học là Pygathrix nemaeus. Theo thông tin đăng tải trên Tổ chức bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), loài này phân bố ở Lào và Việt Nam và gần đây đã được ghi nhận ở bắc Campuchia. Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), số lượng cá thể của loài này ở Việt Nam chiếm tới 83% số lượng voọc trên thế giới, với khoảng 530 cá thể, tập trung chủ yếu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Trong đó, số cá thể voọc hiện có tại bán đảo Sơn Trà là khoảng 300 con.
 
Năm 2006, trong một chuyến thực tế, chúng tôi vô cùng may mắn khi phát hiện và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của loài voọc ngũ sắc này. Ý nghĩ bật lên trong đầu lúc đó là cám ơn loài voọc quý đã chọn nơi đây để cư trú, giúp cho nước Việt Nam xinh đẹp có thêm một loài động vật quý hiếm, vô cùng giá trị về đa dạng sinh học. Bởi voọc chà vá chân nâu là loài động vật hoang dã rất khó nuôi nhốt và sinh sản trong môi trường nhân tạo (bảo tồn chuyển vị), ngoại trừ Vườn thú San Diego và Trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương đã cho sinh sản thành công loài voọc quý hiếm này.
 
Hiện nay, voọc chà vá chân nâu là loài nguy cấp (EN) trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và IUCN (2015), và là loài được ưu tiên bảo vệ, quy định tại Phụ lục I của Nghị định 160/2013/NĐ-CP, ngày 12.11.2013, của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Cũng theo thông tin của GreenViet, tại bán đảo Sơn Trà, tổng diện tích rừng chưa tới 4.000ha, là nơi sinh sống của bảy gia đình voọc chà vá chân nâu. Để được tận mắt chiêm ngưỡng “nữ hoàng” của các loài linh trưởng, những tour du lịch sinh thái hết sức văn minh đã được tổ chức, khi du khách được tổ chức theo nhóm, quan sát loài động vật từ xa bằng ống nhòm.
 
Với một quần thể loài động vật hoang dã quý hiếm trong một hệ sinh thái tự nhiên như vậy thì cái cần nhất là phải có những chính sách nghiên cứu, bảo tồn. Nếu làm du lịch sinh thái thì cần giữ cho vẻ đẹp ấy được nguyên vẹn chứ không phải là đặt lên đó những ngôi nhà kính nguy nga, những đường cáp dài kỷ lục và kéo hàng triệu người đổ về.
 
Đừng nên xâm hại Sơn Trà mà nên vun vén cho hệ sinh thái Sơn Trà luôn khỏe mạnh. Đó cũng là giữ gìn cho Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống hơn, khác biệt hơn bởi chỉ cách trung tâm thành phố ít cây số là Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, nơi có loài voọc chân nâu quý hiếm sinh sống. Đó là chưa kể đến việc lấy voọc chà vá chân nâu làm hình ảnh đại điện cho thành phố với bạn bè quốc tế, một quần thể lớn nhất thế giới mà lại đề xuất ý tưởng phát triển du lịch bằng những công trình chẳng khác nào phá đi “ngôi nhà” của chúng, dẫn đến nguy cơ rất cao là loài vật sẽ biến mất thì thế giới sẽ nhìn như thế nào về trách nhiệm với môi trường thiên nhiên của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung?
 
“Báu vật” thiên nhiên đang còn thì phải biết gìn giữ, đừng để khi đàn voọc biến mất mới tạc thay bằng những tượng đá khô khốc, vô hồn!
 

Đừng nên xâm hại Sơn Trà mà nên vun vén cho hệ sinh thái Sơn Trà luôn khỏe mạnh. Đó cũng là giữ gìn cho Đà Nẵng trở nên đáng sống hơn, khác biệt hơn bởi chỉ cách trung tâm thành phố ít cây số là Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, nơi có loài voọc chân nâu quý hiếm sinh sống.

TS. Ngô Văn Trí /NĐT