Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Làm mất vệ sinh nơi công cộng: Tăng phạt tiền, vẫn chưa đủ

(17:49:16 PM 04/12/2016)
(Tin Môi Trường) - Trong 10 năm qua, tôi đến Việt Nam rất nhiều lần và hiện sống ở Việt Nam được gần một năm. Suốt thời gian đó, tôi từng chứng kiến nhiều người xả rác hay tiểu bậy trên đường...

 

Hiện mức phạt đối với hành vi xả rác trên đường phố là 300.000-400.000 đồng, nhưng rất ít người bị xử phạt. Trong ảnh: vứt rác bừa bãi ở đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) - Ảnh: H.Khoa
 
 
Mới đây tôi có nghe về quy định tăng mức phạt tiền đối với những hành vi trên, nhưng dư luận lại lo ngại chỉ tăng mức phạt mà không có lực lượng đi kiểm tra, giám sát để xử phạt là không có hiệu quả...
 
Tăng mức phạt 
là chưa đủ
 
Những gì Việt Nam đang phải đối mặt thì hơn 20 năm trước Singapore cũng đã trải qua. Tôi vẫn nhớ hồi mình còn nhỏ, ở Singapore có rất nhiều chiến dịch kêu gọi giữ gìn thành phố sạch sẽ, cũng như quy định phạt những người làm bẩn môi trường.
 
Ban đầu, rất nhiều người phản đối và nghĩ rằng những chiến dịch đó sẽ không bao giờ có tác dụng.
 
Tuy nhiên, Chính phủ Singapore vẫn kiên định và cuối cùng mọi người bắt đầu nhận thức được làm bẩn môi trường là hành 
vi đáng xấu hổ.
 
Đã có thời, Singapore được gọi đùa là “thành phố phạt tiền” vì apphich được dán ở khắp mọi nơi, ghi rõ số tiền phạt cho từng hành vi làm bẩn môi trường như xả rác trong công viên, khạc nhổ trên mặt đất hoặc tiểu bậy trong thang máy...
 
Tại Singapore, khá nhiều người dân sống trong những khu nhà được chính phủ trợ giá, do Ủy ban Nhà ở và phát triển Singapore (HDB) xây dựng và quản lý, gọi là căn hộ HDB.
 
Tại các căn hộ này, máy cảm biến phát hiện nước tiểu được cài đặt trong nhiều thang máy để bắt những người tiểu bậy.
 
Một khi có người tiểu bậy, các cảm biến này được kích hoạt thì cửa thang máy không mở và cảnh sát sẽ bắt giữ được người vi phạm. Tôi còn nhớ chính xác số tiền phạt là 500 SGD (gần 8 triệu đồng).
 
Ở Singapore, khi phát hiện người vi phạm, cảnh sát sẽ lấy thông tin chi tiết của người đó và người vi phạm phải nộp tiền phạt tại cơ quan nhà nước. Nếu không đi nộp tiền phạt, người vi phạm có thể bị đưa ra tòa và thậm chí bị bỏ tù nếu nhiều lần từ chối nộp phạt.
 
Singapore có lực lượng cảnh sát mặc thường phục của cơ quan môi trường quốc gia thường xuyên theo dõi để bắt người xả rác trên đường phố.
 
Tôi nghe nói ở Việt Nam có nhiều đơn vị, nhiều cấp được ra quyết định xử phạt nhưng lại ít thấy lực lượng đi kiểm tra, giám sát để phát hiện 
người vi phạm.
 
Tôi nghĩ rằng quy định phạt người có hành vi ảnh hưởng đến môi trường là khả thi nếu chính quyền quyết tâm xử phạt, chứ không phải chỉ tăng mức 
phạt rồi thôi...
 
 
 Làm mất vệ sinh nơi công cộng: Tăng phạt tiền, vẫn chưa đủ
Bác sĩ Ong Kian Soon
 
Gắn camera theo dõi
 
Thật sự mà nói đúng là khó có thể bắt được người vi phạm mọi lúc. Ở Singapore cũng vậy. Ngày xưa, những nơi như hẻm tối, đường nhỏ vắng vẻ hay bãi đậu xe là nơi người ta vứt rác rất nhiều.
 
Sau này, các khu này được gắn camera giám sát để ngăn tình trạng trên. Camera cũng thường được lắp trong các khu 
căn hộ cao tầng.
 
Tuy camera không thể hỗ trợ bắt người vi phạm nếu đó là người vãng lai vì khó mà xác định được danh tính họ qua video, nhưng camera giám sát sẽ rất hữu ích trong trường hợp người dân sống trong khu vực đó vi phạm.
 
Đặc biệt nếu họ vi phạm nhiều lần, ví dụ như ngày nào cũng mang rác tới những nơi đó vứt, sẽ dễ dàng bị ghi hình và truy ra danh tính.
 
Camera được lắp khi dân cư phàn nàn về một nơi nào đó trong khu họ ở bị nhiều người vứt rác, để giám sát và bắt người có hành vi vứt rác không đúng quy định. Chi phí lắp camera không quá mắc lại có thể giúp ngăn ngừa tội phạm.
 
Ở Việt Nam, tôi thấy những nơi như khu vực quanh chợ có nhiều người cứ mang rác ra để hết ngày này qua ngày khác. Trong trường hợp này, camera sẽ phát huy tác dụng bắt quả tang những người vi phạm “quen mặt”.
 
Phạt tiền thôi chưa đủ
 
Trong một bức tranh lớn hơn, tôi nghĩ rằng việc xử phạt chỉ ngăn được một bộ phận nhất định không vi phạm. Phương pháp thật sự hiệu quả là “name and shame” (chỉ đích danh và làm xấu hổ) những người vi phạm, tôi nghĩ thậm chí còn hiệu quả 
hơn phạt tiền.
 
Ở Singapore, một số người lo ngại rằng những người có tiền sẽ chẳng bận tâm tiền phạt nên vẫn tiếp tục xả rác.
 
Vì vậy, ngoài phạt tiền, Chính phủ Singapore còn quy định người xả rác phải phục vụ cộng đồng bằng cách quét dọn ở khu vực gần nơi mình sống.
 
Người vi phạm còn phải mặc một chiếc áo dạ quang màu xanh lá trong lúc quét dọn nhằm khiến cho người đó phải xấu hổ với hàng xóm của mình mà không vi phạm nữa. Thực tế ở Singapore cho thấy cách này đã rất thành công!
 
Một phương pháp khác để khuyến khích hành vi tốt của người dân là công nhận xứng đáng những ai có đóng góp để giữ cho môi trường sạch sẽ. Ví dụ, khi tôi còn đi học, nhà trường thường xuyên tổ chức các chuyến đi đến bãi biển để dọn rác.
 
Các sự kiện như vậy thường được phương tiện truyền thông đưa tin rộng rãi. Bằng cách này, những người tham gia sẽ học được những thói quen tốt để giữ môi trường sạch, đồng thời cũng là ví dụ tích cực cho những người khác noi theo.
 
Tất nhiên, cách tốt nhất vẫn là giáo dục người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và giữ không gian chung sạch đẹp.
 
Và việc này phải bắt đầu từ người trẻ. Nhà trường cũng là nơi tốt nhất để bắt đầu. Một số trường học ở Singapore bắt buộc học sinh phải làm vệ sinh lớp học và các khu vực chung xung quanh mặc dù trường có 
nhân viên vệ sinh...


Bác sĩ Ong Kian Soon (người Singapore)
Ông Michael Katkin (giáo viên người Mỹ): Ở Mỹ, vứt rác bị phạt đến vài trăm USD
 
Tại một số nơi ở Mỹ, việc tiểu bậy nơi công cộng thậm chí có thể bị coi là một dạng hành vi phạm tội tình dục. Người vi phạm có thể bị quản thúc và cấm lại gần một số nơi công cộng như trường học, công viên... trong một phạm vi nhất định.
 
Bản thân tôi rất dị ứng với chuyện xả rác ngoài đường. Nếu đang cần vứt rác mà không có thùng rác, tôi sẽ tìm cách gói rác lại và nhét vào balô rồi về nhà vứt.
 
Tôi nghĩ trang bị nhiều thùng rác công cộng hơn có thể phần nào giúp giải quyết được thói quen vứt rác ra đường. Tại một số nơi ở Mỹ, người vứt rác có thể bị phạt tiền, lên đến vài trăm USD.
 
Để thay đổi thói quen và hành vi của mọi người đối với việc bảo vệ môi trường, tôi nghĩ chúng ta nên đầu tư vào thế hệ trẻ em, đặc biệt là môi trường giáo dục ở trường học, vì trẻ em thường ở trường với thầy cô nhiều hơn là ở nhà với cha mẹ.
 
Luật sư Trần Thị Miền, (Đoàn Luật sư TP.HCM): Ít phạt nên khó rèn ý thức
 
Từ ngày 1-2-2017, mức phạt tiền đối với những vi phạm phổ biến về vệ sinh nơi công cộng tăng hơn gấp 10 lần so với quy định hiện hành.
 
Đây là một trong những nội dung đáng lưu ý của nghị định 155/2016 của Chính phủ (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) để thay thế nghị định 179/2013 hiện hành.
 
Cụ thể, theo khoản 1, điều 20 nghị định 155/2016, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt từ 500.000-1 triệu đồng (hiện nay là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000-100.000 đồng).
 
Hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt từ 1-3 triệu đồng (hiện nay phạt từ 200.000-300.000 đồng).
 
Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt từ 3-5 triệu đồng (hiện nay phạt 
100.000-200.000 đồng).
 
Hành vi vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hay hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị bị phạt từ 5-7 triệu đồng (hiện nay phạt từ 300.000-400.000 đồng).
 
Nghị định 155/2016 tiếp tục cho phép rất nhiều người (như chủ tịch UBND các cấp, trưởng công an các cấp, thanh tra chuyên ngành...) có thẩm quyền ra quyết định xử phạt các hành vi vi phạm nêu trên.
 
Tuy nhiên, thực tế triển khai trong thời gian dài cho thấy nhiều người có quyền phạt nhưng lại không ai chịu phạt! Viện lẽ nhân sự mỏng, các cơ quan thẩm quyền đã không tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm để xử phạt.
 
Đến khi thấy vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên, các cơ quan chức năng lại cho rằng do mức phạt hiện hành thấp nên không tạo được tính răn đe và từ lý do này mà cho ra đời các quy định mới theo hướng nâng cao mức phạt tiền.
 
Cái vòng luẩn quẩn này khiến pháp luật bị xem thường và không góp phần rèn được ý thức tự giác tuân thủ pháp luật trong bảo vệ môi 
trường của người dân.
(Theo TTO)