Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Về Quảng Ninh, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng bộ xương cá voi thuộc vào loại lớn nhất Việt Nam được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh. Tuy nhiên việc xuất hiện của bộ xương khổng lồ mà nhiều du khách ngỡ là xương loài khủng long này là một câu chuyện dài lần đầu tiên được kể...
Một hiện vật lạ ở bảo tàng
Năm 1995, lần đầu tiên tôi nhìn thấy bộ xương cá lớn như vậy trưng bày ở gian sảnh bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi trầm trồ trước sự đồ sộ của loài cá, mà khi chỉ còn khung xương nó đã có chiều dài gần 20 mét, cao trên hai mét nhưng chưa có điều kiện tìm hiểu lai lịch của hiện vật lạ này khi nó lại được đặt trong một bảo tàng lịch sử tổng hợp.
Xác cá voi. |
Bẵng đi mười bốn năm, lần này tình cờ ghé thăm bảo tàng, ngồi với ông Trần Trọng Hà, vị giám đốc bảo tàng được xếp vào hàng trẻ nhất hàng giám đốc bảo tàng cấp tỉnh thành, lúc bổ nhiệm vào năm 1994. Dĩ nhiên là bây giờ Hà không còn trẻ nữa sau mười bốn năm ngồi ghế giám đốc...
Câu chuyện ở bảo tàng lần này xoay quanh các cuộc sưu tầm trưng bày hiện vật. Chuyện quá cũ, như cái nghề bảo tàng xưa cũ vậy. Chợt nhớ ra bộ xương cá voi năm nào hoành tráng thế, mà nay không thấy bày ở chỗ cũ, tôi lại đựợc nghe câu chuyện dài về lai lịch của nó và cả quá trình phát hiện, sưu tầm, đặc biệt là công việc bảo quản cái hiện vật độc đáo này tại Quảng Ninh – câu chuyện trọn vẹn mà theo ông Hà, lần đầu tiên được viết và được nói đến...
Ông Trần Trọng Hà kể ngày 14/10 năm 1994 những ngư dân đánh cá trên biển khu vực phía Đông đảo Ngọc Vừng, một hòn đảo phía Nam huyện Vân Đồn, chợt phát hiện một con cá lạ có kích thước khổng lồ chết tấp vào bờ thuộc bãi đá Cán Đao.
Tin báo về đất liền, ngày 16/10, Phòng Văn hóa thị xã Cẩm Phả đã cử cán bộ ra đảo xem xét và báo cáo về Uỷ ban tỉnh.
Ông phó chủ tịch lúc đó là Nguyễn Văn Thọ thông báo vụ việc cho họa sĩ Lê Văn Hải, phó giám đốc Sở Văn hoá Thông tin (VH -TT) Quảng Ninh. Bảo tàng Quảng Ninh cũng đã cho cán bộ tiếp cận con cá lạ và báo cáo Sở VH-TT xin chủ trương sưu tầm bộ xương cá này như một hiện vật quý.
Bộ xương cá voi trong Bảo tàng Quảng Ninh. |
Ngày 18/10 Bảo tàng Quảng Ninh liên tục đưa người đến hiện trường tiến hành các biện pháp và thủ tục cần thiết, có cả lực lượng PA25 công an tỉnh đi cùng. Trong khi đó, bên Sở Thuỷ sản Quảng Ninh đề xuất hai phương án khai thác bộ xương cá lạ, một là để tự phân hủy, sau đó rửa sạch đưa về và dùng phoóc môn xử lý giữ bộ da, vây, đuôi cá đã bị đứt từ trước...
Tuy nhiên với trách nhiệm của người làm bảo tồn, Bảo tàng tỉnh đề xuất giải pháp thuê ngư dân róc thịt lấy bộ xương cá. Làm như vậy sẽ bảo vệ được hoàn toàn tránh bị thất thoát hoặc bị đánh cắp đem bán.
Chuyên viên bảo tàng Trần Văn Hùng được phân công ở lại theo dõi công việc. Hợp đồng đã được ký với ngư dân Vân Đồn và nghe nói trị giá của công trình thu hồi bộ xương cá lúc đó hết một số tiền trị giá 15 triệu đồng.
Chuyện kể lại rằng anh Hùng vì suốt ngày trực tiếp giám sát việc xả thịt cá voi khi bắt đầu phân hủy nên khi về hai tháng sau, người vẫn nặng mùi cá, khiến ăn cơm không thấy ngon…
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn kể từ khi phát hiện con cá lạ trên bãi đá ven biển Ngọc Vừng, Bảo tàng Quảng Ninh đã đưa trọn vẹn bộ xương cá lạ nặng trên ba tấn về bảo tàng ở thành phố Hạ Long, cách nơi phát hiện gần 50 cây số đường biển...
Cái chết bi thảm của Cá Ông…
Sau này, khi điều tra lai lịch con cá khổng lồ này, những nhà chuyên môn ở bảo tàng đã phát hiện ra rằng không phải nó bị mắc cạn như cách hiểu ban đầu.
Lai lịch của nó là một câu chuyện dài. Bắt đầu từ việc đàn cá voi mùa sinh sản thường vào gần vùng vịnh giữa đảo Cô Tô và Quan Lạn để săn mồi như mực, tôm các loại...
Lễ tế cá voi trước khi đưa vào đất liền. |
Những ngư dân đánh cá trong vịnh đã phát hiện nó và không hiểu sao họ lại không nhận ra đó là loài Cá Ông linh thiêng mà lại tưởng nhầm là một con cá Nhám khổng lồ, một loài cá có giá trị kinh tế lớn.
Thế nên, hai tàu đánh cá đã rượt đuổi theo và truy bắt nó suốt hai ngày. Ngày thứ ba con cá bơi vào vùng vịnh Cái Làng gần đảo Ngọc Vừng, khi bơi ngược trở ra thì tàu ngư dân đã ném xuống hai quả mìn.
Do nước sâu hai quả mìn ném xuống nổ bên hông, nên con cá không bị ảnh hưởng gì. Nó vẫn cố sức tìm đường thoát ra biển. Sợ mất con mồi, người ta đã tung quả mìn thứ ba. Quả này lớn hơn, có trọng lượng gần 1000 gram thuốc nổ.
Lễ hội cá ông ở Bình Thuận (Ảnh Phạm Ngọc Dương). |
Khi mìn vừa ném ra, nhanh như cắt, con cá đớp luôn và một tiếng nổ lớn phát ra từ miệng con cá. Con cá quẫy làm sóng xô lên cao đến nỗi có cảm giác đang có… sóng thần. Đầu cá vỡ tung, con cá chết tại chỗ.
Gia đình ngư dân bắt đầu thuê người lặn xuống biển thăm dò. Con cá lớn ngoài sức tưởng tượng khiến người thợ lặn hoảng hốt giật dây để xin lên tàu ngay.
Tin đầu tiên: Cá Ông! Đây là loài cá thiêng đối với dân làm nghề đi biển. Cả đoàn tàu cuốn neo bỏ chạy không dám ngoái đầu lại nhìn. Nghe nói gia đình chủ tàu đánh cá này sợ đến nỗi dông thẳng vào Hải Phòng, sau một đêm hoàn hồn thì lập tức mời thầy cúng ra lại biển Vân Đồn làm lễ tạ Ông. Từ đó về sau nhà ấy bỏ nghề đánh cá.
Có tin sau khi giải nghệ, họ rời làng ra sống một một hòn đảo trên vịnh Bái Tử Long chuyên làm nghề đốn củi đốt than kiếm sống. Họ làm lễ cúng thần biển và nguyền vĩnh viễn không dám ra khơi...
Lại nói về con cá lạ bị chết. Sau ba ngày con cá nổi lên. Lúc này một nhóm dân chài đánh cá ở gần đó phát hiện ra xác con cá. Họ dùng dây cáp buộc vào đuôi cá để kéo theo tàu, định đưa vào miền
Không hiểu sao mấy ngày liền gió to, sóng lớn liên tục nổi lên khiến tàu không tài nào kéo nổi con cá khổng lồ này đi. Đuôi cá bị tàu kéo làm đứt. Những người dân chài đành bỏ cuộc. Con cá trôi tự do và bị sóng đánh dạt vào bãi đá Cán Đao thuộc quần đảo Ngọc Vừng. Ngư dân tại đây đã phát hiện và báo cho chính quyền như đã biết ở trên...
Còn nữa...
(Theo Thể Thao&Văn Hóa)