(Tin Môi Trường) - Thực hiện Chỉ thị số 19/2015 của UBND tỉnh Bình Phước về việc tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo báo cáo rà soát của UBND xã Bù Gia Mập hiện trên địa bàn có 246 hộ vay tiền hoặc cầm cố, bán vườn điều non.
Trong đó, số hộ cầm cố là 219 hộ với diện tích đất trên 362 ha; số hộ vay với lãi suất cao là 29 hộ với số tiền hơn 992 triệu đồng; số hộ bán, sang nhượng đất là 22 hộ với diện tích 24 ha.
Nhiều diện tích điều của các hộ ĐBDTTS đã được bán non, cầm cố, sang nhượng. Ảnh: Đức Trí.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh, Đảng ủy, UBND xã Bù Gia Mập đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế bán điều non, vay tiền với lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn xảy ra ở một bộ phận hộ người đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nguy cơ phát sinh hộ nghèo trên địa bàn. Đây còn là xã biên giới chiếm 71,3% dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo 12,9%.
Ông Phạm Thành, Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết: “Do trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc thiếu số chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, năng suất, sản lượng cây trồng chưa cao. Do còn nặng trong phong tục cưới, hỏi, lễ tang, chi tiêu không hợp lý nên dẫn đến đồng bào dân tộc thiểu số thường khó khăn, túng thiếu dẫn đến bán điều non, thậm chí có hộ cầm cố đất đai sản xuất, dính vào vay mượn với lãi suất cao”.
“Để hạn chế đồng bào cầm cố, sang nhượng, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành, đoàn thể vào cuộc ngăn chặn tình trạng trên. Đồng thời, tổ chức vận động các già làng, trưởng bản những người có uy tín để tuyền truyền, hạn chế tác động của phong tục tập quán ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của các hộ gia đình dẫn tới tình trạng phải cầm cố sang nhượng đất”- ông Thành cho biết thêm.
UBND xã Bù Gia Mập cũng giao cho các ban, ngành đoàn thể tăng cường kiểm soát các vụ việc giao dịch mua bán điều non, vay tiền không thuộc hệ thống ngân hàng thương mại, cầm cố đất, bán đất có hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi phát hiện có sự chèn ép đồng bào dân tộc thiểu số về quyền lợi hoặc giá cả trong giao dịch mua bán điều non, vay tiền, cầm cố, sang nhượng đất cần có biện pháp can thiệp kịp thời xử lý, răn đe, ngăn chặn. Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng đề nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời tiến hành kiểm tra và thu hồi những trường hợp sang nhượng đất do nhà nước giao theo chính sách hỗ trợ của nhà nước trong 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất. Tổ chức rà soát, phân loại, xác định các đối tượng môi giới cho vay nặng lãi, mua bán điều non, siết đất của đồng bào dân tộc thiểu số và có biện pháp kiểm soát để hạn chế gây thiệt hại cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Cán bộ địa chính xã chủ động tham mưu cho UBND xã tiến hành ra soát các diện tích đồng bào dân tộc thiểu số chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là những diện tích đã sản xuất ổn định trên các lâm phần. Khi chứng thực các giao dịch sang nhượng đất cần phải xác minh nguồn gốc đất, nếu là đất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số theo chính sách của nhà nước thì không giao đất, không chuyển nhượng.
Ngoài ra, UBND xã còn giao các bộ phận liên quan tăng cường tuyên truyền rộng rãi để cho bà con nâng cao nhận thức pháp luật về đất đai, luật dân sự, luật hình sự, tác hại của việc bán điều non, cầm cố, bán đất, vay nặng lãi. Bà con cần cảnh giác với các đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, kém hiểu biết của bà con để dụ dỗ cho vay nặng lãi, cầm cố, bán đất....