Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phát hiện con đường cổ nhất thế giới tại Hòa Bình

(19:50:16 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Những vết mòn trên đá được lặp đi lặp lại một cách có hệ thống. Những vết mòn đó xuất hiện ở những nơi mà con người hiện đại chưa đặt chân tới. Những vết mòn nằm trong địa tầng văn hóa nguyên vẹn chưa bị xáo trộn của văn hóa Hoà Bình.

Những vết mòn trên đá được lặp đi lặp lại một cách có hệ thống. Những vết mòn đó xuất hiện ở những nơi mà con người hiện đại chưa đặt chân tới. Những vết mòn nằm trong địa tầng văn hóa nguyên vẹn chưa bị xáo trộn của văn hóa Hoà Bình.

 

Những vết mòn đó chỉ thấy xuất hiện trên những tảng đá gốc hay đá lăn tự nhiên thành lối, thành hàng song song với vách núi và chỉ cách vách núi khoảng một tầm tay vịn. Những vết mòn đó lại xuất hiện hai bên cửa hang của một di tích khảo cổ thời tiền sử. Đặc trưng để nhận biết vệt đường đi này là vết mòn bóng sử dụng còn lưu lại trong lòng đất tầng văn hoá.

 

Do đâu mà có vết mòn đó hay nói cách khác là đối tượng nào đã tác động vào những khối đá đó để tạo nên những vết mòn?

 

Không phải là thiên tạo như kiểu nước chảy đá mòn, và cũng không phải vết mòn do thú hoang tạo ra. Vì những khối đá đó nằm cao hơn mặt bằng xung quanh, và những vết mòn nhẵn chỉ thấy xuất hiện vào những vị trí nhô cao của hòn đá và tương ứng với nhịp bước chân con người.

 

Tiến sĩ Việt giới thiệu dấu tích tại hang xóm Trại.

 

Cùng với thắc mắc trăn trở trong nhiều năm “Người tiền sử trong văn hoá Hoà Bình đã đi vào, ra hang như thế nào?”, Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã để tâm nghiên cứu ở nhiều địa điểm trong văn hóa Hoà Bình ở nhiều tỉnh. Nhưng mãi đến năm 2004 vận may mới mỉm cười với anh.

 

Tháng 8 năm 2004, trong quá trình giúp địa phương dọn lại hang xóm Trại do tình trạng đào sàng lấy phân rơi của nhân dân địa phương quanh vùng, Tiến sĩ Việt đã phát hiện một số tảng đá có vết mòn của đoạn đường đi dài chừng 6 mét ở vách phía Nam của cửa hang.

 

Khi mới phát hiện, hệ thống các dấu mòn này nằm sâu dưới mặt tầng văn hóa Hoà Bình 60 -70 cm trong tình trạng được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Các vết mòn này đã được tiến sĩ trình bày và thảo luận ở Tiểu ban Thời đại đá Hội nghị thông báo Khảo cổ học năm 2004 của Viện Khảo cổ học Việt Nam.

 

Cũng trong năm 2004, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Hoà Bình và Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phát hiện một ngách đi vào hang sớm nhất của những người Hoà Bình đầu tiên sử dụng hang này. Ngách đi này nằm sâu trong tầng văn hoá cổ chừng 4m, len qua khoảng cách giữa các khối đá lăn với vách cửa hang.

 

Năm nay, trong khuôn khổ phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hoà Bình tiến hành tôn tạo, tu bổ lại hang, Tiến sĩ Nguyễn Việt đã phát hiện đoạn đường ở phía Nam cửa hang dài thêm khoảng 10m xuôi xuống chân núi. Theo nghiên cứu ban đầu thì đoạn đường này có niên đại từ 8 đến 9 nghìn năm.

 

Vết mòn trên đường đi cổ mới được phát hiện.


Phát hiện này đã làm xôn xao các học giả trong nước và đã gây chú ý tới các học giả nước ngoài vì đây là lần đầu tiên không chỉ ở Việt Nam mà là lần đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á phát hiện ra đường đi cổ trong văn hóa Hoà Bình.

 

Quả thật, đây là một dữ liệu khoa học hết sức mới mẻ, chưa từng có trong các giáo trình giảng dạy về khảo cổ học. Giáo sư, tiến sĩ Peter Bellwood - Giáo sư đại học quốc gia úc - Tổng thư ký Hội Tiền sử Châu Á Thái Bình Dương cũng hết sức ngạc nhiên khi được Tiến sĩ Việt chỉ tận nơi cho xem dấu vết đường đi này. Giáo sư cho biết sau khi nghiên cứu thành công, sẽ đưa tư liệu này vào làm nội dung trong giáo trình giảng dạy về khảo cổ học tại trường của ông.

 

Nếu chỉ nhìn qua hoặc chỉ nhìn qua ảnh, thì rất khó nhận biết. Tôi đã nhìn tận nơi và sờ tay vào những vết mòn đó thì thấy chúng có độ mòn khác hẳn so với xung quanh. Lần đầu tiên tôi vẫn nửa tin nửa ngờ. Đến khi Tiến sĩ chỉ cho tôi thấy một ví dụ ở những vết mòn trên những tảng đá của đường đi ngay dưới chân núi (con đường hàng ngày mọi người vẫn đi qua) thì tôi đã hoàn toàn bị chinh phục. Hiện tại các vệt đường đi cổ này đã được làm sạch và đổ silicon làm phiên bản và phủ keo Wacker VV5 bảo vệ.

 

Thành công nối tiếp thành công, tới ngày 20/11/2008 các dấu vết mòn trên những phiến đá trong ngách đi cổ phía Bắc có niên đại cách ngày nay tới 21 ngàn năm lại được phát hiện.

 

Ngách đi cổ có niên đại 21 ngàn năm.

 

Kết quả nghiên cứu các trầm tích văn hóa của cư dân nguyên thủy thuộc văn hóa Hoà Bình có tuổi cacbon phóng xạ sau khi hiệu chỉnh vòng cây là 21 ngàn năm, phủ trực tiếp trên các dấu vết mòn này xác nhận các dấu mòn đi lại này diễn ra cùng thời hoặc trước 21 ngàn năm.

 

Hiện tại có 6 vết mòn sâu và lớn đã được phát hiện bên dưới tầng văn hóa Hòa Bình đã và đang trong quá trình bị nước nhũ kết cứng.

 

So với hệ thống vết mòn ở vách Nam cửa hang thì những dấu vết này có độ mòn sử dụng lâu và rõ rệt, dễ nhận biết hơn nhiều. Điều đó chứng tỏ con đường này tồn tại trong nhiều ngàn năm.

 

Điều đặc biệt ở đây nữa là ngoài những vết mòn dưới đất do chân người nguyên thuỷ đi qua thì Tiến sĩ Việt đã tìm được cả vết mòn cổ bên vách đá của ngách đi do vết tay của người nguyên thủy bám vào đá tạo thành.

 

Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Việt thì đây là hệ thống dấu mòn đi lại cổ vào loại nhất thế giới. Việc phát hiện các dấu đi cổ 21 ngàn năm này là một thành tựu nghiên cứu rất có ý nghĩa không chỉ với riêng tỉnh Hoà Bình hay tại Việt Nam mà đây là lần đầu tiên tại Đông Nam Á đã phát hiện ra lối đi cổ này. Để bảo tồn và phục vụ công tác nghiên cứu, các dấu mòn này sẽ được làm khuôn silicon và bảo quản bằng các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

 

Tại sao cùng trong một địa điểm lại phát hiện hai lối đi cổ có niên đại cách nhau tới khá nhiều ngàn năm? Đây là câu hỏi của khá nhiều người khi được biết thông tin về hai đoạn đường đi cổ trên.

 

Trả lời vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Việt cho biết: Hang xóm Trại là một địa điểm cư trú lâu dài của người nguyên thủy trong văn hóa Hòa Bình.

 

Theo kết quả nghiên cứu mới đây nhất thì địa điểm này có niên đại cách ngày nay từ khoảng 21 đến 7 nghìn năm.

 

Dấu tích văn hóa tại hang xóm Trại.

 

Tầng văn hóa trong hang có độ dày trung bình lên tới 5m. Lối đi cổ ở ngách phía Bắc có niên đại 21 ngàn năm là lối đi đầu tiên của người nguyên thuỷ vào, ra hang.

 

Sau khoảng 10 ngàn năm cư trú và sinh sống, người nguyên thủy ở đây đã để lại một lượng dấu tích văn hóa khá lớn làm tràn đầy lòng hang cùng với những tảng đá rơi tự nhiên đã bịt dần lối đi cổ 21 ngàn năm.

 

Để vào, ra hang, bắt buộc người nguyên thủy phải tìm đường đi mới cho phù hợp và lối đi cổ ở phía Nam cửa hang dần được hình thành.

 

Việc phát hiện ra lối đi cổ nhất thế giới này đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho các nhà khảo cổ Việt Nam.

 

Các nội dung tu bổ tôn tạo tại hang xóm Trại năm nay cũng lần đầu tiên được thực hiện trong các di tích văn hóa Hòa Bình tại Việt Nam: Các dấu vết đường đi được bảo tồn nguyên trạng; giữ nguyên một phần tầng văn hóa đã hóa thạch bên vách hang; vệ sinh làm xuất lộ dấu tích văn hóa thời kỳ đầu của hang; gia cố, bảo tồn tầng văn hóa trong hang; dựng cụm tượng manơcanh tái tạo cảnh sinh hoạt bên bếp lửa trong hang, dựng bia giới thiệu các giá trị của hang...

 

Với những nội dung trên, hang xóm Trại đã trở thành địa điểm rất sinh động, hấp dẫn để giới thiệu với khách nghiên cứu và tham quan về văn hoá Hoà Bình.  

 

(Theo Vietimes)