(Tin Môi Trường) - Quần đảo Thổ Chu thuộc tỉnh Kiên Giang nằm trong vịnh Thái Lan và ở cực Tây Nam của Việt Nam, gồm 8 đảo: Thổ Chu, hòn Tử, hòn Cao Cát, hòn Hàng (còn có tên là hòn Chim, hòn Nhạn), hòn Khô, hòn Mô (còn gọi là Hòn Cái Bàn), hòn Kèo Ngựa (còn gọi là hòn Xanh) và hòn Cao.
Quần đảo được cấu tạo chủ yếu bằng sa thạch, cát vàng, trong lòng đất và dưới đáy biển của quần đảo có một trầm tích chứa dầu mỏ và khí đốt từ mũi Cà Mau đến quần đảo Thổ Chu, chiều dài trên 150 km, dày khoảng 5 km. Hiện nay, toàn bộ xã đảo có khoảng 500 hộ dân với trên 2.000 khẩu đang sinh sống chủ yếu bằng nghề đi biển, dịch vụ nghề biển và buôn bán nhỏ.
Quẩn đảo Thổ Chu trên bản đồ Việt Nam
* Hệ sinh thái đa dạng
Quần đảo Thổ Chu có hệ thực vật trên bờ phong phú với khoảng 200 loài; dưới biển hiện có 99 loài san hô đã được xác định, thích hợp cho các loài rùa biển làm tổ và săn tìm thức ăn. Do đó, quần đảo này được đề xuất trở thành khu bảo tồn biển với tổng diện tích 22.400 ha, trong đó phần đất liền khoảng gần 1.200 ha.
Là quần đảo xa bờ, có chế độ thủy triều đặc trưng nên lượng trầm tích chủ yếu phân bố ở đáy ven các đảo, trong vùng nước ngầm có các rạn san hô xen lẫn các gò đồi cát ngầm đã tạo nên hệ sinh thái đa dạng, với 110 loài thực vật phù du, 100 loài động vật phù du, 57 loài rong biển, 247 động vật đáy lớn, 97 loài cá trú trong các rạn san hô, 20 loài tôm, cua, cá thân mềm… Sự đa dạng và phong phú của các loài sinh vật biển trên quần đảo Thổ Chu đã tạo ra nguồn lợi từ các hoạt động khai thác của ngư dân nơi đây.
Đặc biệt, hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu được coi là xứ sở của loài chim nhạn (họ én). Những năm trước, hòn đảo này có nhiều chim nhạn về làm tổ và sinh sản. Tuy nhiên, hiện nay do một số người dân thiếu ý thức, thường săn bắt và tìm trứng chim mang về làm thức ăn, số lượng chim nhạn ngày giảm.
Ngoài ra, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã tác động đến sinh cảnh sống của các loài chim và hệ sinh thái biển. Việc khai thác hải sản quá mức phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu đã tác động đến các loài hải sản đặc hữu và có giá trị kinh tế cao. Các hình thức khai thác hải sản như lặn dùng vòi hơi, nghề câu, lưới rê, dùng thuốc độc... là những tác động chính làm cạn kiệt nguồn lợi động vật đáy thân mềm.
* Đề xuất giải pháp bảo vệ
Ngày 22/10/2014, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Kiên Giang khóa VIII đã thông qua tờ trình về việc thành lập huyện đảo Thổ Chu, trên cơ sở toàn bộ xã đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc hiện tại. Đồng thời, tỉnh đã có nhiều dự án phát triển kinh tế và du lịch để xây dựng Thổ Chu trở thành một huyện đảo giàu mạnh trên khu vực biển Tây. Như vậy, trong một tương lai không xa, Thổ Chu sẽ trở thành một hòn đảo mạnh về quốc phòng an ninh, thiên nhiên sinh thái phong phú, đa dạng, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã đề ra một số giải pháp như đẩy mạnh việc thiết lập xây dựng khu bảo tồn biển đảo Thổ Chu, với quy hoạch phân vùng quản lý rõ ràng, thích hợp để Khu bảo tồn sớm đi vào hoạt động, bảo vệ nguồn lợi và các dịch vụ hệ sinh thái biển. Chính quyền địa phương sẽ hợp tác chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng để kiểm soát và hướng dẫn các tàu đánh bắt vào neo đậu tránh gió tuân thủ, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường cho vùng nước ven đảo.
Mặt khác, tỉnh cấm đánh bắt và khai thác ven bờ bằng các phương tiện hủy diệt như cào bay, thuốc nổ làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái rạn san hô trên đảo. Nhiều biện pháp sẽ được triển khai nhằm bảo tồn loài chim nhạn như xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ du lịch sinh thái; bảo vệ các bãi cát, nghiêm cấm khai thác cát xây dựng.
Đồng thời, tỉnh Kiên Giang xây dựng các quỹ bảo vệ môi trường biển ven đảo từ các nguồn thu phí môi trường, thu từ xử phạt hành chính các hành vi vi phạm chính sách môi trường và từ đền bù thiệt hại của các hành vi xâm hại, gây sự cố môi trường. Tỉnh khuyến khích cư dân ven biển tham gia vào việc quản lý, bảo vệ rạn san hô; thực hiện giám sát và sử dụng bền vững nguồn lợi biển và ven bờ, nhằm nâng cao năng lực cộng đồng đối với bảo tồn và phát triển nguồn lợi từ biển.