Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sapa không lặng lẽ

(21:15:40 PM 26/11/2016)
(Tin Môi Trường) - Sự chậm trễ, mà đáng lý phải đi trước một bước, của công tác quy hoạch và quản lý, đã biến Sapa thành một thứ không còn rõ hình hài. Sapa, thực chất, đã biến màu kể từ ngày nó được xem là một điểm đến của du khách; bị xới nát với một tốc độ không thể nào cứu vãn.

Sapa không lặng lẽ

Sapa không lặng lẽ -Ảnh minh hoạ: TL

 

Năm 2005, khi con gái tôi lên ba, chúng tôi lần đầu tiên đi tàu hỏa rồi bắt xe khách lên Sapa. Lúc ấy, Sapa với tôi là cái tên diễm lệ trong những bức ảnh mù sương của đồng nghiệp.

 
Chúng tôi đến thăm người nhà. Nhà anh Hải, chị Hiền là một gian cấp bốn nằm phía trước cánh rừng thênh thang của gia đình. Chị Hiền là giáo viên trường tiểu học ở thị trấn Sapa, sinh ra lớn lên và gắn bó với mảnh đất này. Ngày ấy, như nhiều người dân thị trấn nghèo, chị tôi đang mòn mỏi chờ đợi một sự đổi thay dứt khoát của Sapa.
 
Chị dẫn ba người nhà tôi lên Hàm Rồng ngắm cảnh. Nhìn từ đỉnh núi, Sapa như một cái chiếu nhỏ trải giữa mây ngàn. Chuyến đi ấy thật đẹp.
 
11 năm sau, nhân dịp đi công tác ở miền biên giới Mường Khương tôi có dịp ghé thăm lại chị Hiền. Gian nhà ngói anh chị xây từ năm 1994 bây giờ lọt thỏm giữa muôn trùng nhà hàng, khách sạn. Tôi nhìn ngôi nhà kỷ niệm của hai vợ chồng, rồi nhìn ra phố, ra hồ, nhìn lên quảng trường nhà thờ, nhìn những trụ đỡ cáp treo đã vươn lên trời cao. Sapa bây giờ không còn và không thể lặng lẽ như trong một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thành Long. Ngày hay đêm khắp thị trấn đều rền vang tiếng máy khoan, máy xúc, tiếng gầm rú của xe ben chở vật liệu. Trước sự lộn xộn ấy, chính quyền Sapa vẫn đang miễn cưỡng giương cao ngọn cờ “bảo tồn”, nhưng chỉ có thể ở hình thức: bảo tồn sao được khi hầu hết vùng được vạch ra là “khu bảo tồn” quanh thị trấn mỗi ngày có hàng nghìn người ra vào tự do xáo trộn đời sống và môi trường. Thậm chí điều đó còn được khuyến khích.
 
Khoảng mười năm trở lại đây, khi tàu Hà Nội- Lào Cai cải tiến toa hành khách hai tầng, khi 37 cây số Lào Cai - Sapa không còn bị sạt lở, chia cắt, đặc biệt là khi quốc lộ 2 mới, rồi cao tốc Hà Nội - Lào Cai được đưa vào sử dụng, Sapa đã không còn là Sapa của ngày xưa. Từ một thị trấn miền núi, Sapa trở thành một điểm đến của nhiều triệu du khách trong và ngoài nước.
 
Bây giờ, khi hệ thống cáp treo có sức tải hàng nghìn người một ngày đã được xây xong trên đỉnh Fansipan, người ta vẫn tiếp tục tranh cãi về việc nên gìn giữ Sapa như thế nào. Gìn giữ như thế nào khi bản quy hoạch đô thị Sapa có ý tưởng khởi thảo từ thời ông Bùi Quang Vinh còn tại nhiệm Lào Cai, bây giờ ông đã làm xong nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư, nó vẫn chưa được hoàn thành.
 
Sự chậm trễ, mà đáng lý phải đi trước một bước, của công tác quy hoạch và quản lý, đã biến Sapa thành một thứ không còn rõ hình hài. Sapa, thực chất, đã biến màu kể từ ngày nó được xem là một điểm đến của du khách; bị xới nát với một tốc độ không thể nào cứu vãn. Và những người bị bỏ lại bên lề của cuộc chuyển mình là những người H’mong, người Dao đang lang thang bán dạo ở trước các nhà hàng. Hay những người cũ của Sapa như anh chị tôi, không có tiền nhảy vào cơn sốt xây nhà nghỉ quán hàng tự phát, không có cơ hội nào khác, và nghèo đi.
 
Có một thực tế khá phũ phàng khi nhu cầu phát triển mâu thuẫn với việc bảo tồn nguyên trạng thiên nhiên. Thiên nhiên đành phải lùi bước, không gian văn hóa của người bản địa cũng vậy. Đây là vấn đề mà khá nhiều quốc gia phát triển cũng không thể giải nổi.
 
Đại công trường Sapa hiện nay chỉ ra rằng chúng ta, với năng lực quản lý hiện tại, vẫn đang chỉ đứng trước hai lựa chọn rất rõ ràng: bảo tồn hoặc phát triển, không có “và”.
 
Số phận của Sapa ngày nay đã được chọn lựa từ hai thập niên trước, khi nó được xác định là địa danh du lịch và đón những “ông Tây” đầu tiên. Chọn lựa rồi, thì chuyện không còn là dừng lại ở bảo tồn mà phải quản lý thế nào, phát triển ra sao để đáp ứng nhu cầu phát triển.
 
Ngược lại, số phận của Sơn Đoòng, Mỹ Sơn, những cánh rừng phòng hộ ở Lăng Cô, Bạch Mã, Sơn Trà hay nhiều nơi khác nữa sẽ cần sự quyết tâm nói “không” với sự nửa vời trộn lẫn mong muốn kiếm tiền để toàn tâm toàn ý làm “bảo tồn”.
 
Nếu đã chọn lựa “bảo tồn” thì việc giữ nguyên trạng thái của nó cần được ưu tiên chứ không thể được thỏa hiệp bằng những mệnh đề trúc trắc như “triển khai căn cứ vào mức độ phù hợp tình hình thực tế” vốn đang không thực hiện được. Và nếu đã lựa chọn “phát triển” thì hãy đầu tư một cách bài bản, cả từ quản lý lẫn hạ tầng. Vừa bảo tồn, vừa phát triển - với nguồn lực và cách làm của chúng ta hiện nay - là một sáo ngữ, phi thực tế.
Lại Trọng Tình/VNE