(Tin Môi Trường) - Tiếng máy khoan bêtông ầm ầm, máy đóng cọc chát chúa, tiếng xe tải chở vật liệu chạy rầm rập sáng sớm đến tối mịt… đang biến một Sa Pa vốn yên bình lãng mạn thành một đại công trường khổng lồ, nhốn nháo.
Ngổn ngang các công trình xây dựng tại thị trấn Sa Pa - Ảnh: VŨ VIẾT TUÂN
Đường sá tại Sa Pa đang bị cày xới nham nhở, từ trên cao trông xuống, lấp ló trong sương mù là vô số những tòa nhà xây dựng dở dang, những chiếc cẩu trục dự án vươn cao...
Đại công trường
Một buổi sáng cuối tuần giữa lòng thị trấn Sa Pa, chúng tôi bị đánh thức bởi những tiếng máy khoan cắt, đóng cọc bêtông nhức óc của các dự án khách sạn, nhà nghỉ... đang được xây dựng chằng chịt trên nhiều tuyến phố.
Dọc phố Phan Xi Păng, khu trung tâm thị trấn là một tổ hợp khách sạn đang được gấp rút xây dựng, với những chiếc cần cẩu nguyên vật liệu và những thanh sắt lớn vươn cao giữa bầu trời.
Cũng trên tuyến phố này, chỉ vài trăm mét có tới 3 công trình khách sạn từ 5-8 tầng đang gấp rút hoàn thiện, cát, sỏi, gỗ ván bày bừa tràn lan ra lòng đường.
Phố Cầu Mây cũng ồn ào không kém bởi sau trụ sở của UBND thị trấn Sa Pa là một công trình cao cả chục tầng đang thi công dang dở.
Kế đó, phố Mường Hoa cũng huyên náo bởi tiếng máy móc xẻ đá, khoan đục ầm ĩ. Tuyến phố vốn nhỏ bé nay lại càng chật hẹp, bừa bộn hơn bội lần bởi cơ man gạch đá, sắt thép ngổn ngang trên hè, giữa lòng đường. Khu vực xung quanh hồ trung tâm thị trấn Sa Pa với từng chồng gạch, bêtông cao ngất.
Ám ảnh nhất phải kể đến đoạn đường Thác Bạc, chỉ một đoạn dài khoảng 800m đã có hàng loạt công trường xây dựng đang thi công rầm rộ. Ngay chân dốc là đại công trường thi công một khu du lịch nghỉ dưỡng và khách sạn 5 sao.
Dưới vách dốc là hai dự án xây dựng khách sạn lớn khác cũng đang được thi công ầm ĩ. Ngược lên đầu dốc là hai đại công trường khác đối diện nhau, một bên hàng loạt xe tải rầm rộ chở đất san lấp mặt bằng, bên kia là một dãy nhà cao tầng đang được bôi trát để hoàn thiện.
Không còn cảnh lãng mạn với cây cối, vách đá như xưa, khách du lịch bây giờ lội bộ dọc chân dốc khi hai bên là các công trường tấp nập, từng dãy lán trại của công nhân.
Khung cảnh phổ biến ở khắp tuyến phố của thị trấn là chằng chịt ổ gà, khói bụi, tiếng ồn. Xe cộ cố phóng qua thật nhanh, người đi bộ phải đưa tay bịt mũi và khi hỏi về tình trạng ô nhiễm ai cũng lắc đầu ngán ngẩm.
Bụi bặm từ các công trường xây dựng là nỗi khổ của không ít du khách khi đến Sa Pa thời gian này - Ảnh: VŨ VIẾT TUÂN
Đầu tư để xứng tầm?
Vào những ngày cuối tuần, Sa Pa luôn “căng mình” để đón một lượng lớn du khách từ các nơi đổ về, những hàng dài xe đã nối đuôi nhau vào thị trấn khiến nhiều thời điểm cảnh kẹt xe ở đây chẳng hề thua kém Hà Nội hay TP.HCM.
“Nhưng đó chủ yếu là những du khách trong nước, đi theo từng đoàn lên đây nghỉ cuối tuần rồi lại trở về xuôi, còn khách nước ngoài cũng chủ yếu là Tây balô. Sa Pa có lẽ chưa đủ sức hút hoặc dịch vụ chưa tương xứng để khách có thể lưu trú dài ngày” - anh Tuấn Anh, chủ một khách sạn trên phố Thạc Sơn, cho hay.
Theo anh Tuấn Anh, nhiều du khách khi được hỏi đều có ý chê Sa Pa ngày càng “bụi bẩn và nhốn nháo”. Không chỉ khách, cư dân ở thị trấn này cũng bức bối không kém với nạn ô nhiễm nơi đây.
“Xây dựng nhà hàng, khách sạn mới để đón thêm khách nhưng quản lý lỏng lẻo, cứ để phế thải bừa bộn, xe công trình chạy ầm ầm gây ô nhiễm bụi bẩn thế này thì sớm muộn khách cũng bỏ mà đi thôi” - chị Nguyễn Thị Hoa, chủ cửa hàng đồ lưu niệm trên phố Cầu Mây, vừa nói vừa lấy vòi nước rửa bụi trước cửa hàng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Xuân Trường - giám đốc Sở Xây dựng Lào Cai - xác nhận vừa có khoảng 180 giấy phép xây dựng mới được cấp cho các công trình tại thị trấn.
Trong đó đối với nhà dân và các công trình khách sạn và nhà hàng nhỏ lẻ do UBND huyện Sa Pa cấp, còn các công trình xây dựng lớn do Sở Xây dựng cấp.
Cũng theo ông Trường, các công trình cao tầng đang xây dựng trên địa bàn đều được cấp phép và phù hợp với quy hoạch của địa phương.
“Chiều cao của các công trình này đã được duyệt trong quy hoạch, đã làm các thủ tục liên quan và về mặt pháp lý không có vấn đề gì cả” - ông Trường nói. Tuy nhiên, ông Trường thừa nhận tình trạng ô nhiễm là việc “rất đáng lưu tâm”.
“Chúng tôi cũng nghe phản ảnh nhiều về tình trạng ô nhiễm môi trường, đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Chúng tôi đang lên kế hoạch để làm việc với huyện Sa Pa về vấn đề này” - ông Trường cho biết.
* Ông Nguyễn Đình Dũng (phó giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai):
Sa Pa sẽ thay da đổi thịt
Sa Pa hiện đang như một công trường xây dựng, việc ô nhiễm bụi bẩn, ô nhiễm tiếng ồn như hiện nay là điều khó tránh khỏi. Kể từ khi cao tốc Hà Nội - Lào Cai khai thông, lượng khách du lịch đổ về Sa Pa rất lớn, nếu không làm khách sạn, nhà nghỉ sẽ lấy gì phục vụ du khách?
Có lẽ phải mất một vài năm nữa, khi các công trình hoàn thành, Sa Pa sẽ thay da đổi thịt, thực sự phát triển để xứng tầm là khu du lịch quốc gia.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sa Pa dự kiến sẽ đón 3 triệu lượt khách vào năm 2020.
Để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của Sa Pa trước việc “bùng nổ” khách du lịch, chúng tôi đưa ra nhiều giải pháp như mở rộng du lịch ra ngoài phạm vi thị trấn, kết nối mở rộng du lịch Sa Pa với huyện Bát Xát và liên vùng để giảm tải lượng khách cho Sa Pa.
Đặc biệt, sẽ phát triển mạnh du lịch cộng đồng, hình thành các đội văn nghệ truyền thống, nghề thủ công truyền thống gắn lợi ích của bà con trong phát triển du lịch.
Khai thác văn hóa, tổ chức các lễ hội truyền thống tại Sa Pa như lễ hội xuống đồng của người Giáy, lễ tết người Dao Đỏ.
Duy trì các sự kiện mang tính thương hiệu của Sa Pa như tuần văn hóa Sa Pa, giải đua xe đạp quốc tế, lễ hội mùa đông, festival hoa, vũ điệu khèn Mông...
Ngoài ra, sẽ triển khai kế hoạch hạn chế bán hàng rong, nạn đeo bám khách du lịch, người lang thang ăn xin..., thí điểm năm văn minh đô thị tại Sa Pa và xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch.
* Ông Đặng Xuân Phong (chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai):
Chúng tôi làm
rất cẩn trọng
Việc xây dựng Sa Pa là đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển, vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhu cầu ngày càng tăng của du khách đến với Sa Pa cũng như yêu cầu phát triển nói chung của Lào Cai.
Tuy nhiên, chúng tôi làm rất cẩn trọng, bàn bạc kỹ lưỡng để cố gắng tối đa giảm thiểu tác động và ảnh hưởng tới việc bảo tồn, du lịch, đô thị...
Về chiến lược phát triển Sa Pa, chúng tôi cũng đã xin ý kiến của người dân, công bố rộng rãi quy hoạch để lấy ý kiến. Dĩ nhiên dư luận bao giờ cũng có nhiều chiều, chúng tôi sẽ lắng nghe.
Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng ở Sa Pa cũng cam kết đảm bảo hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, tuân thủ về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng địa phương.