Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cảnh giác với căn bệnh nhược thị vô cùng nguy hiểm

(23:58:04 PM 24/11/2016)
(Tin Môi Trường) - \Tỷ lệ người mắc bệnh nhược thị đang có dấu hiệu gia tăng. Nếu không điều trị sớm, khả năng làm việc của mắt có thể bị suy nhược, gây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành thị giác 2 mắt thậm chí dẫn đến mù lòa.

Mới đây, trên sóng truyền hình, MC Vân Hugo bất ngờ chia sẻ một bên mắt của cô bị bệnh nhược thị. "Sự thật là tôi bị nhược thị, nhìn ngày càng mờ và một bên mắt đã hỏng hoàn toàn, không có cách nào chữa trị được. Tôi phải trang điểm mới được long lanh như mọi người thấy”, Vân Hugo tâm sự.

Cảnh giác với căn bệnh nhược thị vô cùng nguy hiểm
 
Vậy bệnh nhược thị là gì? Bệnh nhược thị nguy hiểm như thế nào?
 
Nhược thị là sự suy giảm thị lực do võng mạc không được kích thích hoặc có sự tương tác bất thường về chức năng thị giác hai mắt mà không kèm theo tổn thương nhìn thấy được ở mắt, hoặc không phát hiện được nguyên nhân thực thể bằng phương pháp thăm khám. Trong trường hợp có tổn thương thực thể thì mức độ giảm thị lực đó không tương xứng với mức độ bệnh lý đi kèm. Nhược thị có thể bị ở một hoặc hai bên mắt, nhưng có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng.
 
Nguyên nhân bệnh nhược thị
 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh nhược thị là mắt lác. Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Văn Tần, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, ở Việt Nam, có tới 2-4% trẻ em bị mắt lác và 50% trong số đó bị nhược thị. Tuy nhiên, do cha mẹ còn thiếu hiểu biết về những bệnh nguy hiểm liên quan đến lác mắt. Tiếp đến là nhược thị do tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị).
 
Mắt bị nhược thị còn có thể là do môi trường trong suốt của mắt bị che khuất khiến ánh sáng bị ngăn cản trên đường đi tới võng mạc, gây cản trở hình ảnh lưu lại trên võng mạc. Nguyên nhân chủ yếu là do bị đục môi trường quang học của mắt như đục thủy tinh thể, đục dịch kính, sẹo giác mạc, sụp mi..
 
Nhược thị thường chỉ gây ảnh hưởng tới một bên mắt, nhưng nếu cả hai mắt đều mất đi thị lực trong khoảng thời gian dài thì bệnh nhược thị có thể xảy ra ở cả hai mắt. Việc chẩn đoán bệnh sớm sẽ mang đến khả năng điều trị thành công cao, nếu sau 8 tuổi, bệnh rất khó điều trị, trẻ sẽ bị nhược thị cả đời.
 
Biểu hiện khi trẻ bị nhược thị
 
Trẻ nhược thị có thể có biểu hiện lác mắt, hay nheo mắt, nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn, đôi khi hay kêu nhức mắt, mỏi mắt. Tuy nhiên, phát hiện trẻ bị nhược thị không phải là việc dễ dàng vì nhiều trường hợp trẻ không có biểu hiện gì đặc biệt, trẻ thích nghi với điều kiện thị lực kém và chỉ được phát hiện khi khám sàng lọc. Nếu trẻ bị lác hoặc có những bất thường tại mắt thì bố mẹ có thể nhận thấy và đưa trẻ đi khám.
 
Phương pháp điều trị nhược thị
 
Nếu trẻ bị suy giảm thị lực, trẻ cần được khám và chỉ định đeo kính phù hợp thường xuyên. Phụ huynh nên khuyến khích trẻ luyện tập mắt bằng cách che mắt bình thường, và chỉ sử dụng mắt nhược thị, tối đa 2 giờ mỗi ngày. Với trường hợp trẻ bị nhược thị 2 mắt, cần luyện tập cả 2 mắt. Thời gian điều trị phụ thuộc vào tuổi của trẻ, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sỹ để có quá trình điều trị hiệu quả cho con.
 
Việc điều trị nhược thị sẽ đem lại hiệu quả khi bệnh được phát hiện sớm. Nếu bệnh của trẻ được phát hiện quá muộn (nhất là sau 13 tuổi), việc điều trị sẽ không thể thay đổi tình trạng tổn thương thị lực của trẻ. Vì vậy, phụ huynh nên theo dõi và đưa trẻ đi khám kiểm tra mắt nếu nghi ngờ hay phát hiện ra trẻ bị nhược thị.
 
Ngoài ra, để tăng cường sức khỏe cho đôi mắt của trẻ, giảm nguy cơ mắc các tật khúc xạ dẫn đến nhược thị, phụ huynh nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng qua thức ăn hàng ngày cho trẻ. Đồng thời có thể cho trẻ uống bổ sung các thực phẩm chức năng giúp bổ sung dinh dưỡng cho mắt hàng ngày.
(Theo PNO)