Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Mỗi người dân Thủ đô là một cảm biến xã hội bảo vệ môi trường

(21:45:00 PM 24/11/2016)
(Tin Môi Trường) - Đó là đề nghị của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới, tầm nhìn 2025” do Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Tòa Tổng giám mục Hà Nội, Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) tổ chức ngày 24/11, tại Hà Nội.

Mỗi người dân Thủ đô là một cảm biến xã hội bảo vệ môi trường  

Lễ ký kết Chương trình hành động “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2025”

 
Đánh giá cao và ủng hộ sáng kiến tổ chức Hội thảo với chủ đề về môi trường trên địa bàn Thủ đô, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định vai trò của nhân dân trong quản lý môi trường và cho rằng: Hà Nội hiện có gần 8 triệu dân, ô nhiễm không khí từ các khu công nghiệp, làng nghề và từ chính người dân đã trở thành vấn đề bức xúc. Trong 10 năm tới, Hà Nội sẽ có sự phát triển cả về dân số, doanh nghiệp và đương nhiên trong đó có chất thải. Hiện thành phố có gần 180.000 doanh nghiệp, mỗi năm Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường được khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp. Nếu kiểm tra hết số này phải mất gần 90 năm, đó là điều không ai có thể làm được. Song nếu như có giám sát của nhân dân, chúng ta có thể thanh tra, kiểm tra đúng, trúng các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong lĩnh vực môi trường. 
 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng gợi ý, để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, các tổ chức đoàn thể phải làm tốt chức năng giám sát của mình. Trên các khu vực có nguy cơ vi phạm môi trường, các tổ chức đoàn thể thành viên phải có sự giám sát việc gây ô nhiễm môi trường và thực hiện thường xuyên, kéo dài trong nhiều năm. Phải có sự phân cấp, có quy trình giám sát. Người dân giám sát tại nơi mình sinh sống, thông tin đến bộ phận giám sát, tổ chức phụ trách sẽ phân tích, nếu phát hiện sai phạm sẽ báo cáo thanh tra, kiểm tra để có chế tài xử lý phù hợp. Mỗi người dân là một nguồn xả thải, muốn giảm ô nhiễm môi trường phải hướng dẫn người xả thải đúng quy định; mỗi người dân là một cảm biến xã hội về môi trường, tham gia vào việc bảo vệ môi trường... - ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị. 
 

.Mỗi người dân Thủ đô là một cảm biến xã hội bảo vệ môi trường

Mỗi người dân Thủ đô là một cảm biến xã hội bảo vệ môi trường  - Ảnh minh hoạ: Nguồn Tinmoitruong.vn

 
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thành phố đang triển khai và dự kiến đầu tháng 12/2016 có 10 trạm quan trắc tự động, hàng ngày sẽ thông báo tất cả tình hình ô nhiễm không khí cho người dân. Bên cạnh đó, thành phố sẽ lắp 40-50 trạm quan trắc nước tại các ao hồ. Về giải pháp làm sạch không khí, thành phố đưa ra chương trình phát triển trồng một triệu cây xanh, phấn đấu đạt 10m2/cây xanh thì nhiệt độ Hà Nội sẽ giảm khoảng 1,2 độC. Hiện thành phố đã trồng được gần 150 nghìn cây xanh. 
 
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải nhà hàng, rác thải bệnh viện sẽ được đốt 100%. Thành phố đang nỗ lực chuẩn bị để đến đầu tháng 1/2017 khởi công nhà máy đốt rác điện đầu tiên công suất 2.000 tấn/ngày đêm, phấn đấu đến đầu 2020 có 3 nhà máy đốt rác. Bên cạnh đó, thành phố xây dựng lại quy hoạch toàn bộ nước sạch theo tiêu chí nước sạch người dân uống được tại vòi, hiện việc này đang thí điểm tại huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sóc Sơn.
Hạnh Quỳnh