Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thôn nửa tỉnh, nửa mê

(19:50:05 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) có đến 300 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số rơi vào tình trạng thiểu năng, thiếu năng lực hành vi dân sự. Huyện đã lập hẳn thôn Phiêng Luông để tạo mọi điều kiện cho người thiểu năng có thể sản xuất kiếm sống nhưng tất cả chỉ dẫn, hỗ trợ của chính quyền đều bị nhấn chìm trong hũ rượu tối ngày của dân.

Huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) có đến 300 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số rơi vào tình trạng thiểu năng, thiếu năng lực hành vi dân sự. Huyện đã lập hẳn thôn Phiêng Luông để tạo mọi điều kiện cho người thiểu năng có thể sản xuất kiếm sống nhưng tất cả chỉ dẫn, hỗ trợ của chính quyền đều bị nhấn chìm trong hũ rượu tối ngày của dân.

 

Về thôn nửa tỉnh, nửa mê

 

Gió đông Bắc rít vù vù từng cơn như cố xua đi những đám mây mù đang lởn vởn che phủ quanh sườn núi Pia Thấu của xã Công Bằng. Giá rét làm chúng tôi run lẩy bẩy. Ấy thế mà ông Sùng A Páo (58 tuổi, người dân tộc Mông) chỉ khoác cái áo mỏng phong thanh ngồi bệt bên vách nhà, mặt nghệt ra.

 

Ông Sùng A Páo đang say rượu, dựa lưng vào vách nhà.


Ông Vi Duy Tuyến (Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm), gọi: "Ông Páo... à! Mở cửa, khách đến thăm nhà!". Ông Páo cười hềnh hệch, loạng choạng đứng dậy, nói: "Hết rượu rồi!". Hơi rượu quyện trong tiếng cười và câu nói ngô nghê bộc lộ dấu hiệu điển hình, phản ánh tình trạng nửa tỉnh, nửa mê của đa số người đang sinh sống ở thôn Phiêng Luông.

 

Ông Páo tay run run, loay hoay mở cửa nhà mình mãi mà không được. Chúng tôi đành đứng bên ngoài vệ đường để nói chuyện. Trong câu chuyện của mình, ông Páo không biết vợ mình đi đâu, bao nhiêu đứa trong gia đình của ông đã lấy vợ lấy chồng! Lúc đó, ông Sùng Dĩ Lềnh (57 tuổi) cùng khoác vai một bạn rượu đang xiêu vẹo, khật khưỡng đi lại phía chúng tôi. 

Ông Sùng Sĩ Lềnh và bạn nhậu đang loạng choạng trở về nhà.

 

Ông Tuyến ngừng câu chuyện đưa chúng tôi về thăm nhà ông Lềnh. "Vợ con ông Lềnh đi đâu hết cả rồi?", ông Tuyến hỏi ông Lềnh bằng tiếng Mông. Ông Lềnh cười ngoặt nghẽo thay cho câu trả lời.

 

Tôi nhìn quanh căn nhà gỗ ba gian lợp tấm proximăng còn thơm mùi nhà mới, nếu kéo một cành cây vào trong nhà thì chẳng vướng phải thứ gì đáng giá ngoài mấy bộ váy áo người Mông của vợ ông Lềnh như con bướm khoe sắc vắt trên cái dây phơi ở phía đầu giường gỗ. Bên bếp nguội hơi lửa là cái cối xay mèn mén, mạng nhện đã giăng lưới nối chân kiềng với cối xay từ khi nào chẳng rõ!

 

Ông Tuyến thừa nhận với chúng tôi, mặt bằng dân trí ở đây thấp, dân bị nghèo đói trong thời gian dài, môi trường sinh hoạt thiếu vệ sinh, nhiều hủ tục. Đặc biệt, dân uống rất nhiều rượu.

 

Ông Tuyến, từng là Giám đốc Trung tâm Y tế của huyện Pác Nặm, cho biết: "Tình trạng thiểu năng của đa số người thôn Phiêng Luông xuất hiện qua nhiều thế hệ. Bây giờ, bệnh nửa tỉnh, nửa mê có dấu hiệu phổ biến và đang xuất hiện trên diện rộng ở một số cụm dân cư vùng đặc biệt khó khăn trong huyện Pác Nặm".

 

Cái chữ vẫn rơi tọt vào hũ rượu

 

Từ khi huyện Pác Nặm được thành lập tách ra khỏi huyện Ba Bể (tháng 5/2003) đến nay, cơ quan chuyên môn của UBND huyện Pác Nặm tiến hành khảo sát, điều tra trong 8/10 xã, phát hiện hơn 300 hộ có người bị thiểu năng về trí tuệ. Nhưng huyện mới chỉ quy hoạch 50 hộ với 230 khẩu có nhiều người trong gia đình có các biểu hiện thiểu năng về trí tuệ về Khu dân cư Phiêng Luông mới, tọa lạc trên 32 ha đất ven chân núi Pia Thấu thuộc xã Công Bằng.

 

Lao động chính rơi lên vai người phụ nữ trong thôn.

 

Ở đó, UBND huyện Pác Nặm quy hoạch 1,5 ha đất ở, hỗ trợ làm mới 50 nóc nhà và hệ thống bể nước chứa nước nguồn dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu; thiết kế 14,25 ha đất để đồng bào học trồng lúa nước và 11,84 ha ruộng khai hoang để trồng hoa màu.

 

Từ đầu năm 2008, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông và Sán Chay ở Phiêng Luông cũng được cán bộ chuyên môn của UBND huyện Pác Nặm phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa nước, hỗ trợ tiền giống trồng các loại cây lấy củ, quả, hạt nhằm chăm lo cuộc sống, từng bước thực hiện xoá đói, giảm nghèo.

 

Nhưng do họ thiếu năng lực hành vi dân sự, không thể tự học hỏi và tham gia lao động sản xuất để tự chủ cho cuộc sống của mình nên, theo lời của ông Tuyến, "cái kỹ thuật và cái chữ của cán bộ cho Phiêng Luông đều rơi tọt vào hũ rượu mất rồi!".

 

Một điểm khó khăn nữa là thôn Phiêng Luông không thuận lợi trong canh tác, do mùa khô thiếu nước sinh hoạt và nước tưới tiêu cho ruộng nương. Bởi vậy, cái đói, cái nghèo vẫn đang bủa vây dân nơi đây.

 

(Theo VTC)