Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những tín hiệu tích cực qua “Ý tưởng cáp treo Sơn Trà”

(23:24:36 PM 17/11/2016)
(Tin Môi Trường) - Khi thông tin được công khai mà các tổ chức, cá nhân liên quan không thể hiện chính kiến, quan điểm là hết sức thiếu trách nhiệm, đáng báo động! Tuy nhiên, trong sự việc này, các bên liên quan đã thể hiện trách nhiệm. Đây là dấu hiệu tích cực, thể hiện xu hướng phát triển của xã hội dân sự,…

Mấy ngày qua, các trang mạng xã hội và truyền thông đã tranh luận sôi nỗi và gay gắt về ý tưởng cáp treo Sơn Trà. Qua quan sát, tôi nhận thấy đã có một số tín hiệu tích cực:

 

 Những tín hiệu tích cực qua “Ý tưởng cáp treo Sơn Trà”

Cùng chung tay bảo vệ Vooc Chà Vá chân nâu  -Ảnh: Facebook Thông tin Sơn Trà

 

Một là, giới trẻ không thờ ơ với tương lai như những gì mọi người thường hay phàn nàn. Tôi biết đến thông tin về “ý tưởng cáp treo Sơn Trà” từ một nhóm người trẻ. Họ lên tiếng sớm và mạnh mẽ. Họ có lập luận khoa học, thể hiện họ là những người có trí tuệ. Họ đã không sợ những trở lực “vô hình”, thể hiện họ là những người dũng cảm. Họ bày tỏ chính kiến rõ ràng nhưng không cực đoan, không thô lỗ, thể hiện họ là những người đứng đắn và là những công dân có trách nhiệm,… Nếu được bỏ phiếu bình chọn công dân tiêu biểu của thành phố, tôi xin dành phiếu cho họ!
 
Theo tôi, “những công dân tiêu biểu” mà tôi vừa đề cập chính là tài nguyên quý giá nhất của đất nước, quý hơn gấp ngàn lần so với tài nguyên thiên nhiên. Tài nguyên thiên nhiên dù là tài nguyên tái tạo hay không tái tạo, nếu chúng ta càng khai thác thì chúng càng dễ bị suy thoái hoặc cạn kiệt. Tuy nhiên, đối với tài nguyên trí tuệ, mỗi khi chúng ta càng khai thác thì chúng càng tăng lên. Đã qua rồi cái thời kỳ kinh tế dựa vào sức lao động, dựa vào tài nguyên thiên nhiên, giờ đây là cái thời kỳ nền kinh tế dựa vào trí thức. Do vậy nhà nước cần phải quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa đến loại tài nguyên quý giá này, không phải để “bảo tồn” mà cần phải tăng cường khai thác triệt để!
 
Hai là, dù rằng tôi hoàn toàn không ủng hộ “ý tưởng cáp treo Sơn Trà”, nhưng tôi rất tán thành sự việc “đề xuất ý tưởng”. Theo tôi, chúng ta có thể nghèo tiền nhưng chúng ta không được nghèo ý tưởng, đặc biệt là những ý tưởng đóng góp cho sự phát triển xã hội. Ở góc nhìn về kinh tế, một doanh nghiệp đề xuất ý tưởng làm cáp treo gắn với quảng bá du lịch thành phố tại vị trí đẹp như Sơn Trà và một cơ quan quản lý du lịch đồng tình là điều hết sức dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu ý tưởng này đưa ra mà cơ quan quản lý cố tình dấu thông tin, hoặc phớt lờ các ý kiến phản biện thì đó là một việc rất lớn cần phải lên án. Hay một cách khác, khi thông tin được công khai mà các tổ chức, cá nhân liên quan không thể hiện chính kiến, quan điểm là hết sức thiếu trách nhiệm, đáng báo động! Tuy nhiên, trong sự việc này, các bên liên quan đã thể hiện trách nhiệm. Tôi xem đây là dấu hiệu tích cực, thể hiện xu hướng phát triển của xã hội dân sự,…
 
Ba là, sau khi ý tưởng cáp treo Sơn Trà được đưa lên trang mạng xã hội, tiếp theo là các ý kiến phản hồi, dù rằng đây chỉ là kênh thông tin không chính thống, nhưng các cơ quan chức năng và lãnh đạo thành phố đã sớm quan tâm. Diễn biến tiếp theo là một số bài báo liên quan đến sự việc trên các trang báo chính thống đã được rút bài; lãnh đạo thành phố cũng đã lên tiếng “chỉ là ý tưởng”,… Điều đó thể hiện thái độ có trách nhiệm và tôn trọng ý kiến xã hội của chính quyền.
 
Mặc dù, quyết định cuối cùng cũng cần phải chờ, nhưng tôi vẫn có niềm tin về một tín hiệu chuyển biến tích cực của xã hội. Tôi cho rằng, nếu lãnh đạo quyết tâm vì một thành phố phát triển bền vững, đáng sống thì kiên trì triết lý “cân bằng” để “kiểm soát” các hoạt động phát triển:
 
Thứ nhất, hãy cổ vũ sáng tạo và sẵn sàng tiếp nhận các ý tưởng xây dựng. Đừng bao giờ để tổ chức, cá nhân vì sợ bị “ném đá” mà không dám đệ trình ý tưởng. Tôi tin chắc, những ý tưởng hay là những ý tưởng có nhiều ý kiến tranh luận. Có thể có ý tưởng cũng chỉ là ý tưởng; cũng có những ý tưởng được tiếp tục phát triển theo một hướng khác với ban đầu và cũng có những ý tưởng sẽ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, đừng bao giờ công bố ý tưởng như một thông báo chính thức về một dự-án-miễn-bàn.
 
Thứ hai, đừng bao giờ né tránh phản biện xã hội, dù rằng những ý kiến phản biện thường rất không dễ nghe! Biết trân trọng người đề xuất ý tưởng thì cũng cần phải tôn trọng ý kiến phản biện. Chấp nhận sự khác biệt về góc nhìn, nhưng cũng cần phải là người ra quyết định có trách nhiệm và biết chịu trách nhiệm.
 
Thứ ba, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến giáo dục, vì chính giáo dục sẽ củng cố và phát triển tài nguyên trí tuệ - thứ tài nguyên quý giá nhất trong mọi thời đại. Nếu biết khai thác hiệu quả tài nguyên trí tuệ thì không lo cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy thoái xã hội và tụt hậu kinh tế!
 
Thứ tư, hãy là những nhà lãnh đạo, doanh nhân có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân; biết tôn trọng các bên liên quan, biết cân bằng lợi ích;... Mọi quyền lực, tài sản không bao giờ là đủ cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp, do vậy đừng tạo cho mình một thế độc quyền, độc tài để tự đánh mất sự “kiểm soát”.
 
Cuối cùng, tôi vẫn mong rằng “ý tưởng cáp treo Sơn Trà” sẽ dừng lại tại đây! Một đề án quản lý tổng hợp bán đảo Sơn Trà được xây dựng với sự tham gia có trách nhiệm của các bên liên quan, được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền, được công khai và được xã hội giám sát chặt chẽ mọi hoạt động liên quan đến hệ sinh thái này.
PGS.TS. Võ Văn Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu – giảng dạy “Môi trường & tài nguyên sinh vật” thuộc Đại học Đà Nẵng