(Tin Môi Trường) - Nhân Hội Nghị Chống buôn bán trái phép ĐVHD (IWT) lần thứ ba được tổ chức tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đưa ra 10 thay đổi quan trọng có thể mang lại những ảnh hưởng sâu sắc và tích cực đến các loài nguy cấp, quý, hiếm của nước ta và khuyến khích Việt Nam thực hiện.
Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong cuộc chiến chống lại nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD). Nhiều nỗ lực đã được triển khai nhằm tăng cường thể chế, chính sách về bảo vệ ĐVHD, khắc phục những lỗ hổng pháp lý, nâng cao khung hình phạt và cải tiến khung pháp lý nói chung để bảo vệ chặt chẽ những loài nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam. Thêm vào đó, năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng cũng đã được nâng cao rất nhiều so với 10 năm trước. Đặc biệt, tính minh bạch và tinh thần trách nhiệm trong khi thi hành nhiệm vụ của các cán bộ và cơ quan thực thi pháp luật đã được nâng cao đáng kể.
Chính vì vậy, ENV cho rằng, Việt Nam nên tập trung nỗ lực giải quyết 10 vấn đề cấp bách dưới đây để bảo vệ tương lai của các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Mặc dù các vấn đề này không thể dễ dàng được giải quyết triệt để trong một thời gian ngắn nhưng chúng ta cần có quyết tâm cao để vượt qua thách thức và tiến lên phía trước:
1. Điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ĐVHD trái phép
Cần nỗ lực điều tra, bắt giữ và khởi tố những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác, hổ, ngà voi, rùa biển và nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm khác. Tích cực thực hiện điều tra triệt phá các mạng lưới tội phạm lớn và trừng phạt thích đáng những kẻ đứng đầu các đường dây này theo đúng tinh thần Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 12/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả rà soát khoảng 200 bản án xử lý những vụ việc vi phạm nghiêm trọng về ĐVHD của ENV trong giai đoạn 2010 – 2016 cho thấy không một kẻ cầm đầu mạng lưới buôn bán ĐVHD lớn nào bị bắt giữ hay khởi tố trong 6 năm qua. Điển hình là đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán rùa biển lớn nhất tại Việt Nam sau hai năm bị phát hiện và thu giữ hơn 10 tấn rùa biển vẫn chưa bị khởi tố.
2. Đưa ra các biện pháp răn đe hiệu quả
Cả hai Bộ luật Hình sự hiện hành và sửa đổi đều có các khung hình phạt nghiêm khắc áp dụng đối với tội phạm về ĐVHD. Các đối tượng vi phạm cần bị xử lý nghiêm khắc theo các quy định này bởi có như vậy thì mới có tình răn đe và góp phần giảm thiểu và ngăn chặn những hành vi vi phạm khác trong tương lai.
Tuy nhiên, kết quả rà soát các bản án hình sự trong 6 năm qua cho thấy hầu hết các đối tượng vi phạm chỉ bị xử lý tù treo hoặc cải tạo không giam giữ. Điều này càng khiến những kẻ phạm tội tin rằng buôn bán ĐVHD là một hoạt động “an toàn” mang lại lợi nhuận cao và rủi ro thấp, bởi tội phạm liên quan đến hoạt động này không được cơ quan tiến hành tố tụng thực sự quan tâm xử lý.
3. Nghiêm cấm buôn bán sừng tê giác dưới mọi hình thức
Nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức buôn bán sừng tê giác, bao gồm cả việc buôn bán mẫu vật săn bắn. Bằng cách này, hình ảnh Việt Nam với vai trò là quốc gia tiêu thụ và trung chuyển trong cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác hiện nay sẽ dần được hạn chế và xóa bỏ.
4. Tiêu hủy tất cả kho ngà voi và sừng tê giác thu giữ được
Việc tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi vừa qua là một khởi đầu tốt nhưng Việt Nam cần tiếp tục tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác thường xuyên hơn ngay sau khi vụ án khép lại. Các cơ quan chức năng chỉ nên giữ lại một số lượng nhỏ mẫu vật ngà voi và sừng tê giác với mục đích phân tích ADN (truy xuất nguồn gốc ngà voi/sừng tê giác) và phục vụ mục đích giáo dục – đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học.
ENV cũng kêu gọi các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiêu hủy toàn bộ khoảng 44 tấn ngà voi cùng hàng trăm cân sừng tê giác bị tịch thu, hiện đang được lưu giữ.
5. Đóng cửa các cơ sở nuôi hổ tư nhân và chấm dứt mọi hoạt động cho hổ sinh sản không kiểm soát
Đóng cửa các cơ sở nuôi hổ tư nhân cũng như nghiêm cấm mọi hình thức cho hổ sinh sản tại các vườn thú và các cơ sở khác nếu hoạt động sinh sản không có giá trị hoặc không phục vụ mục tiêu bảo tồn, giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Từ năm 2007, số lượng hổ nuôi nhốt tại các các vườn thú và cơ sở tư nhân đã tăng từ 55 lên đến hơn 189 cá thể - hậu quả của tình trạng cho hổ sinh sản thiếu kiểm soát. Các cá thể hổ nuôi nhốt không hề có giá trị trong việc bảo tồn loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm này. Trong 14 cơ sở tư nhân này, một số cơ sở thậm chí còn "nhập lậu" hổ con để đưa vào thị trường buôn bán bất hợp pháp. Vợ một đối tượng từng bị kết án về tội buôn bán hổ trái phép mới đây đã được chính quyền địa phương cấp phép nuôi nhốt hổ. Để giải quyết tình trạng buôn bán hổ trái phép, việc ngăn chặn sự phát triển của các cơ sở nuôi hổ là vô cùng quan trọng. Điều này cũng là cần thiết để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự như khủng hoảng nuôi nhốt gấu năm 2005, khi Nhà nước đã buộc phải đăng ký cho hàng nghìn cá thể gấu có nguồn gốc bất hợp pháp được nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân.
Việt Nam có thể xem xét đưa ra cam kết tương tự quyết tâm đóng cửa các trang trại hổ của quốc gia được Chính phủ Lào đưa ra tại Hội nghị các quốc gia thành viên CITES vào tháng 9/2016.
6. Chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam
Chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu trong các cơ sở tư nhân tại Việt Nam. Sau hơn mười năm nỗ lực, hiện nay số lượng gấu nuôi nhốt tại các cơ sở đã giảm từ 4,300 cá thể vào năm 2005 xuống còn khoảng 1,200. Tình trạng tiêu thụ mật gấu cũng đã giảm mạnh, khoảng 61% so với thời điểm năm 2010. Đây chính là thời điểm để chấm dứt ngành công nghiệp khởi đầu với hàng nghìn cá thể gấu bị săn bắt từ tự nhiên và nuôi nhốt bất hợp pháp. Do những cá thể gấu này đều có nguồn gốc bất hợp pháp, việc nuôi nhốt gấu là hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, cần khuyến khích các chủ cơ sở nuôi gấu tự nguyện chuyển giao các cá thể gấu này mà không đòi bồi thường. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
7. Tạm dừng việc cấp phép gây nuôi thương mại ĐVHD trên toàn quốc
Không tiếp tục cấp phép gây nuôi thương mại ĐVHD cho các cơ sở gây nuôi trên toàn quốc cho đến khi thiết lập được một hệ thống quản lý hiệu quả, cũng như các cơ quan chức năng có đủ khả năng giám sát và quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi, ngăn chặn việc hợp pháp hóa ở qui mô lớn ĐVHD săn bắt từ tự nhiên vào các cơ sở này.
Đối với hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD đang diễn ra hiện nay, cần chủ động thực hiện các biện pháp sau: (1) Thu hồi giấy phép đối với tất cả các chủ cơ sở gây nuôi không có đủ bằng chứng hợp pháp và thông tin minh bạch về nguồn gốc của các cá thể ĐVHD mà họ đang nuôi nhốt hoặc mua bán; (2) Xử lý hình sự chủ các cơ sở gây nuôi có hành vi mua bán, trao đổi và lưu giữ ĐVHD bất hợp pháp; và (3) Xử phạt nghiêm khắc các cán bộ địa phương có liên quan nếu có hành vi cấu kết, làm sai lệch thông tin, tham nhũng, che đậy trong công tác kiểm tra, quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD.
Nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức gây nuôi thương mại đối với hổ, gấu và tất cả các loài ĐVHD nguy, cấp, quý hiếm được bảo vệ chặt chẽ bởi luật pháp Việt Nam. Giới hạn việc cấp phép lưu giữ/nuôi nhốt các loài này, chỉ cho phép các vườn thú, các trung tâm bảo tồn, cứu hộ cũng như các viện nghiên cứu khoa học có tư cách hợp pháp, nếu có căn cứ chứng minh những cơ sở này không liên quan đến hoạt động mua bán, trao đổi sản phẩm từ ĐVHD dưới bất kì hình thức nào.
8. Gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với việc kiểm soát và chấm dứt tình trạng tiêu thụ ĐVHD trái phép trên địa bàn
Cần quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các xã, huyện và thành phố, với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên trách trong nỗ lực chung nhằm kiểm soát và chấm dứt các hành vi buôn bán ĐVHD trên địa bàn như hành vi quảng cáo, mua bán và lưu giữ trái phép ĐVHD.
Hơn nữa, vai trò của chính quyền địa phương sẽ hiệu quả hơn nếu họ được giao trách nhiệm giám sát và đảm bảo mọi hoạt động của các doanh nghiệp tại địa phương đều tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD.
9. Ngăn chặn tội phạm trên Internet
Áp dụng các quy định hiện hành của pháp luật để xử lý và ngăn chặn hành vi mua bán, trao đổi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên Internet. Một số biện pháp hữu hiệu bao gồm: đóng cửa các trang thông tin điện tử có chứa thông tin quảng cáo và mua bán các loài ĐVHD cần được bảo vệ, tăng cường theo dõi và chặn trang cá nhân trên mạng xã hội (ví dụ như Facebook) được đối tượng sử dụng để quảng cáo buôn bán ĐVHD.
10. Tăng cường tiếng nói của các cơ quan Nhà nước trong nỗ lực bảo vệ ĐVHD
Đồng bộ nỗ lực của chính quyền các cấp nhằm nâng cao nhận thức của người dân và từ đó giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Bên cạnh vai trò quan trọng của các tổ chức phi chính phủ trong các hoạt động truyền thông, Nhà nước có thể đóng vai trò chủ động hơn trong việc giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ thông qua các kênh truyền thông chính thống cũng như tiếp cận các phương tiện truyền thông công cộng.