(Tin Môi Trường) - Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - phản ánh tình trạng quản lý không chặt chẽ làm kẽ hở để các tập đoàn lớn "thất hứa", đưa công nghệ không phù hợp vào Việt Nam, như vụ Formosa hay dự án Boxit Tây Nguyên.
Ngày 11/11, thảo luận tại tổ về Luật Chuyển giao công nghệ, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (đại biểu đoàn Ninh Thuận) lo ngại thực trạng quản lý không chặt chẽ dẫn đến việc các tập đoàn lớn của nước ngoài lách luật để đưa công nghệ không phù hợp vào Việt Nam.
Phát biểu tại tổ, ông Phan Xuân Dũng cho rằng, vấn đề quan trọng trong luật hiện nay phải quy định để làm sao Bộ Khoa học và Công nghệ, những người quản lý khoa học can thiệp được vào quá trình chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ từ nước ngoài vào. Bởi thực tế hiện nay, trong các dự án, hầu như cơ quan quản lý nhà nước rất khó tiếp cận công nghệ của họ.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
“Ví dụ như Formorsa, họ nói họ là tập đoàn giàu có, tập đoàn công nghệ cao. Thế nhưng nếu quản lý nhà nước và các quy định pháp luật không chặt chẽ thì có thể họ lách ngay, đưa công nghệ không phù hợp vào”, ông Phan Xuân Dũng cảnh báo.
Ông Dũng cho biết, qua kiểm tra rà soát đã phát hiện Formosa tự ý thay đổi công nghệ nghệ xử lý cốc, từ công nghệ xử lý cốc khô (có nghĩa là công nghệ thân thiện) sang công nghệ xử lý cốc ướt (là công nghệ phát tán rất nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải).
“Yêu cầu họ phải có hồ điều hòa xử lý nước trước khi đưa ra khỏi khu vực nhà máy... nhưng do chúng ta kiểm soát không kỹ, giao cho họ cả một diện tích đất rộng, nên khó kiểm tra, rà soát hết”, ông Phan Xuân Dũng nêu thực trạng tại Formosa.
Chủ nhiệm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng nêu cụ thể về vấn đề Boxit Tây Nguyên, ngay từ ban đầu đã bị đánh tráo công nghệ và trình độ công nghệ. Đưa ra những ví dụ cụ thể, đại biểu đánh giá dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ thực tế chưa được như mong muốn. Và hiện nay, các bên liên quan đến luật này vẫn phải ngồi lại với nhau để Luật Chuyển giao công nghệ ra đời có thể bịt được kẽ hở, không để các công ty, tập đoàn lớn đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.
Góp ý xây dựng dự luật, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cũng nhận định trong dự luật chưa quy định rõ về chuyển giao các loại công nghệ theo cấp bậc công nghệ. Theo đại biểu, chúng ta phải xem xét các chính sách chuyển giao các cấp bậc công nghệ này thế nào.
Đại biểu đoàn Bến Tre phản ánh thực trạng nhiều công nghệ nhập khẩu về nhưng khi kiểm nghiệm thì “chúng ta bó tay hết”, do sự lệch pha về công nghệ, chỉ nhập phần cứng trong khi phần mềm vận hành trong nước lại chưa theo kịp. Vì vậy, khi giá công nghệ chỉ một đồng thì cuối cùng lại phải bỏ ra rất nhiều tiền mua những thứ để vận hành máy móc.
“Có những công nghệ hoàn toàn phải phụ thuộc vào chuyên gia của họ, nên các cỗ máy nhập về chỉ là những đống thép lạnh lùng nằm đấy. Do vậy, luật cần khắc phục điểm này và nên khuyến khích chuyển giao mà phải làm sao phát triển thị trường công nghệ”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Ngoài ra, theo đại biểu đoàn Bến Tre, trong luật cũng cần quy định chặt chẽ về thẩm định, trách nhiệm thẩm định công nghệ hiện vẫn rất sơ hở. Để làm được việc đó, phải quy định rất rõ trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định nếu phát hiện thẩm định sai thì phải liên đới trách nhiệm, kể cả tính chuyện xử lý trách nhiệm hình sự, tránh tình trạng nhập thiết bị tỷ đô, gây lãng phí thất thoát cho Nhà nước.