Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Theo chân người tìm hài cốt dưới nền chợ Âm Phủ

(19:49:38 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - “Đội khai quật tìm thấy rất nhiều hài cốt ngay dưới lớp đất ở độ sâu chưa tới một mét. Chúng tôi xác định phải làm rất thận trọng vì đây là một việc tâm linh”, ông Nguyễn Quốc Hùng, cán bộ ban quản lý dự án Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nói.

“Đội khai quật tìm thấy rất nhiều hài cốt ngay dưới lớp đất ở độ sâu chưa tới một mét. Chúng tôi xác định phải làm rất thận trọng vì đây là một việc tâm linh”, ông Nguyễn Quốc Hùng, cán bộ ban quản lý dự án Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nói.

Đội khai quật thận trọng xúc từng mảng đất mỏng

Việc tâm linh

 

Việc khai quật khu Chợ 19-12 thực hiện từ ngày 11/1. Ngay từ những lớp đất đầu tiên, đội khai quật (thuộc Nhà tang lễ TP Hà Nội) phát hiện di cốt trong lớp đất có màu đen đặc trưng.

 

“Đất ẩm, có nhiều di cốt, do đó phải làm hết sức cẩn thận, không được để sót lại”- Ông Hùng nói. Nền chợ cũ được bóc tách cẩn thận, từng lớp một, để tìm và quy tập hết số hài cốt còn sót lại đây từ hơn 60 năm qua.

 

Hiện trường ngổn ngang, những bãi đất lớn vừa xúc lên, màu đen sẫm. Cả khu vực khói hương nghi ngút. Đội khai quật gồm năm người. Họ xúc từng mảng đất mỏng, dùng tay rà tìm khi gặp mảng đất sẫm màu. “Đó là chỗ có cốt”- Một người trong đội khai quật nói. Vừa nói anh vừa cẩn thận  gỡ từng dẻ xương ra từ lớp đất.

 

“Đây là xương ống chân, người này thuộc dạng rất to cao”- Anh nói rất khẽ. Một người dùng xẻng xắn đất thành từng miếng để lọc xương cốt, rồi một người khác nhặt, gỡ quy tụ lại. Có hai người đem rửa sạch, sau đó khâm liệm vào những chiếc tiểu sành phủ quốc kỳ.

 

Sau hai ngày và mới chỉ đào một vài chỗ, đội tìm thấy rất nhiều hài cốt, quy tụ vào hơn 20 chiếc tiểu sành. “Có thể tới cả trăm người được chôn ở đây, chưa được di dời”- Ông Hùng phán đoán.

 

Mỗi xẻng đất xúc lên, hầu như đều tìm thấy những mẩu hài cốt. Nhiều chỗ, còn khá nguyên vẹn, nhưng đa phần lẫn lộn, phải xếp chung với nhau.

 

Đội thi công của Sở Giao thông Vận tải và dân quanh vùng kê tạm hai chiếc bàn đơn sơ để khói hương cho linh hồn những người đã khuất. Bên một hố khai quật, nước dềnh lên. Công nhân xúc từng xẻng đất mỏng, dò tìm cẩn trọng và trách nhiệm! Nhiều người đi qua đây đều ghé lại, thắp thêm những nén nhang.

 

Qua khai quật cho thấy, những người được chôn ở đây không theo hướng cố định. Độ sâu tìm thấy hài cốt cũng khác nhau, có nơi sâu khoảng mét rưỡi, nơi chỉ ở độ sâu sáu đến tám tấc đất.

 

“Mới chỉ đào một số vị trí, số hài cốt tìm thấy rất nhiều. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ đào sâu tới bốn mét. Do đó công việc có thể phải kéo dài thời gian hơn dự kiến”- Ông Nguyễn Quốc Hùng trầm ngâm.

 

Chứng tích khốc liệt nhưng hùng tráng

 

Cùng với những hài cốt không nguyên vẹn, đội khai quật còn tìm thấy những hộp sọ có vết thủng. “Một trong những hiện vật được tìm thấy rất nhiều ở khu mộ chung là những chiếc còng số tám” – Ông Nguyễn Vĩnh Hùng, một người sống ở khu phố này từ năm 1954 (sát khu chợ) cho biết. Những chiếc còng đều bị gỉ sét  còn nguyên hình hài.

 

Một số được đội khai quật cho vào tiểu, cùng hài cốt, một số, được giữ lại cẩn thận và đặt lên bàn thờ ngay tại công trường. “Có chiếc vẫn còn nằm trong ống xương chân của một ai đó” - một người trong đội kể.

 

Nhà Sử học Dương Trung Quốc cho biết, ông đã đề nghị Sở Văn hóa Thể thao&Du lịch Hà Nội và Bảo tàng cử cán bộ chuyên môn  đến  thu thập các hiện vật vừa khai quật được tại hiện trường.

 

“Có thể trong 60 ngày đêm của cuộc chiến tại nội thành, quân Pháp đem các chiến sĩ của ta bị bắt xử bắn tại đây; cũng có thể, đó còn là còng của những chiến sĩ bị xử bắn tại nơi khác đưa về đây chôn cất”, ông Quốc nhận định. Cũng theo  nhà Sử học Dương Trung Quốc, những chiếc còng này là chứng tích khốc liệt của lịch sử.

 

Ông Nguyễn Vĩnh Hùng cho rằng, có thể ở nấm mộ chung có cả những chiến sỹ cách mạng ở nhà tù Hỏa Lò (vốn rất gần đó). “Dọc khu phố này, cho đến năm 1981, là một nấm mộ dài tới hơn trăm mét, cỏ xanh rì”- Ông Hùng nhớ lại.

 

Theo trí nhớ của ông Hùng, khi đó, đầu phố Lý Thường Kiệt còn có tấm biển: “Mồ liệt sỹ và nhân dân hy sinh trong ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946”, phía trong có nơi để nhân dân đến thắp hương tưởng niệm. Khi chuyển nghĩa trang đi, những dấu tích đó không còn nữa!

(Theo Tiền Phong)