Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Người có đuôi độc nhất vô nhị tại Hà Giang

(19:49:27 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Với một túm lông khá dày màu đen mọc trên đốt xương cụt, anh Vàng Seo Chúng tròn 40 tuổi ở Hà Giang luôn là người đặc biệt mỗi khi xuất hiện trước đám đông.

Với một túm lông khá dày màu đen mọc trên đốt xương cụt, anh Vàng Seo Chúng tròn 40 tuổi ở Hà Giang luôn là người đặc biệt mỗi khi xuất hiện trước đám đông.

 

Mấy lần nóng bức, Seo Chúng đã cắt béng đi một đoạn, nhưng không xuể. Càng làm như thế, cái đuôi càng thử thách anh bằng những trận ốm thập tử nhất sinh. Đành quen với nó, quen như nó là một bộ phận không thể tách rời của cơ thể mình. Một trong những phiền toái lớn nhất của cái đuôi ấy, là mỗi khi anh ở bên cạnh vợ…  

 

Cái đuôi phiền phức

 

Ngày Chúng ra đời trở thành sự kiện chưa từng thấy trên đỉnh Tả Lử Thận (xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần, Hà Giang). Trước đây 40 năm, ai cũng tưởng Chúng chỉ ở với cha mẹ đẻ một vài năm, rồi sau đó sẽ về rừng hoặc đi hoang đâu đó? Hỏi ra mới biết, gã  thầy cúng hoang tin để mẹ anh bán gia sản, lấy tiền sắm lễ cúng ma.

 

Nhớ lại chuyện này, Chúng cười mỉa mai, rồi chửi đổng: “Lão thầy cúng đểu thật, khốn nạn thật!”. Hồi đó dân bản Tả Lử Thận tin thầy cúng nhất. Mẹ Chúng cũng thế. Sinh con ra, thấy có đốm lông to, đen và dài mọc trên mông, bà hoảng hốt bảo chồng tức tốc đi vời thầy cúng.

 

Chẳng ai hiểu con ma ấy nói gì với lão, mà cái tin dữ ấy cứ mặc nhiên tồn tại suốt một thời gian dài. Đời Seo Chúng có một nỗi buồn dai dẳng nhất là mẹ anh đã sống trong lo âu rồi qua đời…

 

Cái đuôi độc nhất vô nhị

 

Muốn gặp Seo Chúng, tôi phải nhờ các anh Bộ đội Biên phòng Xín Mần - Hà Giang, liên hệ trước gần một tuần. Cả bản Tả Lử Thận, xã Pà Vầy Sủ, chỉ có vỏn vẹn 28 nóc nhà và hơn 100 nhân khẩu. Cán bộ Vàng A Páo vốn là người bản xứ. Páo giữ chức vụ Hội trưởng Hội nông dân xã Pà Vầy Sủ.

 

Páo có cái điện thoại di động đầu tiên của bản, anh mua để phục vụ công việc ở xã là chính. Không ngờ một lần về thăm nhà, Páo nhận được một cuộc gọi từ nơi khác đến mới vỡ lẽ: “Hoá ra Tả Lử Thận cũng có sóng điện thoại chứ chẳng chơi”.

 

Từ đó, Páo trở thành liên lạc viên bất đắc dĩ của Tả Lử Thận. Ai có việc gì cần, ai mua bán hay tìm người thân… bất biết lúc nửa đêm gà gáy,  hay bão tố đầy trời, điện thoại của Páo lại rung lên bần bật. Cán bộ biên phòng nói vui: “Páo là cán bộ Hội nông dân mà cứ như là Công an xã, y sĩ trạm xá…”.

 

Bản có chuyện gì, cũng gọi đến Páo. Không có Páo, tôi cũng chẳng biết khi nào Seo Chúng ở nhà, mà tới bản tìm anh. Lý do chính là đường từ Pà Vầy Sủ lên Tả Lử Thận, khó khăn như đi lên trời vậy… 

 

Nhà Seo Chúng nghèo lắm. Cửa sổ để chắn mưa, che nắng là những tấm phên bằng tre đan đã mủn. Từng miếng tự rời ra, để lộ những lỗ hổng to tướng. Đêm đến, gió mùa đông lùa vào hun hút… Vợ Seo Chúng kém chồng một tuổi, tên là Giàng Thị Chá, người ở bản Seo Lử Thận, cách đó hai ngọn núi. Chị Chá đảm đang, khoẻ khoắn và có nhan sắc hơn hẳn phụ nữ cùng độ tuổi.

 

Trưởng bản Giàng Seo Hầu nói: “Chúng và Chá là cặp vợ chồng đặc biệt trên đỉnh Tả Lử Thận. Chúng không bao giờ uống rượu, nát rượu như người khác đâu. Mùa khô, khi gió lạnh về, không cây gì mọc nổi, vườn rau cải trong vườn cũng cháy rụi lá vì lạnh giá và sương muối thì cũng là thời điểm Chúng đi sang Trung Quốc làm thuê, kiếm tiền mua áo ấm cho con và mua lợn giống, phân bón chuẩn bị mọi thứ cho mùa sang năm”.

 

Chị Chá nói: “Chúng chịu khó đi làm thêm, vài năm nay các con mới không bị đói nữa. Cách đây không lâu, nhà mình bị thiếu đói gần sáu tháng/một năm. Chúng đi làm thuê, công việc không đều đặn lắm. Mỗi ngày công khoảng 50.000 đồng, trừ tiền ăn uống, cũng mang về được một ít. Khi sửa được mái nhà, lúc làm được cái chuồng nuôi lợn…”.

 

Mỗi tháng, cả nhà anh Chúng phấn đấu được ăn cơm thịt một lần. Ngoài ra, lũ trẻ phải ăn mèn mén (bột ngô hấp - món ăn của người Mông) với rau cải nấu canh… Nhiều khi rau trong vườn, chẳng có lá nào xanh, vì sương muối đã làm nó cháy đen, lụi sạch…

 

Con hơn cha -  nhà có phúc

 

Trong số năm đứa con của vợ chồng Seo Chúng, duy nhất có Vàng Seo Mìn, đang học lớp bảy, trường trung học cơ sở Pà Vầy Sủ, là học cao nhất nhà. Chị nó mới học hết lớp sáu đã phải nghỉ giữa chừng để giúp mẹ chăn nuôi và trông nom các em…

 

Cha con anh Vàng Seo Chúng
 

Đỉnh Tả Lử Thận, cũng giống những bản vùng cao, nhà trường chỉ mở lớp ghép tại bản cho các độ tuổi từ mầm non đến hết lớp hai. Muốn  học cao hơn, lũ trẻ phải đi bộ leo núi cả ngày đường, đến trường, học theo mô hình nội trú dân nuôi, mỗi tháng về nhà đôi ba lần. Trẻ con, người lớn chẳng  thể chọn lựa một cơ hội nào khác, ngoài nỗi  nhọc nhằn, gian truân như thế!

 

Vàng Seo Chúng ý thức được mình khác người ở chỗ có cụm lông đuôi y sì cái đuôi khỉ. Nhưng đổi lại, anh là người đàn ông tuyệt vời của gia đình, của bản Tả Lử Thận. Anh luôn sống quên mình, vì những người xung quanh.

 

Anh bảo: “Ngày xưa, không ai nghĩ là Chúng lấy được Chá? Mình xấu xí, lại còn có đuôi tưởng không ai chịu lấy? Lúc Chá đã làm vợ mình, chuyện thầm kín của hai vợ chồng cũng rất khó khăn”.

 

Anh Chúng bảo có Chá ở bên cạnh, Chúng tự tin hẳn lên. Anh không cắt đuôi đi nữa. Vừa rồi, Seo Chúng làm thuê cho một người chủ trang trại chuối  bên Trung Quốc. Mặc dù đã quấn đuôi quanh bụng rất chặt nhưng mải làm quá, cái đuôi tụt ra lúc nào không hay.

 

Anh đang cõng một buồng chuối to trên lưng, thấy quanh mình xúm đông xúm đỏ, đòi xem đuôi anh Chúng. Có người cao hứng lấy cả điện thoại ra để chụp đuôi và chụp với anh… Bất quá, Chúng vạch hết lưng áo cho xem thoải mái luôn…

 

Với những người lớn sống trên đỉnh Tả Lử Thận, chuyện cái đuôi của Chúng quá quen thuộc. Nhưng lũ trẻ mới lớn, thì tò mò và hâm mộ Vàng Seo Chúng vô cùng. Chúng sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện để được sờ vào cái đuôi của Seo Chúng.

 

Có lần, những người Trung Quốc xem đuôi của Chúng xong, lại cho anh tiền. Mỗi người vài đồng góp lại, được gần 100.000 đồng. Chúng quyết định mua thịt lợn, tẩm ướp rồi mang về treo lên gác bếp cho các con ăn Tết. Nói đến đây, Seo Chúng cười, chất giọng đầy hài hước…

 

Đã sống gần hết nửa đời người, nhưng ít khi Seo Chúng bực mình khi gặp phải những tình huống dở khóc dở cười, xung quanh cái đuôi dài ấy. Phần bởi anh sống rất chân thành, giản đơn và bản lĩnh. Chưa khi nào anh từng thắc mắc, tại sao mọi thành viên trong gia đình không ai có đuôi, chỉ một mình anh có?

 

Lúc sắp xuống núi, rời đỉnh Tả Lử Thận nghèo khó, tôi thấy sợ khi nghĩ đến con đường bé tẹo, chênh vênh trên núi… Tôi hỏi anh Chúng: “Giả sử anh được quyền mơ ước những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới, anh sẽ ước điều gì?”.

 

Seo Chúng cười và bảo: “Ước nhiều lắm, nhưng không biết có được gì không? ước mùa ngô bội thu, trâu bò, lợn gà không con nào bị chết vì rét. Nhà sẽ có tiền để biến những chiếc cửa sổ bằng phên tre, thành cánh cửa bằng gỗ. Có thêm chiếc giường với hai cái chăn bông, lũ trẻ có đủ áo ấm để vượt qua mùa đông giá buốt. Mỗi tuần một lần, năm đứa trẻ sẽ được ăn cơm với thức ăn mặn…”.

 

Chúng yêu con vô bờ bến. Tiễn chúng tôi một đoạn, anh nổi hứng lên,  chạy về báo với vợ xuống xã đón cu Mìn. Mai Chủ nhật, Mìn được nghỉ học, tiện thể anh Chúng sẽ gặp thầy cô hỏi xem nó học hành có tiến bộ không? Chúng tự hào lắm, vì từ năm Mìn đi học đến giờ mới được bố đích thân xuống núi đón về… Chúng vừa đi vừa hát trên đường mòn, anh đi nhanh lạ thường, thỉnh thoảng ngoái lại đợi chúng tôi.

 

Trước khi xuống đến trung tâm xã Pà Vầy Sủ, biết sẽ đông người, Chúng ý nhị nép vào vách đá, lấy tay cuộn cuộn cái đuôi giống y như mớ tóc búi sam của phụ nữ, rồi quấn xung quanh bụng. Vàng Seo Chúng, 40 tuổi, giống như bao nhiêu người cha ở thủ đô, đến trường đón con tan lớp. Có khác là, lần này anh Chúng sẽ cõng củi giúp cho cu Mìn, để nó đi học về với đúng nghĩa là một đứa học trò tan lớp mà thôi… 

 

Bởi Vàng Seo Chúng rất kỳ vọng vào Vàng Seo Mìn. Anh tự hào vì nó biết viết tên của cha nó, biết cách tính ra số tiền bán ngô, so với chi phí chăm bón là lỗ hay lãi. Anh luôn tâm niệm rằng: “Con hơn cha là nhà có phúc”.

 

(Theo Gia Đình&Xã Hội)