Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lễ tế thần trong rừng cấm

(19:49:23 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Sau khi các thầy cúng làm lễ xong, đám thanh niên khỏe mạnh dùng giáo nhọn hoặc những thanh vầu chặt vát đâm chết từng con trâu một.

Sau khi các thầy cúng làm lễ xong, đám thanh niên khỏe mạnh dùng giáo nhọn hoặc những thanh vầu chặt vát đâm chết từng con trâu một.

 

>> Đi tìm ngôi đền kỳ lạ trong rừng cấm

 

>> Nghĩa địa sọ trâu trong rừng thẳm

 

Ông Vàng Dìu Phu kể rằng, hồi còn bé, ông được bố mẹ dẫn đi xem hành lễ tại đền thờ này, ông thấy trên nóc đền có hàng trăm cái đầu lâu trâu treo kín trên mái và những cái cột.  

 

Tuy nhiên, cách đây chừng 60 năm, một cơn lốc lớn đã hất văng toàn bộ mái và những chiếc sọ trâu trong ngôi đền này xuống vực thẳm.

 

Hiến trâu tế thần (Ảnh: Internet).

 

Người La Chí các bản hò nhau đi tìm, song chỉ thấy những khúc gỗ của ngôi đền, tuyệt nhiên không tìm thấy chiếc sọ trâu nào cả.  

 

Chính vì thế, trên mái ngôi đền này, hiện chỉ có tám chiếc đầu lâu trâu, là kết quả của những lần hiến trâu cúng rừng trong vài chục năm trở lại đây.  

 

Cứ 13 năm, người La Chí lại làm một lễ cúng rừng rất lớn, như ngày hội dành cho tất cả người La Chí khắp nơi tụ về.  

 

Trâu, lợn, gà và đặc biệt là chuột được thịt rất nhiều ở trong rừng. Người ta ăn uống no say, ca hát nhảy múa trong rừng, nhưng tuyệt nhiên không được mang thứ gì về nhà.  

 

Những con trâu to béo khỏe mạnh nhất bản được dắt đến trước ngôi đền làm vật hiến tế trong buổi cúng chính. Một cây vầu còn nguyên lá, cành, ngọn được cắm xuống bãi đất trống trước ngồi đền làm cây nêu buộc trâu. Cây nêu được coi là một vật rất linh thiêng, là thứ giao hòa giữa trời và đất.

 

Tác giả trước đền thờ sọ trâu.

 

Sau khi các thầy cúng làm lễ tạ ơn thần linh đã cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ trong những năm qua và cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cuộc sống đồng bào trong những năm tới thì những con trâu hiến tế được buộc vào các cây nêu và lễ hiến trâu tế thần được bắt đầu...

 

Thầy cúng chính cầm thanh kiếm đi trước, vừa đi vừa múa vòng quanh những con trâu buộc ở cây nêu. Các thầy cúng phụ cũng vừa đi vừa múa theo sau và miệng đọc lầm rầm bài cúng cầu mong thần linh phù hộ cho gia đình, bản làng.  

 

Cứ đi một vòng, thầy cúng lại dùng lưng lưỡi kiếm chém nhẹ vào cổ, vào đầu, ngụ ý báo trước việc chuẩn bị đưa linh hồn của trâu tế thần vì cuộc sống bình yên của đất nước, bản làng. Màn múa tế thần kết thúc khi thầy cúng kề lưỡi kiếm vào cổ trâu.  

 

Khi thầy cúng vừa rời khỏi con trâu, thanh niên trong bản cầm giáo dài, những thanh vầu chặt vát rất sắc nhọn xông vào đâm trâu như những chiến binh.  

 

Khi những con trâu ngã xuống, người ta lấy máu trâu bôi lên cây nêu, bôi lên mặt, lên vai những người tham gia tế lễ để xua đuổi ma quỷ, bảo vệ sức khỏe.

 

Thầy cúng dùng dao xả lấy phần đầu trâu, buộc vào cột trước đền thờ. Thịt, da trâu họ ăn luôn tại rừng, ăn đến khi nào hết thì thôi, không được cầm thứ gì về nhà.

 

Sọ và sừng trâu được gác trên mái đền.

 

Sau vài tháng, khi thịt da ở phần đầu trâu phân hủy hết, chỉ còn trơ ra xương sọ cùng bộ sừng, thì các thầy cúng làm lễ rửa xương bằng rượu rồi gác lên mái ngôi đền.  

 

Theo truyền thuyết, nơi xây cất ngôi đền này chính là nơi vua La Chí chết. Còn ông chết năm nào thì không ai rõ, bởi người La Chí không có chữ viết, nên không ghi lại được.  

 

Bí quyết giữ rừng

 

Lễ hiến trâu tế thần chỉ là một phần của lễ cúng rừng rất hoành tráng, rườm rà và tốn kém của người La Chí. Trong lễ cúng rừng, thầy cúng thay mặt bản làng hứa với các vị thần linh rằng, sẽ mãi mãi bảo vệ rừng, không bao giờ xâm phạm thứ gì của rừng.

 

Sau khi hoàn thành lễ cúng thần linh, người La Chí rời khỏi khu rừng và không bao giờ xâm phạm đến khu rừng cấm này nữa. Rừng cấm trở thành chốn cực kỳ thâm nghiêm. 

 

Chiếc sừng trâu gác trên mái để thần linh làm "chén" uống rượu (Ảnh chụp tại một ngôi đền của người La Chí ở xã Bản Díu, huyện Xín Mần).

 

Người La Chí tin rằng, linh hồn tổ tiên mình đều đã về rừng cấm, ngự trên những cây đa và nghị sự với các vị thần tìm cách phù hộ cho đất nước, cho bản làng, cho gia đình.  

 

Cũng chính vì niềm tin như thế, nên họ không bao giờ dám làm kinh động đến nơi ở của các vị thần linh và điều đó đồng nghĩa với việc họ cực kỳ tôn trọng rừng cấm.  

 

Người La Chí và các dân tộc khác quanh vùng không bao giờ tự tiện bước chân vào rừng cấm, chứ đừng nói đến chuyện lấy một cành củi, một cây măng hay săn một con thú trong khu rừng cấm.  

 

Thậm chí, người La Chí đứng cách rừng cấm một trăm mét cũng không dám nói to, cười đùa, chửi bậy, vì sợ kinh động đến tổ tiên và các vị thần linh.  

 

Ai xâm phạm rừng cấm, dù không bị thần linh quở phạt, cũng sẽ bị dân bản xử phạt rất nghiêm bằng gà, lợn, trâu.

 

Mặc dù vậy, các đôi trai gái lại có thể vào rừng cấm ở, để tổ tiên, các vị thần che chở, nếu bị gia đình ngăn cản không đến được với nhau.

 

Sau lễ cúng rừng, những khu rừng thiêng trở thành chốn thâm nghiêm huyền bí, không ai dám xâm phạm.

 

Người La Chí có tục thách cưới rất "khủng khiếp". Chàng trai nào muốn lấy được vợ, phải sắm lễ 3 con trâu, cùng rất nhiều lợn, gà, bạc trắng, rượu… Do đó, đôi nào nghèo khó, không có tiền làm lễ cưới, bị cha mẹ ngăn cản, có thể dắt nhau vào rừng cấm sống với nhau, cầu thần linh bảo vệ.

 

Khi đã vào rừng cấm ở với nhau, được thần linh che chở, gia đình hai bên sẽ không ngăn cản được đôi uyên ương nữa và cũng không cần phải nộp lễ thách cưới nhiều như tục lệ...

 

Lời hứa bảo vệ rừng thiêng với các vị thần cứ truyền từ đời này sang đời khác đã bảo vệ được rừng không bị tàn phá. Cái bí quyết bảo vệ rừng giản dị của người La Chí là vậy.  

 

(Theo VTC)