(Tin Môi Trường) - "Hàng loạt sự cố vừa qua cho thấy môi trường đã đến ngưỡng không chịu thêm được nữa", Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu trước Quốc hội chiều 2/11.
Chiều 2/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Trà có phần giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến đất đai, biến đổi khí hậu và đặc biệt là ô nhiễm môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Hàng loạt sự cố vừa qua cho thấy môi trường đã đến ngưỡng không chịu thêm được nữa”. Ảnh: Quochoi.
“Hàng loạt sự cố vừa qua cho thấy môi trường đã đến ngưỡng không chịu thêm được nữa”, ông Hà nói, đồng thời khẳng định việc thay đổi cơ cấu nền kinh tế chính là giải pháp căn cơ.
Theo ông Trần Hồng Hà, trước đây, môi trường luôn là yếu tố đi sau trong quá trình phát triển kinh tế. Song, đến nay, môi trường phải đi song song hoặc đi trước, phải nằm trong từng chiến lược quy hoạch.
"Xu hướng thế giới hiện nay là kinh tế xanh, carbon thấp. Do đó, môi trường phải được đầu tư ngay từ đầu", ông nói.
Sau hàng loạt sự cố môi trường, Bộ TN&MT đã rà soát toàn bộ nguồn thải. Vừa qua, Bộ kết thúc thanh tra 137 cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ngành xả thải nhiều như khoáng sản, sản xuất giấy, dệt, nhuộm. Các con số cho thấy thời gian tới cần có biện pháp quyết liệt, nghiêm túc đặc biệt trong việc giám sát môi trường.
Liên quan đến vấn đề đất đai, người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường thừa nhận việc quản lý chưa tốt dẫn đến lãng phí, khiếu kiện nóng bỏng ở nhiều nơi. Thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành khác dành hơn 600 tỷ đồng để đo đạc, lập bản đồ địa chính
Bộ TN&MT dự kiến đề xuất thành lập Ngân hàng quỹ đất. Các hộ chưa có nhu cầu sử dụng đất, để đất hoang hoá có thể gửi vào ngân hàng này. Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục phối hợp để hoàn thiện cơ chế luật pháp cho phép tích tụ ruộng đất lớn để sản xuất.
Trước những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra như khô hạn, xâm nhập mặn, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho hay sẽ đẩy mạnh hợp tác với các nước trong lưu vực để chia sẻ tài nguyên nước; xem xét quy hoạch việc khai thác sử dụng nước theo xu hướng phải có mức giá tương thích.
Đối với việc quản lý khoáng sản, ông Trần Hồng Hà thông tin sẽ tiếp tục giảm xuất khẩu khoáng sản thô. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng công nghệ tiên tiến, loại bỏ công nghệ lạc hậu, sản xuất dựa trên tín hiệu của thị trường.
Dự kiến, trong thời gian tới, việc khai thác các mỏ khoảng sản sẽ thông qua đấu thầu. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để thăm dò các mỏ ngoài biển đảo.
Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải khiến cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. Ảnh: Quang Tiến.
Ô nhiễm môi trường nhức nhối, lan rộng
Trước đó, vấn đề ô nhiễm môi trường, bồi thường thiệt hại sau sự cố Formosa được nhiều đại biểu đặt ra. Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) khẳng định ô nhiễm đang trở thành vấn đề nhức nhối, lan rộng, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.
Một ví dụ được ông đưa ra là nhà máy xử lý chất thải Phú Hà được đặt ngay trên thượng nguồn sông Lô chảy qua tỉnh Phú Thọ. Sau một thời gian hoạt động, công ty này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động ra cả nước mà không có ý kiến của tỉnh.
Đại biểu Thưởng cũng khẳng định việc vận chuyển chất thải nguy hại của công ty Phú Hà là không thể kiểm soát được. Trong đó, có cả chất thải của nhà máy Formosa Hà Tĩnh. Việc không kiểm soát sẽ dễ dẫn đến tình trạng đổ trộm chui, đổ ven đường, gây ra hậu quả khôn lường.
“Nếu không kiểm soát được thì Phú Thọ sẽ thành bãi chứa chất thải của cả nước, ảnh hưởng đến sức khoẻ hàng triệu người ở hạ lưu sông Lô”, ông Thưởng nói. Vị đại biểu kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công ty này; không cho phép nhận chất thải của tỉnh khác, chất thải của địa phương nào thì địa phương đó xử lý.
Chia sẻ quan điểm, đại biểu Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh) kiến nghị Chính phủ không nên nhân nhượng trong vấn đề này. “Phải đặt chỉ tiêu môi trường cao hơn, khắt khe hơn”, ông nói.
Đề nghị mở rộng diện bồi thường
Phó bí thư thường trực tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật cho rằng sự cố do Formosa gây ra đã ảnh hưởng toàn diện đến một phạm vi rộng lớn ở biền miền Trung. Ông cũng bày tỏ sự băn khoăn với khoản bồi thường vì nếu không đủ thì "ai sẽ bù vào hay địa phương phải tự xử lý?"
Formosa cam kết không tái phạm nhưng phải phải làm rõ như thế nào; vi phạm chôn lấp chất thải như vừa rồi có phải tái phạm - ông Thuật đặt câu hỏi và cho biết cử tri mong muốn nếu chưa làm rõ vấn đề, chưa khắc phục được vi phạm thì kiên quyết chưa cho nhà máy này hoạt động.
Ông Thuật cũng cho biết vừa qua Chính phủ đã khẩn trương tính toán, đền bù cho 7 nhóm đối tượng. Tuy nhiên, cử tri và người dân đề nghị Chính phủ và các bộ ngành mở rộng diện bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra.
“Sự cố môi trường biển làm tan nát cả ngành du lịch tỉnh và làm các doanh nghiệp du lịch điêu đứng. Thiệt hại là rất lớn, cần có giải pháp cứu giúp các doanh nghiệp du lịch đang có nguy cơ bị phá sản”, ông Thuật nói.
Mặt khác, ông cũng mong muốn được Chính phủ xem xét bồi thường cho nhóm đối tượng là các xã, phường ngoài bảy nhóm được quy định chịu thiệt hại để bà con bớt khổ và thiệt thòi. Cần cần nhắc mức đền bù cho thoả đáng hơn và thời gian đền bù 6 tháng đã hợp lý chưa.
“Nếu chỉ nghĩ rằng đền bù cho người dân và một vài chính sách hỗ trợ nữa là giải quyết xong hậu quả thì chưa thật thấu đáo. Cả một nền kinh tế tỉnh nhà bị tụt hậu, suy giảm, không thể khắc phục một sớm một chiều”, Phó bí thư Quảng Bình tâm tư.
"Được sưởi ấm từ sự giúp đỡ của cả nước"
Theo đại biểu Trần Công Thuật, chỉ một trận lũ vừa qua, tổng thiệt hại của cả tỉnh lên tới gần 2.800 tỷ đồng - xấp xỉ với tổng thu ngân sách năm 2016 của tỉnh.
“Đợt lũ quá lớn nhấn chìm Quảng Bình trong nước chảy xiết, cả tỉnh bị chia cắt, công trình hư hại, gần như tê liệt hoàn toàn. Tại thời điểm này người dân Quảng Bình vẫn đang chống chọi với đợt lũ tiếp theo”, ông Thuật thông tin.
Từ đó, ông kiến nghị Chính phủ dành cho Quảng Bình một gói hỗ trợ khẩn cấp giúp tỉnh gượng dậy nhằm xử lý môi trường, cứu đói, nước sinh hoạt, giống cây con qua mùa giáp hạt, giao thông, thuỷ lợi, hồ đập.
Thay mặt người dân Quảng Bình, đại biểu Trần Công Thuật cũng gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, doanh nghiệp, người dân cả nước đã giúp đỡ Quảng Bình vượt qua hoạn nạn. “Bà con cảm động và thấy được sưởi ấm từ sự giúp đỡ ấy”, ông Thuật chia sẻ.