Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Những ngày giáp Tết Kỷ Sửu, chúng tôi trở lại những xã nghèo nhất ở vùng cói Nga Sơn và nhận thấy không khí Tết nơi đây đang còn xa lắm.
Nỗi buồn của ông, bà Nguyễn Văn Ngọc, thôn 4, xã Nga Tân bên khung cói ế ẩm. Ảnh: Tiền Phong
Ba năm trở lại đây, cây cói nguyên liệu và các sản phẩm từ cây cói Nga Sơn (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) gặp muôn vàn khó khăn vì thị trường tiêu thụ không ổn định. Hàng chục nghìn nông dân ở vùng cói Nga Sơn - huyện trồng cói lớn nhất xứ Thanh - lao đao trong cuộc vật lộn mưu sinh.
Bước chân đến thị trấn huyện Nga Sơn, không khí mua sắm Tết tràn ngập với cảnh hàng tết nhộn nhịp như thành phố. Nhưng khi về đến các xã chuyên canh cây cói của huyện Nga Sơn thì hoàn toàn ngược lại.
Ngồi trong trụ sở UBND xã Nga Tân - một trong những xã nghèo nhất huyện Nga Sơn khi thừa khắc giao thừa của Tết cổ truyền Kỷ Sửu chỉ còn tính từng ngày, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy mùa xuân đến với nơi đây.
Ông Phạm Hồng Quân- Phó chủ tịch UBND xã Nga Tân cho biết: "Hiện nay xã có 1.736 hộ (với 7.656 nhân khẩu), trong đó có 757 hộ nghèo với 3.953 nhân khẩu, nhưng nếu tính theo chuẩn nghèo mới thì phải hơn 90 phần trăm số hộ ở đây thuộc diện hộ nghèo.
Toàn xã hiện có 320 ha đất nông nghiệp chuyên trồng cói và có tới 80 phần trăm số hộ trong xã lấy việc trồng cói và sản xuất các sản phẩm từ cói làm hướng mưu sinh chính. Năm 2008, 40 phần trăm số hộ trồng cói trong xã đành bỏ ruộng hoang bởi làm không có lãi".
Ngày 19/1, tỉnh Thanh Hoá đã có quyết định tạm cấp kinh phí hỗ trợ cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu - 2009, với tổng số tiền là 222.210.000.000 đồng. Theo đó, tổng số hộ được hưởng tiền hỗ trợ là 222.210 hộ, mức hỗ trợ là 200.000 đồng/người và không quá 1.000.000 đồng/hộ. Chủ tịch tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị tiến hành thống kê, lập danh sách số hộ nghèo, số nhân khẩu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí, đảm bảo chính xác, kịp thời, đúng đối tượng; chỉ đạo tổ chức cấp phát kinh phí cho các hộ nghèo xong trước ngày 25/1/2009”. |
Trong căn nhà tuềnh toàng, ông Mai Văn Tùng, ở thôn 4, xã Nga Tân tâm sự: "Với 1 sào cói, nếu đầu tư chăm sóc, nào công làm cỏ, phơi, chăm bón, thu hoạch, thuê chẻ, phân đạm, thuốc sâu..., vị chi hết khoảng 1,2 triệu đồng, cho thu trung bình khoảng 3 tạ cói khô. Với giá trung bình 2.500 đồng/kg, tổng thu mới được 750.000 đồng. Lỗ như vậy nên không ai muốn làm, đó là chưa kể trường hợp thu hoạch về, không có người mua, để mốc, hỏng, đành ngậm ngùi vứt bỏ".
Do trồng cói thất bát, nên tại Nga Tân, Nga Tiến... hàng nghìn lao động phải ly hương đi làm ăn xa, bỏ lại con nhỏ, bố mẹ già nơi làng quê thưa vắng. Thôn 4, xã Nga Tân, năm 2008 có khoảng 300 lao động đi làm tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...
Qua tìm hiểu của chúng tôi, từ việc trồng cói thất thu, các sản phẩm cói thị trường tiêu thụ không ổn định, trong khi những năm trước bà con nông dân trồng cói ở Nga Sơn phải vay tiền của ngân hàng để phát triển nghề này, nên hiện nay bà con nông dân nơi đây đang là "con nợ" khổng lồ.
Riêng thôn 4, xã Nga Tân có 243 hộ nhưng tổng số tiền các hộ đang nợ ngân hàng đã lên tới 7 tỷ đồng và toàn xã còn nợ 27 tỷ đồng.
Ông Mai Sĩ Ghi- Chủ tịch UBND xã Nga Tiến cho hay: "Đến nay, dư nợ ngân hàng tính cho các “chủ” của 254 ha cói trong xã đã lên tới 24 tỷ đồng. Mỗi tháng, những người dân nghèo ở đây đang phải trả lãi với tổng số tiền khoảng 250 triệu đồng.
Chưa nói đến chuyện trả nợ, hiện nay nếu bán hết số cói trong toàn xã cũng chưa đủ cho nhân dân mua gạo ăn trong bốn tháng tới. Vì vậy, ngày Tết cổ truyền đang đến gần kề mà không khí Tết nơi vùng quê nghèo này vẫn còn đìu hiu lắm".
"Tết này con lại không về"
Đó là lời nhắn vội vàng qua bạn bè, hoặc lời xin lỗi qua điện thoại của rất nhiều người con ở vùng cói Nga Sơn đang đi làm ăn xa xứ nói với bố mẹ đang ở nhà khi ngày Tết cổ truyền đang cận kề.
Thời gian ở Nga Sơn những ngày cuối tháng Chạp này, chúng tôi bắt gặp ánh mắt của những cụ già móm mém luôn hướng ra ngoài ngõ mỗi khi nghe tiếng xe máy chạy qua. Rồi ánh mắt buồn hiu, tiếng cười tắt lịm của những đứa trẻ thơ mừng hụt khi reo lên "A, bố mẹ đã về!", nhưng chiếc xe máy không rẽ vào ngõ nhà mình.
Quả thật, người nghèo vùng cói lo được cái Tết mới chật vật làm sao. Chị Mai Thị Mùi, ở thôn 4, xã Nga Tân ngồi thần người bên chiếc giường ọp ẹp của gia đình buồn rầu tâm sự:
"Hiện nay, ba cháu nhà tôi phải đi kiếm củi bán lấy tiền đong gạo, khả năng phải nghỉ học đã thường trực. Càng nghĩ đến Tết lại càng thấy thương các con thơ. Không phải riêng gia đình tôi, mà nhiều nhà ở đây vì nghèo nên chả mong Tết đến”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc cùng thôn 4, chủ của 5 sào cói cũng không kém phần khó khăn. Sáu người con trai, gái, dâu, rể của ông đều phải đi làm thuê trong miền Nam lấy tiền gửi về trả nợ. Hai ông bà già gần 60 tuổi nuôi 5 đứa cháu nhỏ đều đang học mẫu giáo, phải sống trong cảnh túng bấn.
Trong nỗi lo Tết sắp tới, ông Ngọc cho biết: “Các con tôi năm nay làm thuê đều thất bát, tiền gửi về còn không đủ trả lãi ngân hàng, nên tiền chi cho ăn Tết đối với gia đình tôi quả là một điều xa vời. Mấy hôm nay qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định hỗ trợ tiền cho các gia đình nghèo đón Tết.
Chỉ mong tiền hỗ trợ của Chính phủ sớm đến tay người nghèo chúng tôi, để còn kịp mua chút quà Tết đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên và mua cho bọn trẻ nhỏ bộ quần áo mới. Nhìn mấy đứa trẻ thơ dại mà thương chúng nó quá. Suốt ngày chúng nó cứ ngong ngóng ra cổng đón tin bố, mẹ từ miền Nam về, nhưng nào có thấy..."
Đời sống người dân vùng chuyên canh cói Nga Sơn những ngày cuối năm thật sự khó khăn. Nhằm chia xẻ những khó khăn của người dân vùng cói, cuối tháng 12/2008, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ cho huyện Nga Sơn 130 tấn gạo để kịp cấp cho bà con nông dân ăn Tết.
Những ngày giáp Tết cổ truyền, các cấp ủy đảng, chính quyền, các doanh nghiệp từ tỉnh đến các xã cũng đã quan tâm, tặng hàng nghìn suất quà Tết cho các đối tượng chính sách, gia đình nghèo ở huyện Nga Sơn.