(Tin Môi Trường) - Chiều 1-11, sau gần hai giờ đồng hồ theo xuồng cứu hộ cứu nạn của Ban chỉ huy quân sự huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), chúng tôi mới tiếp cận được rốn lũ Phương Mỹ.
Một gia đình ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phải di dời lên nóc nhà khi nước lũ lên - Ảnh: DOÃN HÒA
Mưa trắng xóa trời, phía dưới nước lũ cuồn cuộn chảy xiết. Các ngả đường dẫn về xã Phương Mỹ đều bị cô lập hoàn toàn.
Sáng 1-11, lũ lên nhanh chủ yếu ở huyện Hương Khê. Nước sông Ngàn Sâu vượt báo động 3 đã làm tê liệt mọi tuyến đường làng và tràn ngập nhà, khiến người dân nhốn nháo chạy lũ.
Lũ dâng cả mét trong vài giờ
Một số người dân có việc cần đều phải di chuyển bằng thuyền, còn lại đều “cố thủ” trên... nóc nhà để tránh lũ. Nước ngập sâu hơn 2m tại chợ Hôm - xã Phương Mỹ, chỉ còn duy nhất tấm biển “chợ Hôm” nổi giữa mặt nước đục ngầu khiến việc buôn bán của người dân đều bị tạm ngưng.
“Chỉ trong vài giờ đồng hồ, nước lũ đã dâng lên cả mét khiến nhiều nhà dân ở đây bị ngập nặng. Nếu thời tiết còn mưa lớn như thế này nữa thì nước rút rất chậm, kết hợp với nước từ thượng nguồn sông Ngàn Sâu đang đổ về thì khả năng các hộ dân còn bị ngập nhiều hơn nữa” - thượng tá Nguyễn Huy Hoàng, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Hương Khê, lo ngại.
Chúng tôi gặp ông Hoàng Xuân Tần, chủ tịch UBND xã Phương Mỹ, khoác chiếc áo mưa mỏng vừa chèo thuyền đến gia đình anh Nguyễn Văn Luyến (36 tuổi). “Anh chị có đồ đạc thì đưa lên gác nhà tránh lũ để đảm bảo an toàn khi nước lũ còn đang tiếp tục về” - ông Tần nói.
Phía trên cao, vợ anh Luyến bế đứa con hơn 1 tuổi nhìn qua ô cửa nóc nhà khi nước lũ đã tràn vào nhà hơn một nửa. Anh Luyến cho biết từ rạng sáng 1-11 đã thấy nước lũ dâng lên cao đột ngột nên vợ chồng anh vội vã đem hết đồ đạc lên gác nhà tránh lũ.
Ăn mì gói sống trừ cơm
Khoảng 8g, ở xóm 4, xã Hà Linh, tiếng chuông nhà thờ vang lên liên tục báo động lũ về. Lũ lên nhanh, nước chảy xiết nhấn chìm tất cả đường làng.
Chèo thuyền vào từng hộ dân, chúng tôi thấy gia đình nào cũng tất bật, hối thúc nhau thu dọn, di dời tài sản. Có người thì dùng thuyền, xe kéo chở xe máy đi, có người ôm tivi, quạt điện đi gửi ở vùng cao. Nhiều người sợ lũ lớn đã gọi con cái làm ăn xa về để phụ giúp di dời tài sản.
Sau hơn một giờ chèo thuyền chúng tôi mới tiếp cận được vùng lũ xã Lộc Yên, thấy rất nhiều nhà dân bị ngập, có nhà nước ngập gần 2m.
Chị Hoàng Thị Yến, 32 tuổi, bồng con đứng trong lũ cho biết ngày hôm qua trước nhà chị là cánh đồng hoang nhưng nay thì mênh mông nước lũ. Do lũ về lúc 3g nên hai mẹ con chị không kịp đi lánh nạn.
“Trận lũ trước hai mẹ con đi lánh nạn, giờ ở trần nhà không nấu ăn được nên từ sáng đến chiều hai mẹ con ăn mì gói sống trừ cơm” - chị Yến chia sẻ.
Theo thượng tá Nguyễn Huy Hoàng, do mưa lớn hai ngày qua cộng với việc thủy điện Hố Hô xả lũ khiến mực nước sông Ngàn Sâu qua huyện Hương Khê dâng cao, gây ngập lụt nhiều xã, chia cắt các tuyến giao thông...
Cam Lộ: nước ngập 2-3m, dân trở tay không kịp
Đêm 31-10 và rạng sáng 1-11, mưa rất to ở Quảng Trị. Lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nước trên sông Hiếu dâng cao bất ngờ làm nhiều người dân sống quanh khu vực con sông này ở huyện Cam Lộ trở tay không kịp. Nhiều ngôi nhà ở khu phố Trung Viên, Hậu Viên, Đông Định... thuộc thị trấn Cam Lộ và các xã thuộc bờ bắc ven sông Hiếu bị chìm trong biển nước, có nơi ngập sâu đến 3m nước.
Không chỉ ở huyện Cam Lộ mà nhiều nơi thuộc khu vực phường 4, TP Đông Hà cũng bị ngập nặng.
Thôn Bắc Bình là một trong những thôn ngập nặng nhất của xã Cam Tuyền với 100% nhà dân bị ngập sâu trên 2m nước.
Ông Đoàn Anh Phước, trưởng thôn Bắc Bình, cho biết hầu hết các hộ dân ở thôn Bắc Bình đều sống nhờ vào nghề nông nên nhà ai cũng có thóc, lúa trữ trong nhà để ăn dần hay làm giống cho vụ sau. Vậy nên khi nước lũ lên cao quá nhanh và bất ngờ khiến mọi người chới với. Nhiều tài sản như trâu bò, gà vịt, thóc lúa... bị con nước cuốn trôi trong cái nhìn vô vọng của người dân.
Đến chiều tối cùng ngày, nước lũ rút ra để lộ khung cảnh tan hoang tại thôn Bắc Bình. Một trong hai tuyến đường chính vào xã đang còn bị nước cô lập. Trên đường vào thôn, lớp bùn non ngập sâu đến ống chân, việc đi lại khá khó khăn. Các vườn cây, ruộng hoa màu xơ xác sau lũ. Người dân luống cuống lau dọn nhà cửa, bàn ghế khỏi lớp bùn dày.