(Tin Môi Trường) - Thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư nhiều dự án hàng tỉ đồng để trang bị lò đốt rác thải sinh hoạt ở nông thôn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà các lò đốt rác thải này không giải quyết triệt để được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nghiên cứu, lắp đặt 33 lò xử lý đốt rác thải nông thôn (lò đốt khí tự nhiên NFI -05, nhập khẩu Thái Lan, công nghệ Nhật Bản) cho 9 huyện, thành, thị trong tỉnh. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương được đầu tư lò đốt rác thải này vẫn không xử lý hết lượng rác được thu gom, khiến lượng rác bị tồn đọng, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Ảnh: TL
Từ tháng 10/2014, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư hơn 3 tỉ đồng để lắp đặt lò đốt rác này. Tuy nhiên, t ại nơi đặt lò xử lý rộng 1,2 hecta, rác thải chất cao như núi chạy dài từ cổng đến lò đốt. Trong khu phân loại rác, nhiều công nhân hì hục làm việc bằng phương pháp thủ công. Họ dùng cào, xẻng và vài chiếc xe đẩy, thậm chí dùng tay hốt rác đưa vào lò. Rác thải trộn lẫn nhau để lâu ngày bốc mùi hôi tanh, ruồi nhặng bu đầy khiến không khí nới đây ngột ngạt, khó chịu.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã môi trường thị trấn Thổ Tang cho biết: Rác thải phải được phân loại bằng tay trước khi đốt. Sau khi phân loại, rác không đốt được phải đem chôn lấp. Việc đốt rác cũng gặp khó khăn nếu độ ẩm của rác lớn. Do đó, đốt rác bằng lò loại này rất mất công sức nhưng hiệu quả không cao. Hiện nay, do số lượng công nhân ít nên mỗi ngày lò chỉ đốt được 50% lượng rác thải được thu gom (khoảng 8 tấn/ngày), số còn lại xã lại tiến hành phun thuốc và đắp đống tại bãi.
Trao đổi với phóng viên về thực trạng trên, Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND thị trấn Thổ Tang cho biết: Thị trấn Thổ Tang là một trong những trung tâm phân phối hàng hóa nông sản lớn ở khu vực miền Bắc. Hàng ngày, lượng rác thải từ kinh doanh và sinh hoạt ở đây thải ra môi trường rất lớn, khoảng 14-15 tấn/ngày. Hiện nay, thị trấn mới được đầu tư 1 lò xử lý rác, chủ yếu để xử lý rác thải mềm, còn rác thải cứng không xử lý được nên địa phương lại tiến hành phun thuốc khử trùng và cho máy thu gom lại một chỗ.
Tương tự, dự án xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 6/2016. Nhưng dự án này cũng không giải quyết được triệt để tình trạng rác thải hàng ngày trên địa bàn. Ông Lưu Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Hồ Sơn thừa nhận: Sau một thời gian đưa vào vận hành, lò đốt rác quá bé nên không thể xử lý được hết lượng rác hàng ngày của xã; thêm vào đó, trong quá trình đốt ra khói mù mịt, có mùi khó chịu, gây ảnh hưởng đến nhân dân sống xung quanh.
Theo ông Minh, kinh phí để duy trì lò đốt khá lớn, khoảng 30 triệu đồng/tháng, trong khi nguồn thu phí vệ sinh của người dân nơi đây chỉ đủ chi trả cho các tổ thu gom. Hiện tại, các tổ thu gom vẫn sử dụng phương tiện thô sơ, trong khi quãng đường di chuyển lại xa khiến việc vận chuyển rác gặp rất nhiều khó khăn.
Có thể thấy, việc xây dựng lò đốt rác thải cỡ nhỏ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bước đầu góp phần hoàn thành tiêu chí “đẹp” trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, công nghệ của các lò đốt rác này còn nhiều bất cập, việc xử lý chất thải phân tán, khó kiểm soát việc phát thải ô nhiễm thứ cấp vào môi trường không khí. Điều đáng lo ngại mà một số chuyên gia môi trường đã cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm không khí do đầu tư tràn lan lò đốt rác cỡ nhỏ không xử lý hết được các chất ô nhiễm, dẫn đến kim loại nặng có thể đọng lại trong tro. Kim loại nặng là một trong những chất thải nguy hại có thể gây ung thư.
Trước những cảnh báo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định dừng việc triển khai các lò đốt rác thải nhập khẩu Thái Lan, công nghệ Nhật Bản tại các địa phương. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp trước mắt tạm thời. Còn đối với những lò đốt đã đầu tư, cơ quan chức năng Vĩnh Phúc cần quan tâm kiểm tra, giám sát đảm bảo vận hành đúng quy định và hiệu quả, đánh giá tác động môi trường định kỳ.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc cần nghiên cứu, triển khai các hành động cụ thể để xử lý tình trạng rác thải ở nông thôn hiện nay. Bởi mỗi ngày khu vực nông thôn trên địa bàn thải ra môi trường khoảng 590 tấn rác, nhưng khả năng thu gom, xử lý ở khu vực này mới đạt khoảng 69%.