Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đi tìm bộ lịch xương sườn trâu của người La Ha

(19:49:15 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Người La Ha sống dọc dòng Nậm Mu ở xã Tà Mít (Than Uyên, Lai Châu) truyền miệng với nhau rằng ngày xưa, người La Ha có một quyển sách xem ngày tháng nhưng bị một con trâu vô tình ăn mất. Từ đó, công việc và cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn do không còn biết phân biệt ngày tốt, xấu.

Người La Ha sống dọc dòng Nậm Mu ở xã Tà Mít (Than Uyên, Lai Châu) truyền miệng với nhau rằng ngày xưa, người La Ha có một quyển sách xem ngày tháng nhưng bị một con trâu vô tình ăn mất. Từ đó, công việc và cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn do không còn biết phân biệt ngày tốt, xấu.

 
Thẻ bói toán của người La Ha, khi xem ngày tốt xấu thì ông Păn xem bằng chiếc lịch và kiểm tra lại bằng thẻ toán.
 

Người La Ha liền mổ con trâu kia để lấy lại quyển sách, nhưng không thấy nên đã quyết định lấy chiếc xương sườn của nó để khắc lịch. Ngược theo sông Nậm Mu, chúng tôi vào xã Tà Mít, đi tìm báu vật La Ha- lịch sườn trâu gia truyền của cả tộc người lẩn khuất bên kia trời Tây Bắc.

 

Thầy mo cuối cùng…

 

Trước khi tới bản Sài Lương, bản xa nhất của người La Ha tại Tà Mít, tôi đã dừng chân tại bản Pắc Muôn, để tìm bộ lịch xương sườn trâu của ông Ông Hoàng Văn Ín, nhưng rất tiếc người ông nội của ông trước khi chết chưa kịp truyền lại cách xem.

 

Ông Ín tiếc nuối: “Vì lịch rất quí, người ta bí mật cách xem nên ngày nay gần như thất truyền. Ông nội tôi cũng có 1 bộ lịch. Lúc còn khỏe ông không dạy bố tôi, khi ốm bố tôi không kịp dạy nữa, nên ông đã đem theo xuống mộ rồi. Nay lịch này chỉ còn một bộ ở Sài Lương, các bản khác người ta chủ yếu xem ngày bằng sách hoặc bấm độn như người Thái.”

 

Chúng tôi tiếp tục vượt gần 10 cây số đường rừng, vào bản Sài Lương, nơi còn bộ lịch cuối cùng và cũng còn sót lại người cuối cùng biết xem lịch xương sườn trâu. Theo các già làng người La Ha, người xem được bộ lịch xương sườn trâu xưa nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, ngay cả những nguời ở bản từ khi sinh ra cho tới bây giờ như trưởng bản Sài Lương, Hoàng Văn Bun, cũng chỉ mới nghe thấy nó, chứ cũng chưa tận mắt thấy bao giờ…

 

Đang vào vụ gặt lúa nương của người La Ha, nên muốn gặp ai đó phải báo trước, nếu không chỉ còn cách băng rừng vượt ngàn lên nương tìm. Những bếp lửa ở khói nương vào chiều vẫn vương khói đâu đó nhưng nhìn làn khói thì lán nương và chủ nhân của nó cũng cách đó chừng vài quả đồi.

 

Cũng phải chờ đợi trong thấp thỏm suốt ba ngày ròng, vị pháp sư Hoàng Văn Păn mới xuất hiện. Dáng người cao bệ vệ, khuôn mặt khắc khổ, bàn tay đen sạm nhưng rắn chắc, hai vai nhô cao quá khổ, cả người ông như con hổ của núi rừng! Người ở bản Sài Lương kể chuyện rằng: Năm ngoái hổ về ăn mất một con trâu của bản, thì chính ông đã tập hợp thanh niên trai tráng trong bản đuổi con hổ về rừng. 

Chiếc lịch xương sườn trâu hiện nằm trong kho bảo quản của Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội.

Biết khách đường xa đến tìm mình chỉ vì bộ lịch, lâu nay ở bản này, ai vào bản đi điền dã hay sưu tầm thì người ta chỉ tới ông. Vừa nhìn mặt khách, ông bảo: “Tao bán cho cán bộ tỉnh Lai Châu rồi, 1,2 triệu đồng. Dạy mãi mà mấy đứa con có học được đâu, rồi chết đi nữa thì không có người dùng, người biết xem, nên đưa cho cán bộ cầm về nghiên cứu thêm.”

 

Chiếc lịch xương sườn trâu được ông bác ruột của ông Păn truyền lại, nó đã gắn bó với ông hơn 30 năm. Dù đi bất kì đâu, khi lên nương hay đi làm lễ cúng trong bản ông vẫn mang nó trong mình. Trước khi chúng tôi rời Tà Mít, ông dặn dò thêm: “Năm sau, tôi sẽ làm lại chiếc lịch khác khi tìm được người truyền dạy…”

 

Gia phả La Ha

 

Lịch xương sườn trâu có mặt trong cộng đồng người La Ha từ đó. Nhờ loại lịch này, họ có thể tính được ngày tốt, xấu và đặc biệt là biết được sự thay đổi thời tiết để điều chỉnh công việc cho phù hợp. Bộ lịch là chiếc xương sườn con trâu, chiều dài 30 cm, rộng 2 cm, cong theo hình chiếc lá, trên lịch ghi những kí hiệu cụ thể để đoán định ngày xấu tốt, ngày cưới hỏi, làm nhà…

 

Hiện giờ tuy không còn lịch xương sườn trâu, nhưng ông Păn vẫn nhớ từng đốt khắc trên bộ lịch, cả bộ lịch có mười đốt, mỗi đốt 3 vạch tương ứng với 30 ngày trong tháng. Theo ông Păn thì, ngày tốt trên bộ lịch ghi là ngày con Rồng, con Giáp, vào ngày này có thể gieo lúa, làm nhà cưới vợ!

 

Ngoài bộ lịch xương sườn trâu thì thầy cúng Hoàng Văn Păn còn có bộ thẻ bói 30 chiếc. Hiện giờ đa số người dân La Ha ở Tà Mít vẫn tin có ma bệnh, nên ngoài đi chữa ở bệnh viện thì dân bản vẫn cúng bệnh. Ở những bản quá xa như Sài Lương này, dân bị bệnh chỉ biết nhờ tới thầy cúng làm lễ đuổi con ma cho nó đỡ nhập vào mình. Ông Păn, những năm gần đây vẫn được dân bản tới cúng đuổi ma mỗi khi người trong và ngoài bản mắc bệnh..

 

Rời Tà Mít mà vẫn không được nhìn thấy tận mắt lịch cổ, lần theo vết dấu bộ lịch thì hiện nay lịch xương sườn trâu hiện đang trong kho bảo quản của Bảo tàng Dân tộc học. Mọi thông tin về chiếc lịch chỉ được đánh số kí hiệu khô khốc vô hồn, muốn hỏi thêm thông tin thì chị Nguyễn Thị Sang, phòng Bảo quản của Bảo tàng cho biết: “Do không có hồ sơ lưu, nên hiện vật hiện nay vẫn không có thông tin.”

 

Hiện tại xã Tà Mít, chỉ còn ba người La Ha nói được tiếng nói cổ của dân tộc mình. Ngay cả khu rừng cấm, người dân gọi là rừng thiêng cũng dần mất đi giá trị. Phòng Tuyên giáo huyện Lai Châu đánh giá tộc người La Ha là dân tộc đầu tiên xuất hiện trên cánh đồng Mường Than, cánh đồng lớn thứ ba của Tây Bắc. Người La Ha cũng là những cư dân ngược sông Đà đến dòng Nậm Mu đầu tiên, khai phá một vùng đất mới.

 

Nhưng tiếc thay, những giá trị cổ quý, được ví như gia phả của người La Ha, đã không còn hiện hữu giữa cộng đồng. Nhưng dù sao, bộ lịch xương sườn trâu vẫn được bảo quản ở địa chỉ văn hóa tin cậy. Hy vọng đến một lúc nào đó, bộ lịch xương sườn trâu sẽ lên tiếng để người La Ha tìm về cội nguồn cha ông của mình…

 

(Theo VietnamPlus)