(Tin Môi Trường) - Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đầu tư phát triển cao nhưng vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, nên đã và đang kéo theo những áp lực đến môi trường.
Trong khi đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, nhất là thiếu các cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội, cộng với đó nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường. Vì vậy môi trường nước, đất, không khí…ngày càng bị suy thoái nghiêm trọng, đòi hỏi phải điều chỉnh các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường, đảm bảo an toàn, phòng tránh được các sự cố nhằm giảm thiểu các áp lực để bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Ảnh: TL
* Công nghệ lạc hậu đang "đầu độc" môi trường
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 1/2016, cả nước có gần 283 khu công nghiệp xả hơn 550.000 m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp song chỉ có hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 500.000 cơ sở sản xuất có nhiều loại hình gây ô nhiễm môi trường do công nghệ sản xuất lạc hậu. Trên 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng và hơn 4.500 làng nghề. Bên cạnh đó còn có 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000m3 nước thải y tế. Chưa kể 787 đô thị với 3.000.000m3 nước thải/ngày đêm hầu hết chưa được xử lý, cộng với gần 43 triệu xe máy và trên 2 triệu ô tô đã và đang “đầu độc” môi trường không khí của các đô thị.
Tại các lưu vực sông đoạn chảy qua đô thị, nhất là những nơi tập trung khu, cụm công nghiệp đang xảy ra tình trạng ô nhiễm các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ và vi sinh như đoạn sông Nhuệ chảy qua Hà Nội, sông Sài Gòn đoạn chảy qua Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, sông Đồng Nai chảy qua thành phố Biên Hòa và tỉnh Bình Dương…
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng: Trong những năm vừa qua bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp luôn là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh hiện nay, số lượng các khu, cụm công nghiệp được thành lập để thu hút các dự án đầu tư ngày càng gia tăng. Điều này đã tạo thêm nhiều áp lực cho môi trường. Các quy định về bảo vệ môi trường được ban hành đã góp phần cải thiện đáng kể công tác bảo vệ môi trường. Nhưng một số khu, cụm công nghiệp thực hiện chưa tốt công tác bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động, làm ảnh hưởng xấu tới cộng đồng dân cư xung quanh. Tình trạng ô nhiễm môi trường các khu, cụm công nghiệp do một số nguyên nhân chính. Đó là việc quy hoạch phát triển tại một số địa phương còn thực hiện tràn lan, trong khi khả năng thu hút đầu tư thấp, năng lực tài chính xây dựng kết cấu hạ tầng hạn chế, các khu, cụm công nghiệp chưa ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.
Một số khu, cụm công nghiệp mặc dù có tỷ lệ lấp đầy cao nhưng vẫn chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Nhận thức về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh tại đây còn hạn chế, nhiều chủ cơ sở hiểu chưa rõ, chưa chính xác và thậm chí không cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành trong công tác bảo vệ môi trường.
Nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã tiến hành lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cam kết bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường nhưng chưa thực hiện đúng và đẩy đủ các nội dung trong giấy phép đã được phê duyệt. Ban quản lý các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức và đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Hầu hết Ban quản lý các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp mới chỉ tập trung vào những vấn đề thu hút đầu tư, chưa quan tâm đến công tác quản lý môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm bảo vệ môi trường còn chưa hiệu quả.
Một số cơ quan quản lý ở địa phương chưa đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường của các cơ quan quản lý đến các chủ đầu tư, chủ cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế và chưa mang lại hiệu quả.
* Ô nhiễm từ phân hóa học và gia tăng nguồn thải
Báo cáo môi trường Việt Nam giai đoạn 2011-2015 cho thấy, phân bón hóa học được sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp do ưu thế về chi phí và hiệu quả nhanh đối với cây trồng. Hàng năm trên cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật. Qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, cây trồng chỉ hấp thụ trung bình khoảng 40-50% lượng phân bón (hấp thụ phân đạm khoảng 30-45%, phân lân 40-45%, phân kali 50-60%). Lượng phân bón còn lại được thải ra môi trường.
Tại một số vùng chuyên canh nông nghiệp, mức độ sử dụng phân bón khá cao, vượt so với mức khuyến cáo nhiều lần, điều đó dẫn đến dư lượng phân bón tồn đọng trong đất khá lớn, làm ô nhiễm môi trường đất. Phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp được sử dụng phổ biến ở tất cả các vùng nông thôn và có xu hướng tăng qua các năm. Việc sử dụng phân bón tùy tiện hoặc không tuân thủ quy trình kỹ thuật vẫn chưa được quản lý, kiểm soát...
Kết quả đánh giá chất lượng đất ở nhiều vùng canh tác trong cả nước cho thấy, hệ quả của việc sử dụng phân bón không hợp lý làm đất bị chua hóa. Kết cấu đất suy giảm, có sự tích đọng hàm lượng các chất Nitrat, Amoni và một số kim loại nặng. Tại một số vùng chuyên canh nông nghiệp ở cả khu vực phía Bắc và phía Nam qua quan trắc nhiều năm có phản ứng chua đến trung tính, giá trị PhKCI dao động trong khoảng 4,56-6,62.
Ô nhiễm đất bởi phân bón hóa học trong những năm gần đây có xu hướng tăng do việc gia tăng liều lượng, tần suất sử dụng. Đất ở nhiều vùng nông nghiệp có hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép đối với đất nông nghiệp. Bên cạnh phân bón hóa học, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh dịch hại đối với cây trồng khiến dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật ở một số vùng nông thôn đã gia tăng.
Tại các khu vực chịu tác động của nước thải chất thải làng nghề đặc biệt làng nghề tái chế, chất lượng đất bị suy giảm nghiêm trọng. Các điều tra của Tông cục Môi trường cho thấy các mẫu đất bị tác động bởi hoạt động tái chế sắt của làng nghề tái chế Châu Khê - Bắc Ninh, có hàm lượng kim loại nặng trong vùng xấp xỉ hoặc vượt ngưỡng cho phép 1,2 - 1,4 lần so với QCVN 03:2008/BTNMT đối với đất nông nghiệp.
Môi trường đất của Việt Nam còn bị tác động bởi các điểm ô nhiễm chất độc hóa học tồn lưu do hậu quả của chiến tranh để lại. Theo Danh mục điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, hiện toàn quốc có 240 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại 15 tỉnh/thành phố. Đất bị nhiễm các loại hợp chất có hàm lượng các chất độc cao, thời gian tồn lưu trong môi trường lâu, khó phân huỷ, khó xử lý hoặc cải tạo. T ại các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật thuộc loại ô nhiễm môi trường nghiêm trọng các chất tồn lưu chủ yếu gồm: Lindan vượt từ 37,4 đến 3.458 lần, ĐT vượt từ 1,3 đến 9.057,8 lần, Aldrin vượt 218,9 lần, DD vượt 98,4 lần... so với QCVN 15:2008.
Hiện các Bộ, ngành, địa phương đã thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua các Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), đã thu gom được hơn 500 tấn hóa chất bảo vệ thực vật và đất ô nhiễm nặng tại các khu vực: Núi Căng thuộc địa phận Phú Bình, Thái Nguyên; khu vực Thạch Lưu thuộc địa phận Thạch Hà, Hà Tĩnh ...Vì vậy, vấn đề ô nhiễm đất cần phải nhận được sự quan tâm thích đáng từ phía xã hội và người dân.