Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sáng sớm, thầy cạo râu kỹ càng, hút vài điếu thuốc, nhấm nháp ly cà phê vỉa hè rồi gửi chiếc Attila vào bãi, sau đó lên xe buýt cùng tay nải màu xanh đi vòng quanh các nẻo đường con hẻm Sài Gòn, đến trước cổng các nhà chùa để khất thực và bán nhang.
Như mọi ngày, 6h sáng khi con đường Châu Văn Liêm, quận 5, TP HCM, còn khá vắng vẻ, tại quán cà phê cóc gần rạp Đại Quang, một thanh niên mặc áo nâu (như những nhà sư trong chùa) đang tận hưởng không khí trong lành buổi sớm mai.
Rồi như vừa chợt nhớ ra điều gì, vội vàng chạy đến chiếc Attila màu trắng đậu cạnh đó, anh ta lấy dao cạo râu "tút" lại cằm. Cách đó không xa, trước cổng rạp, một người khác trong trang phục tương tóc muối tiêu đang chuẩn bị cho ngày khất thực theo cách khác: rít một điếu thuốc và nhâm nhi ly cà phê đá.
Một người đang ngồi cà phê cóc hút thuốc chuẩn bị lên đường. Ảnh: C.T |
Khoảng 07h30, hai người này nhanh chóng gửi chiếc xe tay ga đắt tiền vào rạp Đại Quang rồi người lên xe buýt số 7, người lên xe số tám tỏa về hai hướng khác nhau. Vừa xuống xe, một thầy rẽ vào hẻm số 308 đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, tới từng nhà chào hàng những bó nhang được chuẩn bị sẵn trong tay nải.
"Tôi ở chùa từ Gò Công (tỉnh Tiền Giang) lên, bán nhang để kiếm sống chứ ngồi một chỗ lấy tiền đâu mà tu. Tôi biết mấy hôm nay báo chí phản ánh nhưng anh yên tâm, tôi là sư thật, mấy người từ Bình Triệu (quận Thủ Đức) lên mới là giả", một "thầy" trấn an trước ánh mắt nghi ngờ của gia chủ.
Không những chỉ bán nhang, gần đây Sài Gòn rộ lên hiện tượng các nhà sư "bỏ chùa" đi khất thực, người dân thì chẳng biết đâu thật giả, có người còn cả tin nên bị lừa.
Trên một con đường nhỏ ở quận 5, mọi người quá quen thuộc với hình ảnh hai người trong trang phục nhà chùa cầm bát đi khất thực quanh các con hẻm. "Chúng tôi thi thoảng vẫn cho tiền nhưng từ khi báo chí đăng tải nên cũng hơi dè dặt khi gặp những người này", một người cho biết.
Hình ảnh quen thuộc đang rộ lên gần đây tại TP HCM. Ảnh: C.T |
Thậm chí, có nhà sư còn vẽ ra chiêu mê tín để lừa tiền những thí chủ nhẹ dạ. Anh Trần Khê ở quận Bình Thạnh tiếc nuối kể lại: "Trong lúc tôi vắng nhà, một nhà sư mời mẹ tôi mua nhang cầu giải hạn với giá 400.000 đồng. Kèm theo đó là lời giải thích phải mua đủ 19 hộp nhang mới linh nghiệm, cùng một tấm bùa được vẽ lằng ngoằng bằng bút dạ quang".
Sau khi gia chủ móc tiền ra trả, người này cũng hứa hẹn khi quay về chùa sẽ cúng kiếng cầu an theo danh sách. Tuy nhiên, một hộp nhang loại này mua ngoài chợ chỉ có giá khoảng 5.000 đồng, anh Khê nói.
"Từ năm 1981 tới nay, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa cấp bất cứ một giấy giới thiệu nào cho các sư đi khất thực hoặc bán nhang ngoài phố. Những nhà sư tự ý làm việc này đều được xem là mạo danh nhà chùa", hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP HCM, đại biểu HĐND TP HCM khẳng định.
Theo hòa thượng Tánh, hiện tượng giả sư này ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh và uy tín của tôn giáo Việt Nam. "Có những người còn có cả vợ con, cởi áo nhà chùa ra tối đi nhậu bình thường", hòa thượng bức xúc. Thậm chí, nhiều người chả phải sư sãi gì cả cũng mặc áo cà sa đi khất thực, thực chất là xin ăn hoặc lừa đảo".hòa thượng Thích Thiện Tánh nói.
(Theo VnExpress)