Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hòa nhạc-phim câm "Một trang điên loạn" tại L'Espace

(12:24:34 PM 25/10/2016)
(Tin Môi Trường) - Trong khuôn khổ Tuần lễ âm thanh, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội-L’Espace giới thiệu chương trình hòa nhạc-phim câm "Một trang điên loạn", một kiệt tác phim câm thế giới của đạo diễn Teinosuke Kinugasa vào lúc 20h00 ngày Thứ bảy (29.10.2016) tại Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Hòa nhạc-phim câm "Một trang điên loạn" tại L'Espace

Chương trình diễn ra lúc 20h00 ngày Thứ bảy (29.10.2016) tại Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

 
Chương trình hòa nhạc-phim câm "Một trang điên loạn" đưa ra một cách tiếp cận nguyên khai mối tương quan giữa hình ảnh và âm thanh. Ngay từ những ngày đầu phim câm xuất hiện, nhu cầu làm âm thanh cho phim đã dần được hình thành. Vào thời đó, ta thường thấy các nghệ sỹ chơi nhạc trực tiếp trên nền các bộ phim được trình chiếu. Các bản nhạc được các nghệ sĩ tự do phóng tác và trình tấu. Không gian của những buổi hòa nhạc-phim câm thuở ban đầu sẽ được tái hiện lại trên sân khấu L’Espace. Nghệ sỹ guitare – đàn bầu người Pháp Sylvain Streiff, nghệ sỹ đàn tranh Bùi Thị Phương Nhung và nghệ sỹ piano Phúc Phan sẽ hòa âm trực tiếp trên nền bộ phim "Một trang điên loạn".
 
Là những nghệ sỹ ứng tác, cả ba đều có chung niềm đam mê sâu sắc đối với âm nhạc truyền thống Việt Nam, âm nhạc thể nghiệm và đạo cụ biến tấu. Thông qua những thể nghiệm âm nhạc, nghệ sĩ guitare điện tử người Pháp Sylvain Streiff tìm kiếm sự cân bằng giữa những cội rễ của nhạc jazz và nhạc truyền thống đại chúng. Sau khi tốt nghiệp cao học về Nghiên cứu liên ngành khoa học kĩ thuật âm thanh, trực thuộc Viện nghiên cứu và hợp tác âm học / âm nhạc (IRCAM), anh tiếp tục theo học các khóa đào tạo tại các trường jazz ở Paris (ARPEJ và CIM) và kết thúc bằng một năm học tại Học viện âm nhạc Berklee, thành phố Boston, Mỹ.
 
Từ năm 2013 đến năm 2015, anh đến Hà Nội để học nhạc truyền thống Việt Nam. Anh theo học đàn bầu cùng nghệ sỹ Phương Thanh (học trò của NSND Thanh Tâm) và học đàn nguyệt, nhạc cụ thường được sử dụng trong hát văn, dưới sự dẫn dắt của NSƯT Phạm Văn Tý. 
 
Nhận được nhiều giải thưởng xuất sắc từ các Liên hoan nhạc cụ truyền thống Việt Nam, nghệ sỹ đàn tranh Bùi Thị Phương Nhung thuộc lớp những nghệ sỹ trẻ tích cực gìn giữ và phát triển âm nhạc truyền thống. Tốt nghiệp loại giỏi tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Phương Nhung hiện đang là nghệ sỹ đàn Tranh của Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long. Giải nhì độc tấu đàn Tranh tại cuộc thi Độc tấu và hoà tấu nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2008, Giải Trình diễn đàn Tranh xuất sắc tại Cuộc thi nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, Huy chương Bạc tại Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp 5 nước Đông Dương năm 2016. 
 
Phan Huy Phúc, nghệ danh là Phúc Phan tốt nghiệp trường Lake Forest College, bang Illinois, Mỹ. Từ năm 2012 đến 2015, anh là pianist của Hợp xướng Quốc tế Hà Nội. Từ năm 2013, anh là thành viên của dàn nhạc và đoàn opera Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam. Chương trình Hòa nhạc-phim câm này là lần cộng tác thứ ba của Phúc Phan với nhạc sỹ Sylvain Streiff.
 
"Một trang điên loạn" (1926) là bộ phim câm đen trắng của đạo diễn người Nhật Bản Teinosuke Kinugasa và là một kiệt tác của điện ảnh câm thế giới. "Một trang điên loạn" diễn ra trong bối cảnh một nhà thương điên. Mang bầu không khí vừa bấn loạn vừa thê lương, bộ phim kể về câu chuyện của một người gác cổng nhà thương điên, một cựu thủy thủ. Ông có vợ là một trong số các bệnh nhân. Một ngày nọ, con gái họ đến bệnh viện báo tin sắp kết hôn. Cuộc trùng phùng bi thương ấy cùng loạt cảnh hồi tưởng đã dần hé lộ bí mật của gia đình.
 
Bộ phim bị thất lạc trong suốt 45 năm và được Kinugasa tìm thấy tại túp lều trong vườn của ông vào năm 1970. Ông giấu kín bộ phim trong vườn suốt thời kỳ Thế chiến thứ 2 và quên bẵng bộ phim nơi đó. "Một trang điên loạn" là tác phẩm của một nhóm nghệ sỹ Nhật Bản tiên phong, được biết đến với tên gọi Shinkankaku-ha (hay còn gọi là "trường phái ý niệm mới"). Nhóm nghệ sỹ này luôn tìm cách vượt khỏi khuôn khổ biểu đạt theo xu hướng tự nhiên. "Một trang điên loạn" được xem là bộ phim đầu tiên theo trường phái "tân- duy cảm", bị khai tử từ khi mới ra đời nhưng theo các chuyên gia, trường phái này chịu ảnh hưởng rõ rệt từ trào lưu điện ảnh ấn tượng Đức.
LÊ NGUYỄN PHƯƠNG MAI - Tin Môi Trường