Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhiều thanh niên một thời khoét núi ngủ hầm tại bãi vàng Đồng Giá (huyện Thăng Bình - Quảng
Mang bệnh từ những ngày khoét núi ngủ hầm
Cái chết của anh Phan Văn Dũng, 35 tuổi, thôn Châu Lâm, xã Bình Trị (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vào ngày 27 tháng Chạp năm 2008 khiến những người cùng một thời làm vàng với anh hoảng loạn. Bởi, căn bệnh mà anh Dũng từng đi khám và điều trị ở các bệnh viện từ huyện đến tỉnh rồi vào TP.HCM hơn một năm nay cũng có rất nhiều người ở đây mắc phải.
Bãi vàng Đồng Giá (thôn Đông Tiễn, xã Bình Trị) |
Triệu chứng bệnh của anh Dũng cũng giống như hàng chục người khác tại các làng đào vàng thôn Vinh Đông, Châu Lâm, Vinh Nam thuộc xã Bình Trị đang mang trong người là khó thở, tức ngực, ho…
Theo thống kê chưa đầy đủ tại Trạm y tế xã Bình Trị: Đã có hơn 35 người nhập viện hoặc đang khám và điều trị hơn một năm nay tại trạm, với chẩn đoán là lao phổi, nhưng vẫn không khỏi.
Nhiều bệnh nhân lâm trọng bệnh có cùng chung triệu chứng đều được chuyển lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP Tam Kỳ) để điều trị gần một năm nay. Thế nhưng, bệnh vẫn không giảm, họ đành phải nhập viện trở lại trong những ngày sau Tết.
PV VietNamNet tìm về Bình Trị. Dường như, không khí u ám sau những cái chết thương tâm của những thanh niên làm vàng nơi đây vẫn còn bao trùm lên làng quê nghèo nơi chân núi Chóp Chài.
Người mẹ già nua của anh Dũng ngồi bất động trước bàn thờ nghi ngút khói hương và kể trong nước mắt: “Ở đây nhà ai cũng nghèo, ruộng đất cằn khô, mỗi năm một vụ nhờ vào nước trời. Cuộc sống khó khăn, nhưng nhờ có thằng Dũng đi làm vàng nên cũng đủ ăn. Chắt bóp tằn tiện cũng xây được căn nhà. Không ngờ, những đồng tiền làm vàng từ những năm trước bây giờ lại đánh đổi cái mạng của nó. Tôi tuổi già không biết mai đây nương tựa vào đâu…”.
Trong danh sách những người tử vong ở các làng đào đãi vàng ở xã Bình Trị, Bình Định Nam và Bình Định Bắc trong cuối năm 2007 và 2008, mà như lời kể lại của những người thân của họ là, tất cả đều có cùng chung một triệu chứng và tuổi đời rất trẻ khoảng chừng 20 đến 35.
Nhiều người ở Bình Trị đã mang bệnh sau những tháng ngày khoét núi, ngủ hầm tìm vàng |
Lê Văn Quang (30 tuổi), Đặng Văn Bình (31 tuổi), Lê Thanh
Anh Lê Văn Dũng, một chiến binh ở làng đào vàng Vinh Đông từng một thời đánh đá, nổ mìn dưới hầm sâu tại bãi đào vàng Đông Tiển, hiện đang nhập viện điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Anh nhớ lại cái thời khoét núi ngủ hầm: “Những năm trước, bãi đào vàng Đồng Giá, thôn Đông Tiển nhiều người trúng đậm, thế là anh em trong làng tui cùng nhau đi khoét núi tìm vàng. Những hầm vàng đào sâu xuống lòng đất khoảng 20m, rồi từ đó khoét sâu vào lòng núi hàng trăm mét để tìm quặng. Những ngày đó, do sức hút của vàng khiến anh em tụi tui không biết chi mệt mỏi".
Theo anh Dũng, từ dưới hầm sâu, thỉnh thoảng các anh lại ngoi lên để thở, rồi lại chui xuống, sống dưới hầm cả ngày lẫn đêm. Khi lên khỏi mặt đất, các anh chỉ thấy nhức mỏi hai bả vai và tức ngực, khó thở.
"Lúc đó, tụi tui cứ nghĩ chắc ở dưới hầm sâu thiếu khí nên tức ngực. Ai ngờ bây chừ lại mang bệnh vào thân, chữa hết thầy hết thuốc vẫn không khỏi…” - anh Dũng chán nản.
"Tưởng được vàng, ai ngờ..."
Kể từ khi có thông tin những người làm vàng ở Bình Trị lần lượt "ra đi" sau nhiều năm điều trị, hàng trăm người một thời cùng làm vàng tại bãi vàng Đồng Giá đã sống trong tâm trạng hoảng loạn.
Sáng ngày 10/2, chúng tôi trở lại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để tìm gặp anh Châu Minh Hạnh (sinh năm 1986, trú tại thôn Vinh Đông, xã Bình Trị), vừa mới nhập viện trở lại hôm 4/2 trong tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng.
Bệnh nhân Châu Minh Hạnh nhập viện trở lại sau hơn tám tháng điều trị vẫn không khỏi, phổi bị tổn thương đang trong tình trạng nguy kịch. |
Vẫn còn hoảng loạn, anh Hạnh kể: “Thấy anh em cùng làm vàng một thời lần lượt chết, khoảng tháng 5/2008, thấy trong người khó chịu, ho, nhức mỏi… nên tôi đã đến trạm xá xã khám thì phát hiện bị lao phổi và được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hơn 8 tháng nay. Nhưng bệnh vẫn không khỏi. Những ngày sau Tết, thấy người sốt, ho kéo dài, tức ngực nên gia đình đưa tôi nhập viện trở lại. Lo lắm, không biết điều trị có hết không hay là cũng giống như…” - câu chuyện anh Hạnh bỏ dở giữa chừng.
Không riêng gì anh Hạnh, những người cùng một thời làm vàng với anh cũng đang trở bệnh. Vừa mới nhập viện sáng ngày 6/2 còn có các anh Trương Văn Đào, Lê Văn Châu, Lê Văn Dũng, Đặng Tấn Hoa…
“Mấy năm trước thấy người ta trúng vàng giàu có nên ham. Thế là anh em tụi tôi liều mạng đào núi chui xuống hầm sâu sống cả tháng trời, khoan đá, nổ mìn để mong gặp vàng đổi đời. Nào ngờ, bây chừ mang bệnh vào người không biết sống chết thế nào…” - anh Lê Văn Dũng thở dài nói.
Các bệnh nhân từ làng vàng Bình Trị nhập viện trở lại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch vào sáng 9/2 |
Không riêng gì các bệnh nhân nặng vừa mới nhập viện mà ngay sáng ngày 9 và 10/2, có trên 30 người tại các làng đào vàng Bình Trị tìm đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để khám, và đang chờ kết quả.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, số bệnh nhân ở các làng đào vàng Bình Trị đã từng đến khám tại các bệnh viện từ huyện lên tỉnh trong dịp Tết lên đến trên 50 người, trong đó, có tám ca đã phải nhập viện trở lại có cùng chung triệu chứng tức ngực, khó thở, ho kéo dài.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đang điều trị cho các bệnh nhân ở làng đào vàng Bình Trị cho biết, qua các xét nghiệm, chụp phim, chụp scan kỹ thuật cao cho thấy phổi của các bệnh nhân này bị tổn thương và đã điều trị theo đúng phác đồ với kháng sinh liều cao trong một thời gian dài. Tuy nhiên, bệnh tình của họ vẫn không thuyên giảm, mà ngược lại ngày càng nặng hơn.
Theo nhận định của các ban ngành chức năng Quảng Nam vào sáng 10/2, các bệnh nhân trên không phải mắc bệnh lạ, mà đây là “bệnh phổi do ảnh hưởng của nghề nghiệp”, mặc dù chưa xác định rõ nguyên nhân là do hoá chất hay là vi sinh vật nào đó. Bởi, toàn bộ số người tử vong và đang mang bệnh đều có nhiều năm làm vàng dưới hầm sâu.
Để xác định chính xác nguyên nhân căn bệnh phổi này, cần phải có nghiên cứu, điều tra, khảo sát cũng như làm các xét nghiệm kỹ thuật cao cần thiết. Tuy nhiên, hiện tại, ở tỉnh Quảng Nam chưa có nơi nào đủ phương tiện cũng như con người cần thiết để làm các xét nghiệm này.
(Theo Vietnamnet)