(Tin Môi Trường) - Trong chiến lược phát triển du lịch Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đặt ra vấn đề cốt lõi là hướng đến “Du lịch Xanh” nhằm phát triển bền vững ngành “công nghiệp không khói” nơi đảo ngọc. Phú Quốc khoác chiếc áo du lịch xanh là để bảo vệ môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và những nét văn hóa riêng, đặc trưng của đảo không bị mất đi trước những tác động từ hoạt động du lịch.
Phú Quốc là đảo lớn nhất nước ta, diện tích 567 km² nằm trong vùng vịnh Thái Lan thuộc Việt Nam , với sự hội tụ của các yếu tố tự nhiên quan trọng như: chan hòa ánh nắng, biển xanh, bãi cát trắng và cát vàng, núi đồi trùng điệp phủ xanh cây rừng… Hệ thống 14 bãi biển đẹp trên đảo như: Bãi Sao, Bãi Dài, Bãi Trường, Bãi Vòng, Bãi Khem, Bãi Thơm… và nhiều bãi biển khác ở các đảo thuộc quần đảo An Thới là tiềm năng, lợi thế tài nguyên thiên nhiên vô giá của Phú Quốc. Môi trường tự nhiên nguyên sơ, đa dạng các hệ sinh thái, nhất là đa dạng sinh học biển, với thảm cỏ biển, rạn san hô, các loài sinh vật biển quý hiếm như trai ngọc, đồi mồi, rùa biển, cá heo, bò biển…
Cùng với đó, Vườn Quốc gia Phú Quốc, Khu bảo tồn biển Phú Quốc chiếm hơn 2/3 diện tích tự nhiên là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang, với các sinh cảnh rừng thường xanh, rừng tràm, rừng ngập mặn, rừng núi đá, san hô, cỏ biển… gần như còn vẹn nguyên vẻ hoang sơ, kỳ thú và hàng chục loài sinh vật quý hiếm được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Điều thú vị của Phú Quốc là trên đảo nhưng có 3 con sông chính gồm: Cửa Cạn, Dương Đông và Đầm Dài hết sức ấn tượng đối với du khách khi đến đảo. Ngoài ra, những giá trị văn hóa biển truyền thống như lễ hội nghề cá và các di tích lịch sử - văn hóa, các hoạt động văn hóa làng chài, bảo tàng cội nguồn Phú Quốc đặc trưng trên đảo… là những yếu tố hấp dẫn khách du lịch.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển khẳng định: Với những giá trị vốn có về môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, Phú Quốc rất thích hợp cho việc phát triển cụm, khu du lịch tập trung với nhiều loại hình đa dạng như: du lịch sinh thái, khoa học, lặn ngầm, tắm biển, thể thao giải trí, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, mạo hiểm, du ngoạn… Theo đó, Phú Quốc ngay từ bây giờ phải hướng đến, hành động du lịch xanh, xác định rõ những tiêu chí xanh cụ thể để phát triển du lịch bền vững ở Phú Quốc thời gian tới. Đừng đánh đổi môi trường xanh Phú Quốc bằng mọi giá sẽ dẫn đến hệ lụy “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” trong phát triển du lịch nơi đảo ngọc này.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế với chính sách kinh tế mở, du khách đến Phú Quốc hàng triệu lượt người mỗi năm, các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch ngày càng nhiều hơn đã đặt ra nhiều vấn đề gay gắt về môi trường ở đây. Ông Đinh Khoa Toàn - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho hay vấn đề cấp thiết đã nhìn thấy rõ là nguồn tài nguyên nước trên đảo trước nguy cơ thiếu hụt, việc xả rác của người dân và khách du lịch cũng như nhu cầu rất lớn về xử lý chất thải chưa được đầu tư đúng mức, ảnh hưởng môi trường, tác động bất lợi đến phát triển du lịch. Cùng với đó, các hoạt động du lịch, sinh kế của cư dân thiếu thân thiện với môi trường nếu không quản lý, kiểm soát chặt chẽ, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức sẽ làm cho môi trường rừng và biển bị suy thoái. Cho nên, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường ở Phú Quốc phải ưu tiên hàng đầu của địa phương, xem đây là một thành tố không tách rời của các hoạt động phát triển trên đảo và dưới biển, tạo tiền đề cho Phú Quốc phát triển du lịch xanh.
Theo Sở Du lịch Kiên Giang, bước đầu xây dựng Bộ tiêu chí du lịch xanh Phú Quốc với 5 tiêu chí gồm: Tạo du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; hỗ trợ năng lực cạnh tranh với phát triển bền vững; nâng cao nhận thức, thực hành về du lịch xanh; đầu tư nguồn nhân lực; bảo tồn, nâng cao các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Trần Chí Dũng nhấn mạnh: Giải pháp quan trọng hàng đầu của ngành du lịch Kiên Giang là phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện, giảm thiểu tác động đến môi trường. Những sản phẩm này chất lượng, đặc sắc, đa dạng, đồng bộ có giá trị tăng cao sẽ được xây dựng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của du khách. Tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và sinh thái, chú trọng những sản phẩm du lịch xanh tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương. Xây dựng Nhãn Du lịch Xanh cấp cho các khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành… đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ngành du lịch Kiên Giang đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn ngành, tăng cường kiểm tra, giám sát để duy trì chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển du lịch Phú Quốc bền vững.
Hiện tại, du lịch xanh bước đầu triển khai thực hiện trên đảo Phú Quốc, áp dụng trong hệ thống khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã có các giải pháp bảo vệ môi trường về xử lý nước thải tránh ô nhiễm, thu gom rác thải, giảm tiếng ồn, hạn chế sử dụng túi ni lông, trồng cây xanh, hướng dẫn du khách tham gia những hoạt động bảo vệ môi trường… Điển hình như Công ty cổ phần Sài Gòn - Phú Quốc, vận hành một khu du lịch 4 sao và 1 trung tâm lữ hành quốc tế đã chủ động hội nhập sâu về tiêu chuẩn chất lượng quốc gia gồm các tiêu chí về môi trường qua việc áp dụng ISO 14001:2004 về môi trường, ISO 9001:2008 về quản lý chất lượng, bộ tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn 4 sao của Tổng cục Du lịch.
Ông Phạm Xuân Hải - Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn - Phú Quốc cho biết: Việc áp dụng ISO 14001:2004 về môi trường đã giúp Sài Gòn - Phú Quốc phát triển theo tiêu chuẩn xanh. Công ty đã đầu tư thiết lập hệ thống xử lý nước thải loại A công suất 150 m³/ngày đủ để tưới 4 ha cây, thảm cỏ hàng ngày trong khuôn viên. Cùng với đó, thực hiện giám sát môi trường định kỳ hàng quý như: đo không khí, kiểm nghiệm nước thải và nước ngầm, giám sát nước biển ven bờ. Lưu trữ chất thải nguy hại trong kho riêng biệt và hợp đồng với Công ty TNHH xử lý Môi trường Thành Lập xử lý. Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và hợp đồng với đơn vị chức năng vận chuyển, xử lý hành ngày. Sài Gòn - Phú Quốc tích cực hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh và vận động, hướng dẫn du khách tham gia bảo vệ môi trường biển đảo Phú Quốc.
Để du lịch Phú Quốc mãi mãi xanh, phát triển bền vững, nhiều nhà khoa học, chuyên gia về môi trường và lĩnh vực du lịch, khuyến cáo tỉnh Kiên Giang cần rà soát lại chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch Phú Quốc dựa trên các yếu tố xanh, tiêu chí xanh phù hợp gắn với tính đến các kịch bản rủi ro, tác động bất lợi về môi trường tự nhiên và sinh kế dân sinh. Phát triển du lịch xanh Phú Quốc gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường. Các dự án phát triển du lịch phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về môi trường.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp đồng bộ quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên trên đảo, dưới biển để bảo toàn chức năng sinh thái và vốn tài nguyên tự nhiên cho phát triển du lịch Phú Quốc bền vững. Đa dạng hóa các loại hình du lịch biển đảo trên cơ sở khai thác các giá trị chức năng của hệ sinh thái trên đảo, biển và ven biển chất lượng, bền vững. Cụ thể là xây dựng các làng văn hóa nghề cá, làng chài gắn với các hoạt động dịch vụ có kiểm soát như: câu cá, câu mực và đánh cá giải trí; du lịch lặn, ngắm xem, thưởng ngoạn hệ sinh thái dưới biển. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho du khách, trong cộng đồng ven biển về du lịch xanh, tạo cơ hội cho cư dân tham gia các hoạt động du lịch biển, cải thiện sinh kế, nhằm giảm thiểu các hành vi gây tổn hại và ứng xử có văn hóa, thân thiện đối với môi trường, tài nguyên thiên nhiên. “Khi đắm mình trong thiên nhiên bao la và kỳ ảo của đảo - biển xanh cũng là lúc người ta cảm nhận trực tiếp và sâu sắc nhất giá trị thiên nhiên biển đối với đời sống con người và nền văn minh của quốc gia. Khi biển mất đi vẻ đẹp riêng, hoang sơ, tính đa dạng; khi chất lượng môi trường biển xuống cấp và những nét văn hóa riêng ở các vùng ven biển bị xâm hại hoặc mất dần thì kinh tế du lịch bị giảm sút, thiếu bền vững và ảnh hưởng tới quyền được hưởng thụ du lịch của các thế hệ con cháu mai sau.”, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi chia sẻ.