Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Tiền Giang: Gần 430 tỷ đồng hoàn thiện giao thông vùng bị ảnh hưởng lũ lụt
(08:47:06 AM 20/10/2016)
(Tin Môi Trường) - Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, địa phương đã đầu tư trên 426 tỷ đồng nâng cấp các công trình giao thông trong vùng bị ảnh hưởng lũ lụt và triều cường gồm: thượng lưu sông Tiền ở phía Tây, vùng Đồng Tháp Mười và vùng ảnh hưởng bão tố ven biển Gò Công.
Ảnh: TL
Trong đó, riêng đầu tư các công trình giao thông trọng điểm là trên 410 tỷ đồng, còn lại kinh phí duy tu, sửa chữa đảm bảo giao thông khoảng 16,7 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, địa phương đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 cầu trên đường tỉnh 867 trong vùng Đồng Tháp Mười; 1 cầu trên đường tỉnh 872 và 1 cầu trên đường tỉnh 871 B trong vùng duyên hải Gò Công, bắc mới 2 cầu trên đường tỉnh 868 phục vụ vùng ngập lũ phía Tây…Đáng chú ý, Đoạn Quản lý Giao thông tỉnh Tiền Giang tập trung phương tiện, nhân lực duy tu, sửa chữa kịp thời 30 tuyến đường giao thông trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn giao thông, sẵn sàng ứng cứu phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra trong mùa mưa lũ 2016.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu địa phương rà soát, kiểm tra hiện trạng mạng lưới giao thông, hệ thống đê bao ngăn mặn ở các huyện, thị xã phía Đông tiếp giáp với biển Đông. Các tuyến đê bao và cống đập ngăn lũ, triều cường bảo vệ các vùng trồng cây ăn quả chuyên canh địa bàn ngập lũ phía Tây, vùng Đồng Tháp Mười. Mạng lưới giao thông phải đảm bảo lưu thông thông suốt, công trình ngăn mặn, ngăn lũ và triều cường phát huy tốt vai trò phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiệu quả, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.
Ngoài ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp trong tỉnh quán triệt phương châm phòng chống thiên tai “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tai chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) trong mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao khả năng ứng phó thiên tai trên địa bàn.