(Tin Môi Trường) - Đó là khuyến cáo của Viện trưởng Viện Hải dương học, PGS Võ Sỹ Tuấn với Ninh Thuận khi ông coi bảo tồn thiên nhiên là một lợi thế của Ninh Thuận.
PGS Võ Sỹ Tuấn: "Ninh Thuận rất may mắn khi có rạn san hô lớn nhất Việt Nam"
Chiều 8-10, đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dẫn đầu đã làm việc với Ban Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận.
Phát biểu tại cuộc họp, PGS Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương, đã nhận định, Ninh Thuận rất may mắn khi coi bảo tồn thiên nhiên là một thế mạnh. PGS Tuấn là người có hơn 20 năm gắn bó với Ninh Thuận, ông vui mừng vì thấy Ninh Thuận phát triển và khẳng định ông rất hiểu thiên nhiên, đặc biệt là biển Ninh Thuận.
“Tài nguyên quan trọng của Ninh Thuận là rạn san hô, trong đó đặc biệt là rạn san hô kéo dài 40 km từ vùng Ninh Hải đến Ninh Chữ với hơn 3.200 ha, chưa kể san hô ở Sơn Hải và Cà Ná. Đó là vùng san hô lớn nhất Việt Nam” - PGS Tuấn cho biết.
Cũng theo PGS Tuấn, hiện tượng nước biển dâng do nhiệt độ tăng cao trên toàn thế giới là một thực tế nhưng Bình Thuận và Ninh Thuận rất may mắn vì khu vực này có hiện tượng “nước trồi” làm cho nhiệt độ nước biển vào mùa nóng cũng không tăng cao. Điều này sẽ có tác dụng tốt cho cả khu vực biển Đông.
PGS Tuấn khẳng định Ninh Thuận bảo tồn được rạn san hô thì không chỉ có lợi cho Ninh Thuận, cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới. Vì vậy, ý nghĩa về đa dạng sinh học biển và ý nghĩa của rạn san hô ở Ninh Thuận là rất lớn.
“Còn san hô thì ngư dân còn được lợi. Khi đó Ninh Thuận có thể phát triển “cá nhái xanh”, rong chân vịt, rong hồng vân… thành thương hiệu của tỉnh. Ngoài ra, giữ được vùng san hô còn là giữ được vùng sản xuất tôm giống, nguồn đem lại nguồn lợi lớn cho tỉnh và khu vực nuôi tôm miền nam” - PGS Tuấn phân tích.
Ý kiến của PGS Tuấn về việc giữ rạn san hô và môi trường biển để phát triển du lịch cũng được bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đồng tình.
Bà Hoa khuyến nghị Ninh Thuận nên đưa du lịch trở thành công nghiệp không khói. Từ hiện trạng du lịch của bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế cho thấy vì lý do môi trường nên hiện giờ không phát triển du lịch được.
Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Bà Hoa kể lại: “Mới tuần trước chúng tôi đi công tác vào Quảng Bình. Nhà nghỉ, khách sạn không có khách. Cả một khách sạn lớn nhưng chỉ có ba người trong đoàn công tác chúng tôi ở”.
Phát biểu trực tiếp tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh báo cáo với Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác rằng: “Năm nay, chỉ tiêu tỉnh Ninh Thuận đặt ra là thu được 2.000 tỉ đồng, hiện đã thu được 1.400 tỉ đồng. Có thể từ nay đến cuối năm Ninh Thuận sẽ không thu đủ 2.000 tỉ đồng mà chỉ nỗ lực làm tốt nhất có thể”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tỉnh Ninh Thuận đặt hàng PGS Võ Sỹ Tuấn và Viện Hải dương học một đề án bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn san hô để phát triển du lịch và giống hải sản. Đồng thời, ông Nhân cũng khuyến nghị Ninh Thuận học tập kinh nghiệm của Nhật Bản để trồng tảo vì từ những năm 1980, Ninh Thuận đã là nơi được nghiên cứu trồng tảo.