(Tin Môi Trường) - Ngày 3/10, tại Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước, Uỷ ban sông Mê Kông, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, một số đơn vị trong nước và quốc tế tổ chức hội thảo và triển lãm quốc tế lần thứ V với chủ đề "Quản lý nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia: Từ chính sách đến thực tiễn".
Mục đích của chương trình này tập trung chia sẻ và thảo luận những vấn đề an ninh nguồn nước xuyên biên giới và biến đổi khí hậu; quy hoạch, quan trắc và điều tra tài nguyên nước; quản lý nước xuyên biên giới: chính sách và quản lý; mối quan hệ nước, năng lượng, thực phẩm và sức khoẻ; cung cấp và xử lý nước; các giá trị văn hoá, xã hội của nguồn nước.
Toàn cảnh hội thảo -Ảnh: Monre
Bên cạnh đó, Triển lãm "Nước và Trường Sa" với 100 bức ảnh được trưng bày, 20 gian hàng triển lãm với các thiết bị, công nghệ liên quan đến vấn đề an toàn nguồn nước. Chương trình“Gom nước, vững bước Trường Sa” do Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục chính trị Quân chủng Hải quân và các đơn vị liên quan cũng đã được phát động trong khuôn khổ hội thảo và triển lãm này.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người trên hành tinh. Việc đáp ứng nhu cầu về nước đảm bảo cả về chất lượng và số lượng là một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Nhưng trên thực tế việc bảo đảm cấp nước đáp ứng về chất lượng cho toàn bộ dân số toàn cầu và bảo tồn các hệ sinh thái vẫn là một mục tiêu khó đạt tới. Do biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa, do các đặc điểm về địa hình và sông ngòi...nên hiện nay nhiều nơi trên trái đất đã thường xuyên không có đủ nước để đáp ứng nhu cầu.
Là quốc gia nằm ở hạ lưu các lưu vực sông lớn, nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng như: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia. Tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số và chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua, dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, đồng thời cũng nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các ngành sử dụng nước.
Tiến sỹ Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Vấn đề nước tại Việt Nam gặp rất nhiều thách thức như cạnh tranh, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước gây mất an ninh nguồn nước; biến đổi lòng dẫn trên hệ thống sông; những dự án chuyển nước chưa theo quy hoạch...Những thách thức này đã và đang gây khó khăn trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước của Việt Nam.
Ông Giancarlo Maria Pedrini (đại diện Italya) cho biết: "Chúng tôi đang triển khai hệ thống giám sát thời gian thực cho việc cải thiện quản lý nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Dự án này nhằm mục đích quản lý nguồn nước tại đây đạt hiệu quả và tiếp tục được phối hợp với Việt Nam để thực hiện dự án này".
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đến từ các quốc gia cũng chia sẻ những vấn đề liên quan. Đó là hệ thống hỗ trợ quyết định cho quy hoạch lưu vực sông, nghiên cứu cụ thể cho lưu vực sông Shire (Đan Mạch); "Nước 4.0"- Các cuộc cách mạng kỹ thuật số trong quản lý nước bền vững (Đức); hệ thống quan trắc, cảnh báo tài nguyên nước của Slovakia (Slovakia)... Đồng thời cũng đề cập đến những thuận lợi, khó khăn khi triển khai các dự án liên quan đến vấn đề nước tại Việt Nam.
Để chủ động và ứng phó với các kịch bản về nguồn nước ở hiện tại và tương lại, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về tài nguyên nước; xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước; triển khai quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước và quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn...Thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế và đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo.