Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những chính sách về TN&MT bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/2016

(22:39:30 PM 03/10/2016)
(Tin Môi Trường) - Trong tháng 10/2016, một loạt các văn bản pháp luật mới liên quan đến ngành Tài nguyên và Môi trường bắt đầu có hiệu lực như: Nghị định về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu; Thông tư quy định việc xác định, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Thông tư về về báo cáo công tác bảo vệ môi trường; Thông tư quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

 Những chính sách về TN&MT bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/2016

Ảnh minh hoạ: IE

 

Phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu
 
Theo Nghị định số 119/2016/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, các dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng ven biển thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về đất đai. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2016.
 
Theo Nghị định, các địa phương rà soát, chuyển đổi những diện tích đất ven biển quy hoạch trồng rừng sản xuất hoặc thuộc các loại đất khác mà đang bị xói lở hoặc bị ảnh hưởng của cát bay, cát di động nghiêm trọng, để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển.
 
Ngoài ra, các địa phương tổ chức rà soát, chuyển các công trình xây dựng có ảnh hưởng hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng ven biển ra khỏi khu vực quy hoạch rừng phòng hộ ven biển xung yếu và rất xung yếu, hành lang bảo vệ bờ biển. Đối với diện tích đất quy hoạch để bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhưng người sử dụng đất tự ý chuyển đổi sai mục đích và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm thì Nhà nước thu hồi đất.
 
Trong trường hợp khu rừng ven biển đã giao cho hộ gia đình, tổ chức kinh tế nhưng có tầm quan trọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thì nhà nước xem xét thu hồi, mua lại hoặc bồi thường giá trị tài sản mà hộ gia đình, tổ chức đó đã đầu tư theo quy định của pháp luật để quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển.
 
Từ cấp xã phải báo cáo công tác bảo vệ môi trường
 
Theo Thông tư số 19/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về về báo cáo công tác bảo vệ môi trường, việc lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường được triển khai từ cấp xã. Cụ thể, từ ngày 10/10/2016, UBND cấp xã báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Uỷ ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường, trước ngày 15/12 hàng năm.
 
Cũng theo Thông tư, nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Uỷ ban nhân dân các cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm những nội dung sau: Hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường và các vấn đề môi trường; Tình hình và kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường; Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường trong năm tới; Đề xuất, kiến nghị.
 
Trong đó, hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường và các vấn đề môi trường, bao gồm: hiện trạng và diễn biến các thành phần môi trường; khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường; cơ sở có nguồn thải lớn; cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tình hình phát sinh chất thải; các vấn đề môi trường chính.
 
Tình hình và kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường, bao gồm: tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nguồn lực bảo vệ môi trường; xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước và hoạt động bảo vệ môi trường (tổ chức thực hiện các công cụ, biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu lên môi trường; xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; thực hiện dự án xử lý chất thải, cải tạo và phục hồi các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; thực hiện các chương trình bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tuyên truyền, giáo dục về môi trường; quan trắc, thông tin và báo cáo về môi trường; các hoạt động bảo vệ môi trường khác); đánh giá chung về kết quả, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; tình hình thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường quy định tại Điều 141, Điều 143 và trong các Điều, Khoản khác của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành;
 
Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường trong năm tới, bao gồm: định hướng các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chính;
 
Công dân có quyền được cung cấp dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, đảo
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 20/2016/TT-BTNMT quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/10.
 
Theo đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải đảm bảo nguyên tắc phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
 
Cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn thông tin, lưu trữ lâu dài, bảo vệ bí mật nhà nước; bảo đảm thuận tiện cho khai thác và sử dụng, tạo thuận lợi cho các hoạt động trên môi trường mạng.
 
Việc thu thập dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành và phải tuân thủ đúng các quy định, quy trình, quy phạm, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
 
Cũng theo thông tư này, tổ chức, cá nhân được quyền khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, hải đảo thông qua hình thức: Mạng điện tử; hợp đồng; phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu cung cấp dữ liệu.
 
Quy định mới về việc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt
 
Từ ngày 25/10/2016, Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định việc xác định, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt bắt đầu có hiệu lực.
 
Theo Thông tư, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoat được xác định trên nguyên tắc: Đảm bảo ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt và các chức năng khác của nguồn nước; Phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, địa chất thuỷ văn, chế độ dòng chảy, đặc điểm nguồn nước, quy mô khai thác, sơ đồ bố trí công trình và các đặc điểm khác liên quan đến việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt; Phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt.
 
Công trình khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt hoặc cấp nước cho nhiều mục đích, trong đó có cấp nước cho sinh hoạt phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, bao gồm: Công trình khai thác nước mặt với quy mô trên 100 m3/ngày, đêm và công trình khai thác nước dưới đất với quy mô trên 10 m3/ngày, đêm.
 
Với việc khai thác nước mặt, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh của các công trình khai thác trên sông, suối, kênh, rạch để cấp cho sinh hoạt bao gồm phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch mà công trình đó khai thác và vùng thượng lưu, hạ lưu tính từ vị trí khai thác nước của công trình.
Nguồn: Bộ TN&MT