(Tin Môi Trường) - Ý tưởng tour du lịch Formosa của Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) đưa ra gây xôn xao dư luận. Nhiều chuyên gia và bạn đọc phản ứng gay gắt cho rằng ý tưởng này rất phản cảm...
Cá chết dạt vào bờ biển xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) sáng 4-5 - Ảnh: Nguyệt Anh
Theo đó, tour sẽ đi qua các điểm du lịch ở duyên hải miền Trung. Tại đây, du khách sẽ được chứng kiến mối tình cá - thép và sự chung sống hài hòa của họ để cuối cùng cá - thép tái sinh và “hóa rồng”.
Đại diện nhóm đề xuất ý tưởng cho biết đây là hướng đi khác biệt nhằm giúp người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường Formosa có việc làm, nguồn thu từ du lịch.
Ngỡ như đọc truyện cười...
Anh Tuấn Dũng (TP.HCM) bức xúc: “Ông bà ta có truyện cá chép hóa rồng, nay lại nghe cá - thép hóa rồng cảm thấy thật vô duyên. Không thể hiểu nổi ý nghĩa của từng điểm đến trong tour này”.
Bạn đọc Tongson cho rằng “Nhắc đến tên Formosa thì mọi người đều “dị ứng” với việc đơn vị này xả thải hủy hoại môi trường biển bốn tỉnh ven biển miền Trung. Nay lại mang tên đó vào tour du lịch thì thật không phù hợp”.
Trên mạng xã hội, hàng ngàn người dùng đã bình luận và chia sẻ thông tin về ý tưởng “tour du lịch Formosa” kèm theo những nhận xét: thiếu thực tế, quái lạ, phản cảm… thậm chí có người còn cho rằng đây là một ý tưởng điên rồ.
Người dùng Facebook tên Kiều Anh chia sẻ trên trang cá nhân: “Chuyện tình nàng cá và chàng thép nghe không thuận tai gì cả. Làm tour du lịch kiểu này như đang cười trên nỗi khổ của đồng bào chịu ảnh hưởng vì cá chết tại khu vực ven biển miền Trung vậy”.
Chắc chắn là không nên?
Nhiều chuyên gia cho rằng “tour du lịch Formosa” mang những thông điệp ngược, gây sự ngộ nhận vấn đề môi trường đã được giải quyết rồi. Vấn đề quan trọng hàng đầu là khắc phục vấn nạn môi trường phải đặt lợi ích của người dân lên trên.
Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, tiến sĩ Nguyễn Nhã lo ngại: “Không biết vô tình hay cố ý nhưng đề xuất này gần như đã quảng cáo cho Formosa, xóa bỏ hình ảnh một doanh nghiệp từng gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển Việt Nam”.
Ông Nhã cho rằng “Formosa” vẫn nên được nhớ đến như là một bài học của chúng ta về thái độ và cách ứng xử với môi trường thiên nhiên hơn là tên của một tour du lịch với nhiều điểm đến nhằm mang tới trải nghiệm thú vị cho du khách.
Một người dân chìa ra con cá chết ông nhặt được trên bờ biển ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Dailymail
Nếu có chỉ nên làm tour khám phá làng nghề ngư dân
Một chuyên gia về du lịch cho biết về lý thuyết, người ta có thể khai thác các thảm họa để làm du lịch nhưng áp lý thuyết ấy vào khủng hoảng môi trường ở ven biển miền Trung là không phù hợp.
Chuyên gia dẫn chứng: “Ở một số nước từ những vụ động đất hay tai nạn, người ta có thể giữ nguyên hiện trạng đó, tái sử dụng công trình đã hư hỏng vào việc khác rồi xây dựng thêm các kiến trúc, cảnh quan xung quanh khu vực ấy để hình thành một điểm du lịch mới lạ nhưng ở ven biển miền Trung thì khác hoàn toàn về mặt bản chất”.
Vị này cho biết thêm hình thức du lịch đi thăm các nhà máy, công trường vẫn phổ biến ở thế giới nhưng tại VN thì mới có các tour đi nhà máy lọc dầu Dung Quất hoặc thủy điện Hòa Bình để du khách được tận mắt nhìn thấy khả năng chinh phục thiên nhiên của con người. Tuy nhiên, với Fomorsa thì chưa có gì gọi là thành tựu lớn để du khách đến và thán phục.
“Đề xuất này đúng là rất mới mẻ nhưng nghĩ là một chuyện, khi triển khai một sản phẩm mới lại là chuyện khác. Tôi cho rằng còn nhiều cách khác tốt hơn để phát triển du lịch vùng này như có thể làm tour khám phá làng nghề, trải nghiệm một ngày làm ngư dân... Như vậy sẽ tạo điều kiện cho người dân vừa sản xuất vừa tham gia hoạt động du lịch”, chuyên gia này nhận định.
“Học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài là tốt nhưng học thì phải học tới nơi tới chốn, không được nửa vời. Ở các nước người ta chỉ làm “du lịch thảm họa” với điều kiện là toàn bộ cuộc sống đã được phục hồi”, một chuyên gia nhấn mạnh.