Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đâu đâu dân cũng than về môi trường

(10:35:59 AM 30/09/2016)
(Tin Môi Trường) - Chiều 29-9, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) Hoàng Dương Tùng cho biết như vậy khi trình bày báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015.


 Đâu đâu dân cũng than về môi trường
 

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết vấn đề môi trường vừa qua được nhắc tới rất nhiều, ở đâu người dân cũng nói về môi trường
 
Chỉ từ 3-5% cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung
 
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân, thực trạng và công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập, tồn tại.
 
“Vấn đề môi trường đang đứng trước nhiều vấn đề cấp bách cần tập trung giải quyết. Việc khai thác tài nguyên, khai thác khoáng sản thiếu chặt chẽ đã làm gia tăng điểm nóng về môi trường. Đặc biệt mới đây, dù không nằm trong phạm vi đề cập của báo cáo giai đoạn 2011-2015 nhưng sự cố môi trường lớn ở 4 tỉnh miền Trung diễn ra trên diện rộng đã gây hậu quả lớn về môi trường” - ông Nhân cho hay.
 
“Câu hỏi đặt ra hôm nay chúng ta cần làm gì? Trả lời cho câu hỏi này thì đã được bàn ở nhiều hội nghị, diễn đàn, nhưng quan trọng là chúng ta phải chủ động khắc phục ngay những bất cập, xử lý ngay những vấn đề môi trường cấp bách và dứt khoát trong phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường” - ông Nhân nói.
 
Trình bày báo cáo môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, ông Hoàng Dương Tùng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, khẳng định các hoạt động phát triển công nghiệp đã gây lên sức ép ghê gớm tới môi trường.
 
Theo báo cáo, tính đến hết năm 2015 cả nước có 283 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong tổng số 283 khu công nghiệp đang hoạt động mới có 212 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, 24 khu công nghiệp đang xây dựng, còn các khu công nghiệp còn lại mới có lộ trình thực hiện.
 
“Các khu công nghiệp, khu kinh tế góp phần vào phát triển kinh tế nhưng cũng có nhiều chỗ đáng buồn. Cả nước ta có gần 900 cụm công nghiệp, điều đáng buồn là số cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung rất ít, chỉ từ 3-5%”.
 
Theo ông Tùng, ngay các làng nghề như tái chế giấy, kim loại, nhựa cũng gây ô nhiễm rất lớn.
 
“Hiện chúng ta có 40 nhà máy nhiệt điện của cả nước, đây cũng là nơi gây sức ép lên môi trường vì công nghệ của các nhà máy nhiệt điện không lấy gì làm tốt lắm” - ông Tùng nói.
 
Giờ ở đâu người dân cũng nói về môi trường
 
Đề cập đến thực trạng môi trường nước, ông Hoàng Dương Tùng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nói “chúng ta cứ nghĩ là nước ta giàu tài nguyên nước, tuy nhiên, theo Cơ quan quản lý tài nguyên nước, chúng ta không giàu tài nguyên nước đâu. Có tới hơn 60% nguồn nước ở Việt Nam được chảy vào từ nước ngoài. Còn thực trạng nhiều sông ngòi ô nhiễm. Nguồn nước ở các thượng nguồn sông thì tốt, nhưng nguồn nước ở hạ lưu hoặc gần vùng doanh nghiệp sản xuất thì ô nhiễm rất nhiều”.
 
“Thực tế cho thấy nơi nào kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải thì chất lượng nguồn nước được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lưu vực sông vẫn để nguồn nước ô nhiễm từ đô thị, từ làng nghề thải vào. Ví như sông Nhuệ, có nhiều đoạn nước ô nhiễm tới mức chúng tôi không nghĩ đó là sông” -ông Tùng nói tiếp.
 
Với nguồn nước biển ở ven bờ, ông Tùng cho biết trong giai đoạn 2011-2015, có thể khẳng định chưa có hiện tượng ô nhiễm nào đáng kể.
 
“Ngoại trừ sang năm 2016, dù không nằm trong phạm vi đề cập của báo cáo môi trường giai đoạn 2011-2015 nhưng chúng tôi vẫn nêu sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung là vấn đề nổi cộm, đây là thách thức của giai đoạn tới” - ông Tùng nói.
 
Theo ông Tùng, sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra đã khiến người dân không ai dám ăn cá.
 
“Cá biển chết hàng loạt, ảnh hưởng từ sự cố này rất nặng nề, ảnh hưởng đến du lịch. Mấy năm trước bãi biển đẹp từ Hà Tĩnh tới Quảng Bình rất đông khách du lịch. Năm nay khách đến các bãi tắm rất vắng. Chúng tôi cũng đi tới các bãi tắm này và thấy rất vắng, rất là buồn” - ông Tùng nói.
 
Trước thực trạng môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước, lãnh đạo Tổng cục Môi trường thừa nhận trong công tác bảo vệ môi trường vẫn còn lúng túng, đặc biệt là khâu thực thi chưa hiệu quả.
 
“Đặc biệt là phần thực thi, dù có nghị định, có thông tư nhưng thực nghị định nhưng thực thi chưa tốt. Nhận thức của các cấp và sự tự giác của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường còn là vấn đề. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải còn kẽ hở, còn hiện tượng xả thải thẳng ra môi trường” - ông Từng thừa nhận.
 
Theo ông Tùng, trong giai đoạn 2011-2015 vấn đề môi trường phải khẳng định là chưa thể hài lòng, còn nhiều việc phải làm.
 
“Đó là thực trạng nhiễm môi trường liên tục gia tăng. Dù chúng ta khẳng định không thể hi sinh môi trường để phát triển kinh tế, tuy nhiên bây giờ ở đâu người dân cũng nói về môi trường” - ông Túng nói.
 
“Một nội dung cực kỳ quan trọng là vấn đề nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong giai đoạn vừa qua. Có thể nói vừa qua báo chí nhắc rất nhiều về vấn đề môi trường. Đây cũng là sự thúc ép với nhà quản lý, doanh nghiệp trách nhiệm hơn với vấn đề bảo vệ môi trường. Báo chí, Facebook tham gia bảo vệ môi trường rất nhiều” - ông Tùng nói tiếp.
 
Trả lời câu hỏi năm năm tới phải làm những gì?, ông Tùng khẳng định “giai đoạn vừa qua lần đầu tiên Ban chấp hành trung ương có nghị quyết thể hiện quan điểm về bảo vệ môi trường. Rồi chỉ thị của Thủ tướng nêu ra các nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường. Giờ phải thực hiện các nhiệm vụ cấp bách như chỉ thị Thủ tướng nêu”.
 
Tuy nhiên, theo ông Tùng, ngoài các giải pháp về hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, trong giai đoạn tới phải thực thi các giải pháp quản lý bằng công nghệ.
 
“Đó là sử dụng hiệu quả các công cụ bảo vệ môi trường trong tình hình mới, quan trắc online để phát hiện kịp thời các nguồn thải. Ngoài ra, phải rà soát, xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường theo hướng hội nhập quốc tế. Phải theo đúng quan điểm cương quyết không lùi về môi trường” - ông Tùng khẳng định.
Theo TTO