(Tin Môi Trường) - Sau nhiều cơn mưa “khủng” gây ngập tại TP.HCM khiến người dân trở tay không kịp, nhiều người đặt vấn đề sao không dự báo thời tiết chính xác theo từng giờ?
Cơn mưa lớn chiều 26-9 khiến đường Trường Sơn (Q.Tân Bình, TP.HCM) bị ngập nặng. Người dân mong sớm được dự báo mưa chính xác để có phương án “tự cứu” - Ảnh: HỮU KHOA
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Thanh Hải - phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết việc dự báo thời tiết trước từng giờ cần một vài năm nữa mới triển khai được vì cần rất nhiều thiết bị và nhân lực.
Chỉ mới có bản tin cảnh báo dông, lốc
Ông Hải cho biết hiện nay ngành khí tượng mới cung cấp bản tin dạng cảnh báo dông lốc. Trường hợp trước khi có dông từ nửa tiếng đến ba tiếng, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (ĐKTTVKVNB) cũng đưa ra cảnh báo đó trên trang web, liên hệ với kênh phát thanh giao thông, truyền hình TP.HCM để thông báo cho người dân.
Tuy nhiên, với dự báo có hạn cực ngắn các hiện tượng thời tiết xảy ra theo thời gian từ 0-12 giờ tới, hiện nay TP.HCM đang xây dựng dự án với tiền hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) để có những mô hình phân giải cao
dùng cho dự báo.
Theo ông Hải, để triển khai dự báo ngắn thì phải liên tục cập nhật và ra bản tin dự báo. Ví dụ từ 10g sáng sẽ phát tin dự báo từ 10g - 17g (sáu tiếng liền) thì đến 11g lại phải làm tiếp dự báo gối đầu. Do đó, cần rất nhiều nhân lực bên cạnh hệ thống quan trắc, mô hình dự báo phân giải cao...
“Dự báo định lượng (mưa đến bao nhiêu milimet) đối với vùng nhiệt đới rất khó khăn, cần phải đầu tư thêm các rađa phân giải cao. Nếu thỏa mãn tất cả điều kiện về thiết bị, công nghệ thì dự báo cực ngắn vẫn có thể định lượng được 2-3 giờ tới mưa bao nhiêu milimet/giờ, độ chính xác có thể đến 90% với thời hạn dự báo trước ba tiếng, sáu
tiếng” - ông Hải nói.
Ông Hải giải thích thêm việc dự báo cực ngắn phải thực hiện liên tục cả một hệ thống từ dữ liệu quan trắc đến lúc ra bản tin dự báo và ngày nào cũng làm 24/24 giờ, thậm chí dự báo từng giờ một.
Hiện nay ở Hà Nội và TP.HCM chưa thực hiện được như vậy mà mới chỉ cảnh báo các cơn dông theo cách: khi phát hiện một cơn dông thì thông báo mấy tiếng nữa mưa có thể xuất hiện ở quận nào và có thể ngập úng ở chỗ nào bao nhiêu centimet, nhưng chưa định lượng được mưa cụ thể đến bao nhiêu milimet.
Khó dự báo chính xác về lượng mưa
Liên quan đến việc này, ông Lê Đình Quyết - phó trưởng phòng dự báo ĐKTTVKVNB - cho biết hiện đài này thực hiện bản tin dự báo thời tiết ở khu vực Nam bộ cũng như TP.HCM gồm có dự báo 24 giờ, 48 giờ, nhận định xu thế thời tiết có thể xảy ra trong vài ngày, dự báo 10 ngày...
Một số bản tin được gửi cho bản tin VOV giao thông, Đài truyền hình TP, đăng trên trang web của ĐKTTVKVNB: www.kttv-nb.org.vn. Đối với những bản tin thời tiết nguy hiểm (áp thấp, bão), tin cảnh báo dông sét (mưa, dông)... còn được gửi tới Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, Đài truyền hình VN...
Ông Quyết nhìn nhận mưa là yếu tố khí tượng biến động theo không gian, thời gian nên khó khăn để dự báo chính xác về lượng. Mặc dù vậy, ĐKTTVKVNB vẫn xây dựng các bản tin cực ngắn (nowcasting) cảnh báo mưa dông trước vài giờ để đăng lên trang web và gửi một số đơn vị như trên. Các bản tin được thực hiện dưới dạng “bản tin theo dõi và cảnh báo dông sét”.
Ông Quyết dẫn dụ: trong các ngày 26 đến 28-9, ĐKTTVKVNB liên tục phát những bản tin như bản tin (số 1) phát lúc 15g24 ngày 27-9 với nội dung: “Hiện nay vùng mây đối lưu đang phát triển nhiều nơi trên khu vực Nam bộ. Cảnh báo: mưa, dông đang xảy ra và tiếp tục lan rộng..., TP.HCM có mưa lượng từ 20 - 40mm”. Khoảng một giờ rưỡi sau đó tiếp tục có bản tin số 2 với nội dung: “Mưa, dông đang xảy ra và tiếp tục lan rộng ở Đồng Nai, Bình Dương... Khoảng 40 phút tới tại TP.HCM có thể sẽ mưa rất to với lượng 60 - 80mm”.
Trong khi đó, theo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP, lượng mưa tối 27-9 (từ 17g45 - 20g45) lớn nhất là 95,3mm (trạm Thủ Đức)...
Nhận định về tính chính xác của các bản tin nói trên, ông Quyết cho rằng có những bản tin độ chính xác khoảng 80%, nhưng có những bản tin độ chính xác ít hơn...
Vay vốn để mua hàng loạt thiết bị dự báo
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, vừa qua UBND TP đã phê duyệt dự án đầu tư quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP từ vốn vay của WB với tổng vốn đầu tư hơn 9.500 tỉ đồng.
Trong đó có hạng mục trang bị một loạt thiết bị dự báo như lắp đặt 5 trạm khí tượng, 1 trạm rađa thời tiết, 80 trạm đo mưa và 20 trạm đo thủy văn. Thời gian thực hiện dự án này từ năm 2016 - 2021.
Theo ông Lê Ngọc Quyền - giám đốc ĐKTTVKVNB, nếu được đầu tư đầy đủ các thiết bị trên, công tác dự báo sẽ chính xác hơn. Cụ thể là có thể dự báo được trước những cơn mưa từ 30 phút đến một giờ, xác định vị trí mưa có thể đạt cấp cụm vài quận
trên địa bàn TP.