Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ông phép lạ

(19:47:56 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Xóm làng gọi là ông phép lạ, đơn giản vì ông tên là Tô Văn Phép và có nhiều khả năng đặc biệt.

Xóm làng gọi là ông phép lạ, đơn giản vì ông tên là Tô Văn Phép và có nhiều khả năng đặc biệt.

Ông phép lạ

Hoang dã

 

Dãy Ngọa Long Sơn huyền thoại che chắn cẩn thận ấp Phú Hiệp, xã An Phú, huyện Tịnh Biên (An Giang).

 

Ở đó có một ngôi nhà xiêu vẹo nằm trong khu vườn khá hoang vắng - đó là nơi trú ngụ của ông Phép lạ.

 

Dáng người gầy còm, khuôn mặt sạm đen với bộ ria lởm chởm, đầu tóc muối tiêu ủ rũ so le, ông toát lên một mùi hanh nồng thường trực từ sự pha trộn của mồ hôi và sình lầy sông nước.

 

Mấy chục năm nay, hiếm khi người ta thấy ông mặc quần áo đàng hoàng, bởi đơn giản phong cách của ông là chiếc áo sơ-mi cũ sờn chắp vá và quần đùi đã ủ lên men theo tháng ngày bạc kênh xáng.

 

Giữa đồng không mông quạnh, ông nướng rắn làm mồi, hái bông súng thay cơm và lấy cồn pha với nước sông làm rượu. Ông phép năm nay khoảng 50 tuổi, có vợ và có bốn con, nghèo có truyền thống hơn chục năm nay ở xã.

 

Vợ con bỏ ông đi tứ xứ hơn chục năm nay, một phần vì bản tính hoang dã của ông cứ tăng dần, một phần vì mưu sinh.

 

Thỉnh thoảng họ cũng quay về xem ông sống chết ra sao. Căn nhà lụp xụp vách lá hướng ra cánh đồng bao la ấy, cũng rất ít khi có mặt ông.

 

Quanh năm, ông tha phương theo thời vụ: nước lũ thì cắm câu, giăng lưới; mùa khô thì mò cua bắt ốc, đào chuột, bắt rắn, cắt lúa mướn; ở nhà thì làm thuê: bốc vác, móc gốc cây…

 

Từ ngày sống một mình, ông trở nên nghiện rượu. Trong cơn say, ông hay nói nhảm điều gì đó không ai hiểu, rồi bạ đâu ngủ đó, có thể dưới đường làng, trên bìa rừng hay chốn đồng sâu. Ông là người kín tiếng, tốt bụng…

 

Kháng nọc độc 

Ông Phép cùng các bạn nhậu

Năm 1981, một lần ông đi ăn tiệc ở nhà người bạn tại ấp Phú Hòa, xã An Phú. Trên đường về nhà, trong hơi men chếch choáng, ông trượt chân té xuống bờ đê bị rắn hổ chuối cắn vào tay. Ông túm gọn rắn dữ và mang về nhà chặt ra từng khúc nhỏ, nướng nhậu tiếp.

 

Vợ ông là bà Nguyệt mặt mày tái xanh, năn nỉ bảo ông đi tìm thầy chữa trị. Ông không đi và bảo chẳng sao. Nhậu xong, ông lăn ra ngủ, cánh tay bị rắn cắn sưng to như bắp chuối.

 

Ai cũng nghĩ ông chết, thế nhưng sáng ra ông không hề hấn gì. Đây không phải là lần đầu ông bị rắn độc cắn và thoát chết.

 

Ông kể, hồi chưa lấy vợ, chèo xuồng đi giăng lưới tận đồng xa, trời mưa to gió lớn, phải ẩn vào rặng trâm bầu. Không may ông bị rắn hổ đất quặp thẳng cổ tay. Một mình bơ vơ giữa đồng hoang, ông đau nhức co giật. Nhưng chịu đựng một lúc cơn đau giảm dần và ông chèo xuồng về nhà.

 

Từ đó về sau, ở đâu có rắn dữ là ông đến bắt, dẫu có bị cắn cũng chẳng  sao. Đến giờ, ông phép cũng không nhớ bị rắn cắn bao nhiêu lần. Mấy bạn nhậu của ông kể, khi đi bắt rắn, con nào cắn thì ông ăn thịt con đó trước. Nhiều khi đang nhậu ở đồng vắng thiếu mồi, ông cởi áo đi vào bụi rậm mà người ta đồn có nhiều rắn độc sinh sống, nhờ nó cắn để bắt ăn thịt!

 

Ông Nguyễn Văn Thưa - bạn tửu lâu năm - kể: “Tôi đi săn đêm với ổng rất nhiều, một lần nọ, con rắn mai gầm to bằng cổ chân xuất hiện (đây là một trong loại cực độc). Tôi tay chân run lẩy bẩy, còn ông Thép thì lao vào vật lộn với nó. Lát sau ông mang con rắn ấy ra, cánh tay rớm máu vì bị cắn”.

Ông Hai Định, nguyên bí thư đảng ủy xã biết khá rõ về kẻ hoang dã nhận định: “Chuyện ông phép bị rắn độc cắn nhiều lần mà không chết thì quá rõ vì có nhiều người chứng kiến. Tôi cũng nghe làng xóm đồn rằng ông có đém (lưỡi có chấm đen) lưỡi nên thiên phú khả năng đó, chứ thực hư thế nào thì không rõ”.

Ông Phép chẳng bao giờ thừa nhận là người đặc biệt, mà chỉ là thích nghi với cuộc sống hoang dã.

 

 

 

 

(Theo Tiền Phong)