(Tin Môi Trường) - Trước những lo lắng của dư luận về vấn đề môi trường biển Cà Ná nơi dự định đặt dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ vẫn tuyên bố trước đại hội cổ đông, báo chí đăng lại, với nội dung "ngu gì không làm thé".Xin giới thiệu bài viết thể hiện quan điểm của Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Thiên Thanh, Đoàn luật sư Tp Hà Nội), người có nhiều bài viết, quan điểm về truyền thông.
Ls Nguyễn Thế Truyền, Đoàn luật sư Tp Hà Nội
Trước hết, dưới góc độ là một người dân Việt Nam, bản thân tôi hết sức bất ngờ trước cách phát ngôn của ông Lê Phước Vũ, một phát ngôn dường như mang tính bất chấp và thách thức dư luận. Chắc hẳn chúng ta chưa hết bàng hoàng trước thảm họa môi trường từ Formosa, tuy nhiên, khi mọi chuyện còn chưa hết nóng, người dân Việt lại tiếp tục được đón nhận thông tin về dự án nhà máy cán thép Hoa Sen – Cà Ná với công suất khổng lồ 16 triệu tấn thép/năm, và có lẽ, nếu chúng ta không làm cẩn trọng, nghiêm túc, thì nguy cơ thảm họa môi trường sẽ còn nặng nề hơn gấp nhiều lần.
Là người chủ doanh nghiệp, đương nhiên ai cũng muốn thu về tối đa lợi nhuận. Tuy nhiên, theo tôi, cách mà ông Lê Phước Vũ đang hướng cho Hoa Sen Group phát triển đang phớt lờ sự lo lắng về tính mạng, sức khỏe của hàng triệu đồng bào và hẳn là rất nhiều thế hệ sau nữa. Tôi cho rằng, đây là chiến lược kinh doanh cần phải xem xét lại một cách thấu đáo trên giá trị đạo đức, cái tâm vì cộng đồng của doanh nghiệp lớn như Hoa Sen Group.
Theo tôi, cho dù ông Lê Phước Vũ luôn khẳng định công nghệ, thiết bị được sử dụng cho dự án là công nghệ, thiết bị tối tân, tiên tiến nhất trên thế giới nhưng lấy gì để đảm bảo công nghệ, thiết bị này “không bị mất điện” hệ thống xử lý môi trường?
Nhiều người lo lắng về sự tham gia của doanh nghiệp Trung Quốc, bởi ngay sau đó, chính ông lại phát biểu thêm: “Trung Quốc hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị. 90% dự án thép thế giới đều dùng của Trung Quốc chế tạo. Còn nếu nhập từ châu Âu thì làm gì có lời”. Câu nói này hàm chứa điều gì? Liệu ông đã quên thảm họa môi trường do Formosa gây ra?
Trước đó, Chính phủ đã có chỉ đạo dừng cấp phép các dự án sản xuất thép.
Tôi rất tin vào sự quyết tâm của Chính phủ đang tạo dựng niềm tin với người dân. Bất cứ ai cũng đều quan tâm việc này. Về dự án nhà máy cán thép Hoa Sen – Cà Ná, nguồn vốn, cách triển khai, việc xin cấp phép, hồ sơ pháp lý của dự án được thực hiện như thế nào? Lý do tại sao mà ông Lê Phước Vũ có thể “mạnh miệng” trên truyền thông như vậy? Rất cần các cơ quan chức năng có câu trả lời thỏa đáng.
Tại sao phải đặt các dự án Thép gần biển? Câu hỏi này đặt ra khá dễ trả lời cho các nhà đầu tư vì đơn giản là thuận lợi về vận chuyển logistic luôn là một trong những khó khăn chi phí cho những ngành công nghiệp có khối lượng luân chuyển hàng hóa lớn. Việt Nam có lợi thế bờ biển trải dài dọc theo chiều dài đất nước đáng ra phải được ưu tiên phát triển ngành công nghiệp không khói là du lịch. Bản thân lĩnh vực này mang lại ngoại tệ cho ngân sách rất lớn nếu làm đúng hướng, có bản sắc riêng rõ ràng. Bảo vệ được môi trường biển cho việc khai thác lâu dài, việc xử lý môi trường đối với các dự án du lịch đa số là rác thải sinh hoạt không yêu cầu đòi hỏi phải có quy trình xử lý tốn kém, mang lại nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Việc dự án thép muốn đặt tại các khu vực bờ biển bởi các chủ đầu tư có thể giảm đi rất nhiều chi phí đầu tư ban đầu do thiết bị máy móc cần được lắp đặt hoàn toàn dễ dàng ít tốn kém hơn, việc xử lý môi trường khó có khả năng quan trắc chính xác hơn, thậm chí khi chỉ cần có sự lơ là của cơ quan quản lý là nước thải "chảy" ra biển như chúng ta đã thấy tại khu công nghiệp Fomosa Hà Tĩnh trong thời gian vừa qua.
Tôi cho rằng, với tuyên bố này của ông Vũ sẽ có tác động tiêu cực đến dư luận, đặt ra sự hoài nghi không đáng có của người dân. Tôi khẩn thiết mong các Bộ ban ngành có liên quan cần phải có khảo sát, đánh giá, nghiên cứu thậm chí phải tổ chức lấy ý kiến trước khi có những kết luận chính thức hay ký duyệt chính thức cho dự án này đi vào hoạt động.