(Tin Môi Trường) - Ngày 8/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cùng đại diện các sở, ngành của thành phố đã làm việc với UBND huyện Cờ Đỏ để bàn giải pháp khắc phục môi trường tại khu xử lý rác thải Cờ Đỏ.
Bãi rác Cờ Đỏ tiếp nhận khoảng 300 tấn rác/ngày và hiện đang quá tải. Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm
Ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ cho biết, khu xử lý rác thải Cờ Đỏ nằm trên địa bàn xã Đông Thắng, được khai thác vận hành từ tháng 2/2010 với diện tích hơn 1 ha; khối lượng tiếp nhận và xử lý rác 15 tấn/ngày cho huyện Cờ Đỏ. Đến tháng 5/2014, UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo mở rộng diện tích thêm 5 ha và tiếp nhận xử lý rác thải thêm cho các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng. Hiện nay, bãi rác đang có hai doanh nghiệp tham gia xử lý rác là Công ty giải pháp Môi trường Đại Việt và Công ty TNHH dịch vụ thương mại Minh Thông bằng hai hình thức đốt và chôn lấp với khối lượng khoảng 300 tấn rác/ngày.
Tuy nhiên vào mùa mưa, nước rỉ rác phát sinh nhiều đã lấp đầy 4 ô xử lý nước và có nguy cơ tràn qua đê xuống ruộng của các hộ dân xung quanh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe của người dân. Hiện tại, mực nước tại các ô xử lý nước rỉ rác đang chênh lệch khoảng 2,5 mét so với mực nước ruộng xung quanh, do đó, nguy cơ sạt lở bờ đê và tràn nước rỉ rác ra bên ngoài là rất cao, nhất là vào những ngày mưa nhiều.
Ông Lê Thanh Tùng ở ấp Thới Hiệp 2, xã Đông Thắng có mảnh ruộng kế bên bãi rác bức xúc cho biết, mỗi lần nước rỉ rác tràn ra là lúa trên ruộng của ông bị chết, không canh tác được. Trong khi đó, gia đình ông chủ yếu sống nhờ vào mảnh ruộng này, nay lúa bị chết khiến ông gặp không ít khó khăn. Ông Tùng kiến nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết tình trạng nước rỉ rác tràn ra đồng ruộng như hiện nay để nông dân yên tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, quá trình đốt rác còn phát sinh nhiều khói, bụi ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực khiến cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân sống gần đó đều bị đảo lộn. Đặc biệt, cách bãi rác Đông Thắng không đầy một cây số là trạm y tế, trường mầm non và một trường tiểu học, đều phải chịu chung tình trạng ô nhiễm này. Nhiều gia đình có con em học tại hai ngôi trường này đã xin chuyển trường do lo sợ mùi hôi và khói từ việc đốt rác ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ. Mặc dù đã nhiều lần người dân nơi đây kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền nhưng tình trạng này không được khắc phục mà ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng hơn.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu xử lý rác thải Cờ Đỏ, UBND huyện Cờ Đỏ đã kiến nghị UBND thành phố cùng các sở, ngành liên quan có giải pháp xử lý nước rỉ rác, khói, bụi, mùi hôi khi vận hành lò đốt cũng như lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm để trả lời phản ánh của người dân. Đồng thời, huyện Cờ Đỏ cũng kiến nghị thành phố sớm xây dựng khu xử lý rác ở huyện Thới Lai vì hiện nay bãi rác Cờ Đỏ đã quá tải.
Trước kiến nghị của huyện Cờ Đỏ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường chậm nhất là cuối tháng 9 phải có kế hoạch khắc phục môi trường ở khu xử lý rác thải Cờ Đỏ, rà soát lại các quy định, giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp tại bãi rác này. Bà Võ Thị Hồng Ánh cũng yêu cầu hai công ty Minh Thông và Đại Việt trong quá trình xử lý rác thải tại đây phải tuân theo quy định của pháp luật về môi trường; bản thân doanh nghiệp phải chủ động khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót, không để khói chưa đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên – Môi trường xây dựng hồ sơ mời thầu các đơn vị có đủ năng lực tham gia vào công tác vận hành, xử lý rác tại bãi rác huyện Cờ Đỏ.