Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

25 năm sống giữa nghĩa địa

(19:47:43 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Bốn hộ dân với bốn căn lều tạm bợ, không đất sản xuất, không đất làm nhà phải chấp nhận sống chung với nghĩa địa.

Xóm nghĩa địa giữa những ngôi mộ
Bốn hộ dân với bốn căn lều tạm bợ, không đất sản xuất, không đất làm nhà phải chấp nhận sống chung với nghĩa địa.

 

Người chết suốt 25 năm qua

 

Năm 1979, do gia đình quá khó khăn lại đông con, ông Đặng Văn Nuôi ở thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp nuôi mộng xóa nghèo bằng cách bán nhà cửa đất đai đùm túm vợ con lên huyện Sa Thầy (Kon Tum) để làm ăn. Thất bát nơi xứ người, năm 1983, ông Nuôi buộc lòng đưa vợ con về lại quê nhà - thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi).

 

Về quê với hai bàn tay trắng, không đất đai nhà cửa, thấy khu nghĩa địa của thôn có một khoảnh đất trống, ông Nuôi bấm bụng dựng căn lều tạm để ở qua ngày.

 

Con cái lớn khôn rồi lập gia đình, ông Nuôi vẫn chưa có tiền mua đất, đành phải lấn đất của người chết dựng thêm hai căn lều cho con là Đặng Thị Diễn và Đặng Văn Dũng. Ít lâu sau, chị Diễn dời đi nơi khác thì nghĩa địa này lại mọc lên một căn lều nữa của chị Đặng Thị Lai (con gái của ông Nuôi).

 

Kế thừa mảnh đất chừng vài chục mét vuông trong khu nghĩa địa của người cha để lại, anh Đặng Văn Chiến rưng rưng: “Không ngờ gia đình mình lại khổ thế, rời quê đi làm ăn xa cũng không xong, về lại cũng không ổn, không đất sản xuất, không đất để làm nhà đành sống chung với người chết như vầy”. Con đường mòn đi vào nhà anh Chiến hai bên đều là mồ mả.

 

Căn lều chừng 20m2 có mái lợp thấp lè tè là nơi cư ngụ của năm người cũng mồ mả tứ bề. Cách đó không xa, lều của anh Đặng Văn Dũng chẳng khá gì hơn, xung quanh cây cối um tùm lại nằm sát bờ sông Vệ nên còn phải chịu cảnh sống chung với lũ.

 

Xóm nghĩa địa giờ còn ba hộ với 10 người là con cháu ông Nuôi. Những đứa trẻ ngày ngày vẫn vô tư nô đùa bên những ngôi mộ, còn bố mẹ chúng thì tất tả làm thuê để mưu sinh.

 

Năm 2000, gia đình anh Chiến và anh Dũng mừng rỡ khi nghe địa phương cấp đất xây nhà, cấp đất sản xuất. Song theo anh Chiến khi ra nhìn mảnh đất được cấp làm nhà thì mọi người thất vọng vì đó là một vùng trũng thấp, không có lối thoát nước cũng chẳng có lối đi, trong khi nhà đã nghèo lấy tiền đâu thuê xe đổ đất; còn đất sản xuất thì bị chua phèn.

 

Vì vậy gia đình đành viết đơn trả lại đất, vì “sống ở nghĩa địa còn tốt hơn”! Mãi đến năm 2008, UBND xã Đức Hiệp lại thông báo sẽ làm thủ tục đề nghị huyện cấp đất cho gia đình anh Chiến hơn 118m2 và anh Dũng hơn 142m2 để làm nhà, mức nộp tiền sử dụng đất 80.000 đồng/m2.

 

Lần này mảnh đất được cấp khá đẹp lại nằm gần đường nên họ khấp khởi mừng thầm, lo chạy vạy vay mượn để nộp ngay cho xã. Anh Chiến nộp hơn 9,5 triệu đồng, anh Dũng nộp hơn 11,5 triệu đồng và đóng góp cho xã mỗi người 1 triệu đồng gọi là tiền xây dựng cơ sở hạ tầng.

 

Thế nhưng tháng 12/2008, xã Đức Hiệp lại mời lên yêu cầu nộp thêm tiền, lúc này giá đất không phải 80.000 đồng/m2 mà tăng lên 200.000 đồng/m2, kèm điều kiện “nếu không chấp nhận thì nhận lại tiền đã nộp”.

 

Vì sao có chuyện tăng giá đất này? Ông Lý Minh Hưng, Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp nói: “Do xã lập phương án và gởi thông báo nộp tiền với giá đất 80.000 đồng/m2 khi đường Bồ Đề còn là đường đất. Đến tháng 12.2008, khi tuyến đường này làm xong và được tráng nhựa thì giá đất tăng lên 200.000 đồng/m2”.

 

Kiểu giải thích và hành xử như vậy có thật sự là vì người nghèo?

 

(Theo Thanh Niên)