Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
“Làm nghề này chẳng ai sống qua được tuổi 40 do sự khắc nghiệt của nghề: cứ phải thức đêm, tiếp xúc với âm khí, với rượu và thuốc, phải đối diện với những lời nguyền từ các ngôi mộ cổ”, gã – một kẻ thù của nhưng người đã khuất kể.
Khuya. Mảnh trăng hạ tuần chiếu ánh bàng bạc, yếu ớt lên thành phố của những người không bao giờ tỉnh giấc. Giun dế và lũ côn trùng đang say sưa trong khúc hòa tấu đơn điệu muôn thuở. Giữa bức tranh lạnh lẽo, âm u ấy có bốn bóng đen đang hì hụi đào, cuốc. Họ đào gì, chôn gì vào lúc đêm hôm khuya khoắt này? Họ tìm cổ vật, và họ đấy: bọn đào mả trộm.
Chân dung kẻ đào mả
Gã khoác trên người một nước da tiêu biểu của sự kỳ quái: thâm xì hay trắng mốc… khó ai có thể nhận rõ được, có lẽ, đến mấy cái xác chết cũng nhầm tưởng gã thuộc phe cạnh mình. Nói như thế bởi gã chuyên làm bạn với mồ mả và xác chết – nghề của gã mà. Ngẫm cũng lạ, trên đời có khối loại nghề, gã không chọn được nghề nào mà cứ thích đi đào mả trộm. Hỏi gã, gã trợn tròn đôi mắt ít tròng đen dư lòng trắng và trả lời: “Sao hả? Hỏi mẹ tao sao lại sinh ra tao đã…”. Và gã cười khúc khích, giọng cười nghe như nấc.
Ừ, con mắt gã cũng là một điểm lạ. Phàm những người uống nhiều rượu mắt phải đỏ, gã uống không nhiều một lúc mà là suốt cả ngày, thay nước và thay cơm, vậy mà mặt vẫn trắng dã. Chắc cơ thể gã được bà mụ nặn cách khác chứ uống nhiều như thế hóa là bao tử i-nox mới chịu nổi. Giải thích lúc đầu là uống cho đỡ sợ, sau uống để át mùi tử khí còn bây giờ là uống thành thói quen, không có rượu là gã run tay, trí óc mất phương hướng.
Gã ví von kiếp sống của gã là phận con cò, chỉ sống về đêm. Vì như thế thật tội nghiệp cho con cò. Cò đâu phải lấp ló, rình mò mới nơi mộ hoang mà lạnh hằng đêm như gã. Gã và ánh nắng mặt trời là hai kẻ xa lạ. Trò chuyện với gã lâu mới có thể thu nhặt được những mảnh đời chắp và của cuộc đời gã.
16 tuổi, gã – một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, bụi đời đã lang thang suốt khắp các rẻo miền Trung, toàn những vùng “lam sơn, chướng khí” trong những khu đãi ngọc. 18 tuổi, hấp dẫn bởi lời kể của một tay săn mộ cổ về một chuyến săn tìm và trúng quả ở một ngôi mộ cổ của một tay quan lại người Tàu…
Mỗi kẻ được chia phần cả trăm thỏi vàng, trở thành nhưng ông chủ bề thế… Hấp dẫn bởi viễn cảnh về những kho tàng của người xưa còn rải rác đâu đó dưới lòng đất, trong những hành động và dễ tìm nhất: trong những ngôi mộ cổ… Thế là gã tung hê tất cả chuyện cũ, bước sang trang mới.
Vậy mà đã trộm trên 15 năm rồi đấy, gã đã trở thành một tay sành sỏi trong nghề với cái biệt danh đầy tử khí: Tư xác chết.
Nghề đào mộ cổ
Có người bảo nghề tìm mộ cổ hay còn gọi là nghề xăm vốn cổ có ở Nam Định, Thanh Hóa từ năm 1993. Trước đây nghề xăm là dò, ra sắt vụn bằng máy dò mìn. Lúc đầu thợ đi rà sắt vụn, rà phải đồ cổ bằng kim loại đồng ở làng Vạc, xã Nghi Hòa, huyện Nghĩa Đàn.
Có người chuyên nghề rà sắt vụn gặp máy trúng đồ cổ trở thành hoa tiêu đồ cổ hoặc trở thành sếp. Họ đồn nhau: Ở Thái Hòa có sếp P. được cái tháp đồng thời Lý có hình người, men nâu. Lại có người đến trả tới 45.000 USD. Những vùng xăm được nhiều đồ cổ thời Lý, Trần phải kể đến xã Xuân Thành, Xuân My, Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và xã Nghi Ân, Nghi Văn (huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
Đồ nghề để xăm thật đơn giản: một thanh sắt phi 6, dài 1,5m. Một tổ thợ xăm thường có bốn, năm người. Ở đó sâu 50 - 60 phân, khi xăm trúng đồ mũi xăm đó được xem là cái mốc để các thợ khắc xăm ra bốn phía xung quanh.
Thợ xăm giỏi, khi mũi sắc chạm nhẹ vào cổ vật là họ có thể đoán biết đồ to, nhỏ, dài, mỏng, lành hay vỡ. Tùy độ nông sâu của vật cổ mà họ đào nhẹ hoặc mạnh tay. Hễ cách cổ vật 30 phân là họ dùng chổi tre khẽ quét và lấy cổ vật lên. Thợ xăm thích nhất khi trời mưa vì đất mềm dễ xăm.
Họ có thể mặc áo mưa để xăm ngoài bãi cả ngày mưa, đêm rét, nhất là khi chiến dịch xăm, săn đồ cổ lên cơn sốt. Thợ xăm kỹ thuật không hề tranh cướp nhau. Họ chỉ xót ruột khi phải cống nạp “thuế” cho chủ khu vực. Họ sẵn sàng mua cả ruộng lúa non, khoai non, mía non khi biết chắc dưới đó có cổ vật.
Thế nhưng theo một số người, nghề đào mả trộm đã có từ rất lâu đời. Họ chuyên đi la cà, dò hỏi những khu vực thôn quê, đồng ruộng, đi tìm gia phả các gia đình giàu sang, hoàng tộc xưa. Một phần chính dân đi tìm mộ xuất thân từ nông dân lúc nông nhàn. Song song với nghề đào mả còn phải biết định giá cổ vật.
“Khổ cực trăm bề mới “tăm” được một món quí. Lớ ngớ là bị tụi lai ép giá. Thế nên phải rành về đồ cổ hoặc dò giá cẩn thận”, gã bảo.
Không có tương lai
“Bây giờ đâu còn dễ kiếm ăn như ngày xưa nữa. Thậm chí, có lúc đói quá phải chấp nhận chuyển qua làm nghề bốc hài cốt thuê hay làm phu đào huyệt để đắp đổi ngày ba bữa cơm”, Tư xác chết than thở. “Đã có người nhờ đi lấy xác trộm: Đó là người nhà của những tử tù bị tử hình. Lấy về một xác có khi được trả công cả trăm triệu nhưng ít ai dám nhận vì sợ chính mình thành thằng tù”.
Chỉ riêng chuyện đi đào mả trộm thôi cũng đã là phạm pháp vì xâm phạm đến mồ mả người khác. Ngày 9.2.2009, rất nhiều báo đưa tin: Một nhóm người trong đêm tối 8.2.2009, mang theo cuốc, xẻng lén lút vào khu nghĩa địa của làng Cà Sim, xã Canh Thuận, huyện miền núi Vân Canh (Bình Định), chọn những mộ lâu năm, họ đào lên lấy trộm nhiều đồ cổ.
Người làng Cà Sim đã bao vây và bắt quả tang bốn người đang đào trộm lấy cắp đồ cổ, gồm: Lê Việt Triều (sinh năm 1975), Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1976), Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1983) và Lê Kim Mết (sinh năm 1979). Cả bốn người này đều cùng trú huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Những thứ mà họ lấy được đều làm bằng đồng, sắt nhừ. Từ vụ trộm kể trên, bốn thanh niên này từng thực hiện nhiều vụ trộm đồ cổ khác nữa.
Chai rượu vừa cạn thì câu chuyện gã kể cũng dừng lại. Gã mơ màng đôi mắt về phía những núi xa… Ở đâu đó, trong khu núi rừng Tây Nguyên thâm u kia, gã vẫn còn nếm một ước mơ cháy bỏng về kho vàng nghe đồn đến cả tấn do lính Nhật để lại nhưng đó là câu chuyện của một kỳ khác nhé!
(Theo Sức Sống Mới)