(Tin Môi Trường) - Tình trạng nắng hạn đang diễn ra ngày càng gay gắt tại các vùng miền núi của tỉnh Phú Yên; không chỉ hàng nghìn hecta cây trồng bị mất trắng hoặc thiệt hại nặng mà người dân cũng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Vùng miền núi Phú Yên ứng phó với nắng hạn gay gắt -Ảnh: TL
Mô hình trồng rừng và cỏ trên diện dích 02 hecta kết hợp với chăn nuôi bò của chị Nguyễn Thị Khách ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 2, huyện miền núi Đồng Xuân nhiều tháng qua bị nắng hạn, gần như toàn bộ diện tích rừng và cỏ bị chết khô. Tham gia mô hình này, chị Khách được vay hơn 18 triệu đồng không tính lãi từ Quỹ biến đổi khí hậu toàn cầu.
“Năm nay nắng hạn nặng hơn năm ngoái. Từ tháng 2 đến giờ nắng nóng liên tục, không có hạt mưa nào. Gia đình phải dùng máy bơm để lấy nước tưới nhưng mấy tháng rồi cứ chạy miết, chi phí tiền dầu chịu không nổi để cứu hết được. Còn đàn bò thì thiếu nước uống”.
Sông Kỳ Lộ là con sông lớn thứ hai của tỉnh Phú Yên chảy qua địa bàn hai huyện Đồng Xuân, Tuy An với mặt nước lòng sông có thời điểm rộng hơn 300 mét, nhưng nay nhiều đoạn chỉ còn khoảng 10 mét, ảnh hưởng lớn đến trồng trọt, chăn nuôi và sinh hoạt của người dân hai bên bờ sông.
Ông Trương Văn Tài ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân vừa lội qua sông Kỳ Lộ vừa vác một bó cỏ trên vai và đưa tay chỉ vào lòng sông nói :”Nước sông như năm nay thiếu quá; nó khô hết rồi. Năm nay lội qua sông Kỳ Lộ nhiều nơi nước chỉ sâu dưới đầu gối”.
Nói xong, ông Tài chỉ về phía bên kía sông, nơi gia đình ông có đám rẫy và nói tiếp:” Trong kia cây sắn cũng bị cháy lá hết, mà coi như cả cánh đồng chứ đừng nói cây sắn nữa”.
Do thời tiết nắng nóng diễn ra gay gắt nhiều tháng qua, làm cho lượng nước mặt, nước ngầm và các con sông ở Phú Yên suy giảm mạnh, nhất là các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Riêng huyện miền núi Đồng Xuân hơn 1.480 hộ thiếu nước sinh hoạt, nông dân cũng chỉ trồng mới được 370 hecta mía trong kế hoạch 3000 hecta; 3600 hecta sắn mới trồng cũng bị cháy lá, khô ngọn hoặc không phát triển; đó là chưa kể bước đầu các địa phương cũng đã chuyển 106 hecta lúa 2 vụ sang trồng cây khác.
Ông Phan Xuân Quốc, Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân cho biết, do hồ thủy lợi thiếu nước nên trên địa bàn xã phải chuyển gần 15 hecta lúa 2 vụ sang trồng cây khác ít sử dụng nước tưới. Còn đối với cây trồng khác như lạc, cỏ, sắn, mía…thì hầu như phụ thuộc vào nước trời cho nên nếu gia đình nào có điều kiện thì sử dụng bơm tưới nhưng diện tích cũng rất ít. Còn lại hầu như bị khô hạn, không thể cứu được.
Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: “Những vùng do ảnh hưởng thời tiết nắng hạn dẫn đến thiếu nước. Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương vận động bà con tiếp tục chuyển đổi cây trồng sử dụng ít nước tưới, tiết kiệm nước, trong đó có cây bắp lai để đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ và phục vụ chăn nuôi”.
T heo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, trong năm nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 đợt nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20,5 mm đến 139,9 mm; mực nước trên các sông thấp hơn trung bình nhiều năm. Do nguồn nước ngầm bị thiếu hụt nên đã có ít nhất 10.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, 1.600 hecta lúa hè thu phải bơm chống hạn. D iện tích các loại cây trồng khác cũng giảm từ 0,6% đến 5,5% so cùng kỳ.
Để khắc phục hậu quả hạn hán, Bộ Tài chính đã tạm ứng tỉnh Phú Yên 8 tỷ đồng, địa phương trích ngân sách 1,6 tỷ đồng phân bổ cho các địa phương chống hạn, đồng thời phê duyệt thêm 135 trạm bơm điện được ưu tiên cấp điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu công suất để triển khai phương án phòng chống hạn. Tuy vậy, nguồn kinh phí trên không đủ để các địa phương thực hiện công tác chống hạn có hiệu quả.