Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trước đây mỗi lần săn được gấu dân bản Nhuối lại mài dao sáng loáng, mổ bụng gấu, rồi cạo lông như mổ lợn. Bản Nhuối có 50 hộ gia đình thì con gấu được chia làm 50 phần đều chằn chặn.
>> Bản săn gấu
Được sự chỉ dẫn của chị Lộc, người chuyên mua lại thú rừng của đoàn thợ săn, tôi tìm vào nhà ông Lò Văn Tưởng. Ông Tưởng là thợ săn kỳ cựu của bản Nhuối, đã gác súng nghỉ hưu hơn chục năm nay.
Ông Tưởng có ngôi nhà sàn khá đặc biệt, dựng giữa ao. Hỏi chuyện săn thú, ông Tưởng tự nhận mình là thợ săn thiện xạ bậc nhất bản Nhuối. Ông còn cho biết hai người con ông là Lò Văn Tổn và Lò Văn Tùng săn thú rừng cũng giỏi nhất bản.
Thợ săn kỳ cựu Lò Văn Tưởng kể chuyện săn gấu cho PV VTC News. |
Ông Tưởng kể khi ông còn trai trẻ, rừng già bạt ngàn, hổ về bản bắt lợn, bắt bò suốt. Đích thân ông đã dắt con bê vào rừng nhử hổ, lập giàn trên thân cây, rồi hạ gục chúa sơn lâm. Khi tôi đề cập đến chuyện săn gấu, ông Tưởng có vẻ không hào hứng kể lắm.
Theo ông Tưởng, cứ đến mùa ngô, sắn xanh tốt, gấu lại về phá nương. Hôm nào trời mưa rào thật lớn, rồi hửng nắng, thường hay gặp gấu ở nương ngô, nương sắn lúc 3 đến 4 giờ chiều. Chúng cứ bẻ gập cây, đạp đổ hết cả ruộng để gặm mầm.
Cách đây chục năm, đến mùa ngô, sắn, lại có cả chục con gấu kéo về. Cứ vài hôm thợ săn bản Nhuối lại đòm chết gấu. Họ săn được nhiều gấu đến nỗi dân bản coi thịt gấu chẳng khác gì thịt lợn, ăn rất thường xuyên. Hai loại gấu thường về những cánh rừng của xã Tòng Đậu là gấu ngựa và gấu lợn.
|
Đường vào bản Nhuối. |
"Gấu và gà rừng thường đi kiếm ăn với nhau. Khi gấu lật đá lấy côn trùng ăn thì gà rừng cũng sà đến kiếm chác. Đặc biệt, mỗi khi gấu dùng móng vuốt phá những thân gỗ mục tìm côn trùng hoặc tổ ong trong bọng cây thì chắc chắn có rất nhiều gà rừng mò đến”, thợ săn kỳ cựu Lò Văn Tưởng kể kinh nghiệm săn gấu.
Đám thợ săn hầu như không dám mạo hiểm đối mặt với gấu mà chỉ dám rình bắn bất ngờ, trừ khi có nhiều người với nhiều súng tấn công nó liên tiếp, khiến nó không kịp phản đòn.
|
Đoàn thợ săn nghỉ giữa rừng. |
Mỗi khi săn được gấu, không phân biệt ai bắn được, mọi người cùng xúm vào khiêng gấu ra khỏi rừng, vác về tận bản.
Người ta mài dao sáng loáng, mổ bụng gấu, rồi cạo lông như mổ lợn. Bản Nhuối có 50 hộ gia đình thì con gấu được chia làm 50 phần đều chằn chặn. Nếu săn được gấu to, mỗi nhà được một bữa hả hê, còn săn được gấu nhỏ, thì cũng chia thật đều, cho dù mỗi nhà chỉ được chưa đầy bát con thịt.
Tuy nhiên, theo cựu thợ săn Lò Văn Tưởng, gấu về Tòng Đậu mỗi ngày một ít. Mỗi năm, chúng chỉ về phá nương vài lần. Giống gấu giờ cũng tinh quái. Chúng về phá nương một hai ngày, rồi lại di cư sang vùng khác, nên thợ săn chưa kịp vào rừng, chúng đã biến mất dạng rồi.
Giờ đây cứ đến mùa gấu về, đồng bào lại mang quần áo, chăn màn rách vào nương đốt. Khi đốt những thứ này, mùi hơi người bay phảng phất suốt mấy ngày khiến gấu sợ không dám đến gần.
Trao đổi với đồng chí Lò Văn Thảo, công an viên bản Nhuối về chuyện săn gấu, anh Thảo công nhận là bản Nhuối có "truyền thống" săn bắn từ lâu lắm rồi. Thậm chí, anh Thảo còn lôi trên gác bếp xuống một khẩu súng kíp rất đẹp, lên màu đen bóng khoe với tôi.
Dân bản Nhuối với khẩu súng tự chế. |
Trước kia, anh Thảo cũng là một thợ săn kỳ cựu, nhưng năm 2004, công an huyện Mai Châu đã phối hợp cùng công an xã Tòng Đậu làm giấy cam đoan với từng hộ dân trong xã, không mua bán súng, không săn bắn thú rừng nữa, thì anh cũng chấp hành. Tuy nhiên, anh cũng như các hộ dân trong xã, trong bản, vẫn giữ lại khẩu súng để… làm kỷ niệm.
Tôi đã bật máy tính xách tay cho ông Nguyễn Mạnh Dần, Trưởng ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò xem những tấm hình chụp cả “tiểu đội thợ săn” với súng ống tua tủa chuẩn bị vào rừng. Ông Dần đã không khỏi ngạc nhiên và bức xúc.
Theo ông Dần, Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò rộng tới 7.000 ha, có rất nhiều khỉ, sơn dương, nai, hoẵng… song hiện chỉ còn vài con gấu mà thôi. Tuy nhiên, chúng không ở cố định trong khu bảo tồn mà thường di chuyển liên tục. Mùa sinh sản chúng di cư sang khu bảo tồn Xuân Nha (Sơn La) và Vườn Quốc gia Pù Mát (Thanh Hóa). Đến tháng 6 và tháng 7, chúng về phá các nương sắn, ngô ở khu vực Mai Châu.
Mới đây, khi phát hiện có hai con gấu về phá nương của bản Pà Khôm, các cán bộ của khu bảo tồn đã phải trực tiếp đi xua đuổi chúng vào rừng, để giữ mạng sống cho chúng trước cả rừng súng kíp.
(Theo VTC)