(Tin Môi Trường) - Tính đến ngày 30/06/2016, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Hoa Sen là 5.834 tỷ đồng, trong đó tính riêng các khoản vay nợ tài chính lên tới 4.638 tỷ đồng – chiếm tới 80% tổng nợ vay.
Trong 2 năm tới, Tập đoàn Hoa Sen sẽ vay thêm 10.000 tỷ đồng đầu tư tổ hợp dự án Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.
Vấn đề đầu tiền: Tiền đâu?
Ngày 6/9 sắp tới, CTCP Tập đoàn Hoa Sen sẽ triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm trình thông qua chủ trương triển khai đầu tư dự án Khu Liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.
Siêu dự án được Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai với một tổ hợp gồm khu công nghiệp Cà Ná, nhà máy sản xuất xi măng; nhà máy nhiệt điện; cảng biển… được xây dựng tại xã Phước Diêm, Cà Ná và một phần xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).
Theo tài liệu mới nhất mà Tập đoàn này công bố, tổng công suất thiết kế của Tổ hợp dự án sẽ đạt 6 triệu tấn/năm, triển khai làm 2 giai đoạn trong vòng 5 năm từ năm 2017 đến năm 2022.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý có khả năng phát triển cảng nước sâu, quy mô bến chuyên dụng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải tới 300.000 DWT hay gần các tuyến giao thông huyết mạch, được sự ủng hộ của các cơ quan ban ngành từ Trung ương tới địa phương thì cũng có không ít những băn khoăn của các chuyên gia xung quanh vấn đề môi trường, trình độ khoa học công nghệ áp dụng và đặc biệt là nguồn vốn đầu tư triển khai Tổ hợp dự án.
Đây tiếp tục là dự án thép được triển khai gần biển, vấn đề bảo vệ môi trường chắc chắn sẽ được quan tâm sát sao, đặc biệt sau những thông điệp của Thủ tướng Chính phủ thời gian gần đây về việc “không đánh đổi môi trường với bất cứ giá nào”.
Một câu hỏi lớn được các chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư quan tâm là khi chủ trương đầu tư dự án được thông qua, đại gia Lê Phước Vũ – chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hoa Sen sẽ xoay đâu ra tiền để thực hiện dự án có quy mô vốn lên tới 10 tỷ USD này?
Danh mục chủ nợ dài dằng dặc
Dựa trên tình hình tài chính của Tập đoàn Hoa Sen, việc sử dụng vốn vay để đầu tư dự án có vòng đời dài kể trên chắc chắn sẽ tác động đến gánh nặng nợ vay của doanh nghiệp này. Đặc biệt khi danh sách các nhà băng chủ nợ của Tập đoàn cũng đã dài tới vài trang giấy thể hiện những món nợ vay từ vài trăm tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/06/2016, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Hoa Sen là 5.834 tỷ đồng, trong đó tính riêng các khoản vay nợ tài chính lên tới 4.638 tỷ đồng – chiếm tới 80% tổng nợ vay và chiếm gần 50% nguồn vốn.
Trong danh mục các nhà băng cấp vốn tín dụng cho Tập đoàn Hoa Sen, không thể không kể đến sự góp mặt của những ông lớn trong ngành. Đứng đầu danh sách tài trợ vốn nghìn tỷ cho sản nghiệp của ông Lê Phước Vũ là ngân hàng VietinBank với dư nợ tại ngày 30/6/2016 là 2.236 tỷ đồng (1.146 tỷ vay ngắn hạn và 1.090 tỷ đồng vay dài hạn), tiếp đến Vietcombank gần 1.000 tỷ,… Danh sách cũng có sự góp mặt của hàng chục nhà băng khác như BIDV, ACB, Eximbank, MBBank, ANZ, Standard Chartered Bank…
Hầu hết các khoản vay đều có tài sản bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị hay hàng tồn kho, thậm chí Vietcombank, Agribank hay VPBank… còn cho Tập đoàn vay tín chấp hàng trăm tỷ đồng trong ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động.
Đầu tư siêu dự án nhưng không phát hành cổ phiếu tăng vốn, gánh nặng nợ vay của Tập đoàn Hoa Sen ngày càng lớn.
Một báo cáo của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) vừa tiết lộ: Tập đoàn Hoa Sen sẽ không phát hành cổ phiếu mới trong thời gian tới, nguồn vốn tài trợ cho các dự án này sẽ từ phát hành trái phiếu và vay nợ ngân hàng.
Như vậy, giả định trong vòng 2 năm tới, khi mà Tập đoàn Hoa Sen không có ý định tăng vốn chủ sở hữu của mình, việc đầu tư siêu dự án Khu liên hợp gang thép Cà Ná – Ninh Thuận sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ vay lên mức cao, dư nợ vay có thể gấp tới 8 lần vốn, chưa tính các khoản nợ phải trả khác.