(Tin Môi Trường) - Nữ thượng nghị sĩ Leila de Lima mới đây tuyên bố đẩy mạnh điều tra hàng loạt vụ giết người do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gây ra.
Bà De Lima đã thiết lập một cuộc điều tra cấp thượng viện về các vụ giết người này, và hai phiên tòa đầu tiên đã được tổ chức vào tuần trước.
Nữ thượng nghị sĩ Leila de Lima trong buổi chất vấn Tổng thống Duterte ngày 22-8 - Ảnh: Reuters
36 người chết mỗi ngày
Theo Reuters, số liệu từ cảnh sát cho thấy hơn 1.900 người đã bị giết trong cuộc chiến chống ma túy mà ông Duterte khởi xướng khi lên cầm quyền cách đây hơn 2 tháng. Cảnh sát cho biết con số khoảng 36 người chết/ngày là kết quả của việc những người buôn bán ma túy phản kháng, hoặc là do các băng nhóm thanh toán nhau.
Ông Duterte, được mệnh danh là “kẻ trừng phạt”, đắc cử tổng thống Philippines tháng 5-2016 nhờ những chính sách dân túy, trong đó có tuyên bố quét sạch ma túy và tội phạm ma túy. Đến khi nắm quyền, ông đã nhanh chóng cho thực thi những biện pháp cứng rắn như cách mình đã từng làm khi ở cương vị thị trưởng thành phố Davao.
Tuy nhiên sau đó, ông đã vấp phải làn sóng phản đối từ các nhóm hoạt động vì nhân quyền do nhiều vụ bắn người nghiện hoặc phạm tội mua bán ma túy, và những tuyên bố của ông được cho là khuyến khích cảnh sát giết người mà không bị trừng phạt. Các luật sư về nhân quyền cho biết đã có trường hợp sĩ quan cảnh sát bắt giữ và giết những người chỉ bị xem là tình nghi buôn bán ma túy.
Tuy vậy, Tổng thống Duterte, người được mệnh danh là Donald Trump của Philippines vì kiểu ăn nói bạt mạng, thậm chí còn hành xử mạnh mẽ hơn cả ông ứng cử viên tổng thống của Mỹ. Ông Duterte thách thức cả tổ chức Liên Hiệp Quốc và đốp chát lại bất kỳ ai lên tiếng nói rằng cách hành xử của cảnh sát Philippines trong cuộc chiến chống ma túy hiện nay là sai phạm.
Dường như càng bị phản ứng thì ông càng đáp trả tương xứng. Trong buổi họp báo tại Catbalogan ngày 29-8, Tổng thống Duterte lại thách thức dư luận quốc tế: “Họ nói tôi là người không được lòng nhất trong mắt truyền thông quốc tế. Tôi bất chấp. Tôi có vấn đề cần giải quyết cho đất nước tôi”.
Ông cũng thách các nhà báo nước ngoài đến tìm hiểu về tình trạng nghiện ngập và mua bán ma túy tại Philippines để thấy nó đang đe dọa đất nước này như thế nào.
Ông Martin Andanar, thư ký truyền thông của Tổng thống Duterte, cũng khẳng định: “Thưa quý vị nhà báo quốc tế, tôi đã nói đi nói lại nhiều lần rồi, quý vị cứ việc tới đây trải nghiệm cuộc sống ở những ngôi làng đang gặp nhiều vấn đề với ma túy”.
Theo thông tin từ chính quyền Philippines, nước này có khoảng 3,7 triệu người nghiện ma túy. Trong chiến dịch Oplan Tokhang mà chính quyền vừa tiến hành kêu gọi người nghiện tự trình diện để được hưởng khoan hồng, đã có khoảng 700.000 người nghiện ra trình diện cảnh sát để được cho cai nghiện tập trung.
Không sợ đe dọa
Sau khi công khai đối đầu với tổng thống, bà Leila de Lima liên tục nhận được những cáo buộc kỳ lạ và bị lăng mạ danh dự. Thứ năm tuần trước (ngày 25-8), ông Duterte cáo buộc bà Lima nhận hối lộ từ các trùm ma túy trong nhà tù New Bilibid ở tỉnh Pangasinan trong thời gian bà làm bộ trưởng tư pháp. Ông còn nói bà có dan díu tình cảm với người lái xe cũng là cận vệ của mình.
Ông lấp lửng chính người này đã cung cấp thông tin về đường dây ma túy dính dáng đến bà Lima cùng hai lãnh đạo tỉnh Pangasinan.
“De Lima, cô tiêu tùng rồi. Cô đã bị lộ. Giờ đây sự thật đã bị phơi bày. Người ta đã biết tất tần tật. Cô ta đã vi phạm nhân quyền. Cô ta đã khởi xướng tất cả chứ không phải tôi. Cô ta đã hủy hoại cuộc đời của nhiều người dân Philippines” - Tổng thống Rodrigo Duterte cáo buộc với nữ nghị sĩ de Lima.
Mới ngày 29-8, trong buổi nói chuyện tại Bệnh viện Divine Word University ở Tacloban, tổng thống Philippines lại tiếp tục tấn công bà De Lima với giọng điệu thẳng thừng lâu nay. Ông nói rằng bà làm mất mặt phụ nữ và rằng nếu ông là bà, ông “thà treo cổ tự tử còn hơn”! Ông cũng bảo bà De Lima nên từ chức khỏi thượng viện.
Bà Lima thẳng thừng phủ nhận những cáo buộc đó. “Những gì họ đang làm với tôi thậm chí còn tồi tệ hơn cái chết. Danh dự, phẩm giá phụ nữ, danh tiếng của tôi” - bà Lima tuyên bố cương quyết. Tuy nhiên, bà Leila de Lima cho biết bà không hề thấy run sợ cho tính mạng của mình, vì nếu có chuyện gì xảy ra với bà, người ta sẽ biết ngay là ai gây ra.
Dù bà Lima đang dẫn đầu một ủy ban thượng viện tìm kiếm sự thật nhưng ủy ban này lại không có quyền buộc tội bất kỳ cá nhân nào. Bà hi vọng việc thông qua một đạo luật xem giết người ngoài vòng pháp luật là tội phạm đặc biệt với những hình phạt nghiêm khắc sẽ được đẩy nhanh.
Bà Lima sinh năm 1959, được cựu tổng thống Gloria Macapagal Arroyo bổ nhiệm chức chủ tịch Ủy ban Philippines về nhân quyền vào tháng 5-2008. Bà làm việc tại ủy ban đến tháng 6-2010, sau đó được cựu tổng thống Benigno Aquino bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Tư pháp Philippines và giữ vị trí này đến tháng 10-2015.
“Một số bạn bè, một số người thân trong gia đình cầu xin tôi tốt hơn là nên dừng đối đầu, giữ im lặng hoặc từ chức thì tôi sẽ được bình an. Nhưng tôi không thể làm thế: -Nữ thượng nghị sĩ Leila de Lima