Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Làm điện gió bằng chậu nhựa

(08:20:35 AM 30/08/2016)
(Tin Môi Trường) - Những ngày này về khu xóm thuyền ven sông Hồng (còn gọi là bến Gốm), thuộc P.Tứ Liên, Q.Tây Hồ, Hà Nội, ai cũng thấy hiếu kỳ với mô hình điện gió... từ chậu nhựa thắp sáng cả một xóm nghèo vốn tù mù về điện.

 Làm điện gió bằng chậu nhựa
Điện gió làm bằng chậu nhựa ở bến Gốm, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN


Trên những con thuyền cũ, người dân bến Gốm chủ yếu sinh sống và buôn bán vận chuyển đồ gốm hoặc thu mua phế liệu để mưu sinh. Nhận thấy đời sống người dân còn nhiều khó khăn, điện đóm tù mù, tháng 5-2016 anh Lê Vũ Cường (SN 1979), giám đốc Công ty TNHH kiến trúc nội thất xanh 1516, đã quyết định áp dụng mô hình điện gió để thắp sáng cho bà con xóm nghèo.

Xóm nghèo có điện miễn phí

“Tôi từng đọc một bài báo viết về khu vực này vài năm trước, không có điện, hiện chỉ xin được một đường dây điện kéo về nhưng chi phí cao, tổn thất đường dây nhiều, tôi quyết định thử nghiệm mô hình điện gió để giúp đỡ bà con. Khu vực ven sông nhiều gió, nhà thuyền lại có thể di động, dù chuyển đi đâu họ cũng mang theo được nên không lo thiếu điện” - anh Cường chia sẻ về quyết định thực hiện dự án.

Anh cho biết thêm từ lúc lên ý tưởng cho đến khi thực hiện mô hình ứng dụng chỉ mất ba tháng. Rất may mắn là xin được số tiền khoảng 10 triệu đồng từ một quỹ tài trợ nên anh lắp hoàn toàn miễn phí cho người dân.

Theo anh Cường, mô hình điện gió này rất đơn giản, gồm hệ cánh gió bằng chậu nhựa, hệ khung bằng nhôm, trục quay, cột đỡ, bình ăcquy, bộ điều khiển sạc và bóng đèn, hoạt động với nguyên lý khi có gió hệ cánh gió sẽ quay, gắn với môtơ phía dưới sinh ra điện.

Điện được trữ trong bình ăcquy chiếu sáng cho một bóng đèn 9W. Một bóng đèn có hiệu quả chiếu sáng từ 3 - 4 tiếng buổi tối, phù hợp với nhu cầu của các hộ dân.

“Mô hình điện gió rất dễ nhưng mình phải hướng đến đối tượng nào, thời điểm nào và vị trí nào để giúp ích cho xã hội, nhất là cho người nghèo - anh Cường nói - Nhiều người thắc mắc tại sao tôi lại sử dụng chậu nhựa chứ không phải vật liệu khác, thật ra tôi đã suy nghĩ kỹ nếu chậu nhựa hỏng hóc, người dân có thể ra chợ mua và thay thế ngay lập tức. Làm thế nào để tiết kiệm chi phí mà sử dụng hiệu quả, đó là điều tôi hướng đến”.

Từ khi được lắp đặt miễn phí mô hình điện gió, 10 nhà thuyền khu vực ven sông Hồng có nhiều thay đổi hơn nhờ có điện, các hộ dân sinh sống ở đây đều vui mừng vì đỡ được phần nào chi phí sinh hoạt.

Anh Đỗ Văn Lộc, 34 tuổi, người dân khu vực nhà thuyền bến Gốm, hồ hởi: “Bóng đèn này sáng và dịu lắm. Ánh sáng với bà con nơi đây rất quý, lại giúp bà con tiết kiệm được 50.000 - 60.000 đồng/tháng tiền điện. Chúng tôi mong muốn mô hình này được nhân rộng và thiết thực hơn, có thể cắm được nồi cơm điện, dùng quạt, tivi được lâu hơn”.

Tuy nhiên để có được sự tin tưởng của người dân, ứng dụng mô hình điện gió hiệu quả như hiện nay, anh Cường đã trải qua nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, từ việc lên ý tưởng đến xin quỹ tài trợ của các tổ chức phi chính phủ. Khó khăn nhất, theo anh, chính là việc thuyết phục người dân đồng ý sử dụng mô hình điện gió thử nghiệm.


 Làm điện gió bằng chậu nhựa
Lê Vũ Cường đang làm điện gió cho bà con ở bến Gốm - Ảnh: NVCC


Giúp dân từ ý tưởng “điên rồ”

Lê Vũ Cường tâm sự khi lên ý tưởng thực hiện các dự án xã hội, nhiều người bảo anh là “điên rồ”, thậm chí cả gia đình anh không tin tưởng anh sẽ thành công.

“Họ thấy tôi làm mất nhiều thời gian mà không thấy lợi nhuận mang về, phần nữa lại sợ tôi vất vả nên không tin tưởng. Tuy nhiên việc này là đam mê và cũng là định hướng của tôi từ lâu, nhưng cứ đi lòng vòng mãi nay mới thực hiện được. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện dừng lại, cứ dự án này xong tôi sẽ tiếp tục làm những cái mà người khác nghĩ là điên rồ” - anh Cường chia sẻ.

Xuất phát điểm là một kiến trúc sư, Lê Vũ Cường luôn nung nấu thực hiện những dự án xã hội mang lại lợi ích cho cộng đồng. Ra trường với tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành kiến trúc của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, anh nhanh chóng tìm được công việc ưng ý trong một cơ quan nhà nước.

Tình cờ trong một lần tham gia hội thảo “Kiến trúc xanh”, anh Cường gặp một người nước ngoài mời về làm việc trong Hội đồng công trình xanh Việt Nam. Niềm đam mê sáng tạo thôi thúc, anh quyết định từ bỏ công việc với mức lương ổn định, bắt tay vào làm việc và nghiên cứu các dự án nhà ở cho người nghèo, cho đối tượng có thu nhập thấp.

Năm 2009, Cường tự mình tìm kiếm trên mạng và xin được một học bổng tài trợ từ Chính phủ Úc. Qua Úc một thời gian, anh xin học bổng sang Đức để tiếp tục tìm hiểu dự án nhà ở xanh cho người nghèo. Đến lần thứ ba, anh quay lại nước Úc để hoàn thành nghiên cứu.

Song anh nhận thấy tất cả đề tài của mình dù đoạt giải nhưng sau khi báo cáo xong kết quả đều vứt xó, không ai dùng đến, Cường quyết định quay về Việt Nam giảng dạy. Hiện anh là giảng viên khoa kiến trúc Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội.

“Vừa đi dạy vừa mở công ty riêng, tôi chỉ muốn có thời gian để nghĩ về những dự án, phải làm một cái gì đó thực tế hơn so với những lý thuyết trên giấy”, Lê Vũ Cường khẳng định.

Tình cờ vào năm 2015, một người bạn giới thiệu cho anh Cường về một quỹ thường xuyên hỗ trợ các dự án xã hội dành cho người nghèo, anh quyết định xin tài trợ và lên ý tưởng thực hiện mô hình điện gió ứng dụng tại khu vực ven sông Hồng. Đến nay mô hình đã triển khai được hơn bốn tháng và nhận được phản hồi tích cực từ phía người dân. Hiện có một số tổ chức phi chính phủ và nhiều cá nhân đã liên hệ với Cường để nhân rộng dự án.

Không dừng lại ở xóm thuyền

Không dừng lại ở mô hình 10 chiếc máy phát điện gió ở xóm thuyền, anh Cường cho biết sẽ còn nhân rộng hơn nữa những mô hình kiến trúc xanh.

Anh chia sẻ mô hình hiện nay chưa đạt hiệu quả tối đa do sử dụng môtơ tận dụng, nên anh đang kết hợp cùng những người có chuyên môn kỹ thuật sản xuất môtơ dành riêng cho mô hình điện gió công suất dưới 100W với chi phí rẻ nhất khoảng 1 triệu đồng, dự tính mang lại hiệu quả lớn.

“Trước tiên làm 10 cái thử nghiệm ở đó, nếu sản xuất môtơ thành công sẽ ứng dụng được rất nhiều mô hình khác và đặt tại nhiều nơi khác, ví dụ ở khu vực miền Trung có nhiều gió. Tôi sẽ xin quỹ tài trợ, lắp đặt miễn phí cho người dân nghèo.

Đặc biệt trong tương lai tôi sẽ xây dựng một công trình toàn chong chóng sản sinh ra điện, lại tạo kiến trúc xanh đẹp. Trên thế giới tôi nghĩ chưa ai làm được cái này do phải đầu tư giá cao mà hiệu quả không lớn, nhưng tôi sẽ đi khác, sẽ làm được” - Cường khẳng định.

Với mô hình điện gió, Cường mong muốn sẽ phát triển, nhân rộng đến với nhiều người dân nghèo, nhất là những khu vực đang thiếu điện. Đặc biệt không chỉ ở Việt Nam, hiện có một số nước như Ấn Độ, Nigeria, Cộng hòa Honduras... đã liên hệ với anh Cường để ứng dụng mô hình điện gió này tại nước họ.

Anh vui vẻ cho biết: “Ít tháng nữa đợi sản xuất xong môtơ tôi sẽ đưa qua nước họ dùng thử, họ sẽ áp dụng lắp đặt cho người nghèo. Tôi không còn đơn thương độc mã nữa, nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung chí hướng sẽ cùng tôi hoàn thành dự án này”.

Giải thưởng

Năm 2008: đoạt giải ba (không có giải nhất) cuộc thi Kiến trúc nhiệt đới với vấn đề bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng kinh tế hiệu quả.

Năm 2010: đoạt giải khuyến khích hạng chuyên nghiệp cuộc thi Kiến trúc xanh quốc tế FuturArc Prize.

Năm 2011: đoạt giải ba hạng chuyên nghiệp cuộc thi Kiến trúc xanh quốc tế FuturArc Prize 2011 với đồ án Trang trại chong chóng được xuất bản trên tạp chí FuturArc.

“Lúc đầu tôi đến người dân không cởi mở tiếp đón, thậm chí họ dè dặt vì sợ tôi tiếp thị này nọ. Tôi cùng các bạn đồng hành phải mất cả buổi để giải thích và bảo sẽ hỗ trợ miễn phí cho họ, nếu không tốt có thể không dùng. Khi đó một chú lớn tuổi nhất đồng ý bảo lắp thử nghiệm cho chú trước coi sao, tôi mừng lắm. Dần dần qua một tháng chạy thử, người dân thấy dự án này hay, từ việc hoài nghi họ đã đến đăng ký với tôi xin lắp đặt".

(Theo TTO)